In bài viết

Tết Nguyên đán cận kề, hàng chục nghìn lao động mất việc có được hỗ trợ?

13:45 - 18/12/2022

(Chinhphu.vn) - Hàng chục nghìn lao động mất việc, hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập do doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Đây là thực tế ảm đạm đang diễn ra và được dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn đến giữa năm 2023. Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, người lao động lại tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn về việc làm, thu nhập đang xảy ra.

Triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động kịp thời là rất cần thiết, đặc biệt khi Tết Nguyên đán 2023 đã cận kề. Xung quanh vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) .

Hàng chục nghìn lao động phải nghỉ việc, hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm

Theo con số của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), đã có hơn 41 nghìn lao động phải nghỉ việc, hơn 470 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Tuy vậy, dường như con số này chưa phản ánh hết thực tế những khó khăn mà người lao động và các doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay phải không thưa bà?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Nói chung, con số đó thay đổi liên tục. Ví dụ theo cập nhật mới nhất của Tổng LĐLĐVN đến thời điểm này có khoảng 670 nghìn người bị ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng và số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động khoảng gần 45 nghìn người. 

Số lao động bị ảnh hưởng việc làm nhiều nhất ở các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến gỗ, sau đó đến dệt may, da giày và một số doanh nghiệp điện tử. Chủ yếu là ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động. 

Trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, cũng có rất nhiều lao động tìm được việc làm mới ở các doanh nghiệp khác.

Trong bối cảnh hiện nay, dù không ít doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc, giãn việc, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp vẫn đang thiếu lao động, đặc biệt một số địa phương hiện nay vẫn xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ. Trong số hàng chục nghìn lao động bị mất việc cũng có không ít lao động hiện chưa tìm được việc làm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất đây là những lao động cũng đã nhiều tuổi, họ muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần. 

Thứ 2 nữa là họ không muốn đi làm ở doanh nghiệp khác vì khi họ vào chỗ làm mới, lương sẽ lại phải tính lại từ đầu với mức lương thấp. Hiện tượng này cũng đặt ra vấn đề là phải có các giải pháp về đào tạo lại lao động, tạo việc làm cho lao động lớn tuổi. 

Con số về lao động bị ảnh hưởng việc làm chắc chắn sẽ còn có những biến động vì thực tế hiện nay cả doanh nghiệp và người lao động còn phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là Tết Nguyên đán 2023 đã cận kề.

Tết Nguyên đán cận kề, hàng chục nghìn lao động mất việc có được hỗ trợ? - Ảnh 1.

Các trung tâm dịch vụ việc làm đang đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm hỗ trợ lao động mất việc.

Phải tới quý III/2023, biến động về lao động mới được cải thiện

Theo các chuyên gia dự báo, tình trạng này sẽ còn khó khăn kéo dài đến tháng 3/2023. Vậy còn đối với Tổng LĐLĐVN, dự báo sẽ như thế nào thưa bà?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Đúng là như vậy, dự báo của Tổng LĐLĐVN là sang quý I và quý II/2023 vẫn tiếp tục khó khăn do lượng đơn hàng vẫn chưa hồi phục. 

Có thể từ nay đến hết Quý II/2023, các doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục cắt giảm thêm 15 nghìn lao động, cùng với đó khoảng 271 nghìn người sẽ bị giảm giờ làm. Chúng tôi nhận định, chắc chắn phải bước vào quý III/2023, việc giảm lao động, cũng như biến động về lao động sẽ được cải thiện. 

Thời điểm đó, lượng đơn hàng sẽ có thể được hồi phục hoặc là những doanh nghiệp đang thiếu lao động sẽ tiếp tục phải đẩy mạnh tuyển dụng để ổn định sản xuất. Chúng tôi đang hy vọng 6 tháng cuối năm 2023 tình hình sẽ khả quan hơn.

Quan hệ lao động thời gian qua là một bức tranh tương đối ảm đạm

Qua theo dõi của Tổng LĐLĐVN, thời gian qua tình trạng căng thẳng việc làm có ảnh hưởng đến quan hệ lao động không thưa bà?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Hàng chục nghìn người mất việc, khoảng 670 nghìn người bị ảnh hưởng việc làm nên ảnh hưởng đến quan hệ lao động là tất yếu. Quan hệ lao động thời gian này là một bức tranh tương đối ảm đạm. 

Theo dõi của chúng tôi so với năm ngoái thì tăng 51 cuộc ngừng việc và đình công. Có nhiều nguyên nhân nhưng lại không có vụ nào ngừng việc và đình công do biến động lao động.

Có một vấn đề rất cần chú ý là người lao động không ngừng việc vì khó khăn của doanh nghiệp. 

Ngừng việc được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhưng vì những nguyên nhân khác như: không công bố thưởng Tết, không có lương tháng thứ 13 hoặc các chính sách người sử dụng lao động phải giải quyết cho người lao động trước Tết…

Tết Nguyên đán cận kề, hàng chục nghìn lao động mất việc có được hỗ trợ? - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Vì sao lao động xếp hàng cả đêm để chờ rút BHXH một lần?

Mấy ngày nay, hình ảnh không ít người lao động phải xếp hàng cả đêm để chờ rút BHXH một lần ở một số điểm tại TP Hồ Chí Minh là câu chuyện rất đáng suy nghĩ. Làn sóng mất việc được dự báo sẽ còn tiếp tục căng thẳng, vì thế số người mất việc, rút BHXH một lần có thể sẽ tăng tới đây. Bà nghĩ thế nào về vấn đề này?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Đây là hiện tượng đã từng xảy ra trong thực tiễn. Vì tâm lý của người lao động lo sợ một số vấn đề như: Tỷ lệ hưởng bảo hiểm xã hội khi nghỉ hưu sẽ bị giảm, từ đó người lao động có suy nghĩ dù có tham gia bảo hiểm xã hội cho đủ thời gian để được hưởng chế độ hưu trí thì tiền lương hưu khi được lĩnh cũng rất là thấp, không đảm bảo được cuộc sống. Cho nên rất nhiều người lao động vì tâm lý đó mà đi rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đây là một trong những vấn đề làm thiệt hại đến quyền lợi về mặt lâu dài và bền vững của người lao động. 

Chúng tôi cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều đã đưa những phép tính đơn giản để khuyến cáo người lao động rằng để hưởng chế độ hưu trí có lợi hơn rất nhiều so với việc rút bảo hiểm xã hội một lần khi chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, có thể nói rằng công tác tuyên truyền chúng ta vẫn làm chưa tốt.

Cùng với đó, cũng phải nói rằng nhận thức của người lao động thay đổi rất chậm. Họ chỉ nhìn thấy quyền lợi trước mắt mà không nhìn về những quyền lợi bền vững và lâu dài. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội của vùng, địa phương đó và sẽ tạo ra những thiệt thòi cho người lao động sau này khi về già. 

Khi người lao động nhận được khoản tiền rút bảo hiểm xã hội một lần chắc chắn họ sẽ đưa vào sử dụng cho một việc gì đó trước mắt và cũng chỉ chốc lát là đã hết khoản tiền coi như “của đề dành” mà họ phải tích cóp trong nhiều năm.

Đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ lao động

Đã có những ý kiến đưa ra rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi người lao động bị mất việc cũng là cơ hội để đào tạo lại lao động hướng đến giải bài toán việc làm về mặt lâu dài cho người lao động phù hợp với xu thế xã hội. Bà nghĩ thế nào và phía Tổng LĐLĐVN đã có những kiến nghị gì để giải quyết vấn đề của người lao động hiện nay?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Có nhiều chùm giải pháp đối với từng cơ quan từ Chính phủ đến các bộ, ngành. Chúng tôi cũng đã đưa ra một số các khuyến nghị. 

Chẳng hạn như đối với Chính phủ, chúng tôi đã có các kiến nghị về giải pháp, ví dụ như gia hạn các chính sách để hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động như một gói hỗ trợ của Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. 

Thứ hai, chúng tôi cũng kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp. 

Cùng với đó có thể áp dụng một số giải pháp khác như tạm ngừng đóng quỹ hưu trí tử tuất, hỗ trợ trong công tác đào tạo bồi dưỡng và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để trả lương trong thời gian người lao động phải ngừng việc, hoặc cho vay để doanh nghiệp phục hồi sản xuất…

Về phía người lao động, chúng tôi kiến nghị hỗ trợ cho người lao động thuộc nhóm đối tượng đang phải tạm hoãn lao động, đang phải ngừng việc hoặc phải chấm dứt hợp đồng lao động. 

Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ thuê nhà cho người lao động, hỗ trợ những lao động bị giảm giờ làm mà thu nhập còn thấp hơn lương tối thiểu… Đây là các giải pháp chúng tôi kiến nghị với Chính phủ. 

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐVN là một bên trong Ủy ban Quan hệ lao động nên cũng đã có những bàn thảo với các thành viên khác để đưa ra những khuyến nghị tìm giải pháp duy trì các đơn hàng tạo ra việc làm cho người lao động.

Có một vấn đề cần phải quan tâm hiện nay là trong số lao động mất việc, nhiều người đã quay trở lại tìm việc làm ở các doanh nghiệp khác nhưng cũng có không ít lao động đã ngoài 35, 40 tuổi họ không muốn đi làm trở lại như chúng ta đã nói ở trên. 

Đây là nhóm đối tượng cũng tương đối lớn mà tôi nghĩ rằng cần sớm có giải pháp để giải quyết bài toán việc làm cho họ. Các nước khác cũng xảy ra tình trạng này nhưng kinh tế họ tốt hơn nên họ xây dựng những quỹ hỗ trợ lao động nhiều tuổi khi chấm dứt hợp đồng lao động. 

Chúng ta do kinh tế còn khó khăn nên chưa thể xây dựng các quỹ này do đó bài toán đào tạo lại lao động hay các giải pháp giải quyết bài toán việc làm cho nhóm đối tượng này là rất cần thiết.

Hỗ trợ 1 triệu lao động bị cắt giảm việc làm, hoàn cảnh khó khăn

Trước mắt là Tết Nguyên đán 2023 đã cận kề, Tổng LĐLĐVN sẽ triển khai các giải pháp gì để hỗ trợ công nhân, lao động mất việc, khó khăn thưa bà?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Tổng LĐLĐVN đã triển khai nhiều chương trình chăm lo cho người lao động từ rất sớm. Chúng tôi đã có gói hỗ trợ cho những lao động khó khăn do bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, bị chấm dứt hợp đồng lao động. 

Tổng LĐLĐVN sẽ trích kinh phí hỗ trợ công nhân bị cắt giảm việc làm, có hoàn cảnh khó khăn mỗi người một suất 500 nghìn đồng, dự kiến khoảng 1 triệu lao động sẽ được thụ hưởng nguồn hỗ trợ này. 

Cùng với đó, trước thềm Tết Quý Mão, Công đoàn, Trung ương Đoàn cũng huy động doanh nghiệp hỗ trợ trên 5.000 phần quà Tết cho người lao động khó khăn ở 11 tỉnh/thành phố. Mỗi suất trị giá 700 nghìn đồng gồm 300 nghìn đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm.

Công đoàn cơ sở sẽ lập danh sách từng hoàn cảnh, lấy ý kiến người lao động, không để phát sinh thủ tục rườm rà. 

Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn sẽ tổ chức các chương trình Tết cho người lao động như: Tết sum vầy, Xuân yêu thương… khi mà họ không có điều kiện để về quê, cố gắng giữ chân người lao động ở địa phương để họ tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp, đưa đón người lao động về quê hay trở lại doanh nghiệp dịp Tết… 

Một vấn đề quan trọng cũng đang được tổ chức công đoàn triển khai là tìm các biện pháp tạo việc làm, giới thiệu việc làm cho người lao động. Thông qua sự liên kết của các công đoàn cơ sở để tìm việc làm mới cho người lao động.

Cảm ơn bà!

Theo CAND

Tết Nguyên đán cận kề, hàng chục nghìn lao động mất việc có được hỗ trợ? - Ảnh 3.

Nắm chắc tình hình chi trả tiền lương, tiền thưởng cho người lao động; kịp thời hỗ trợ người lao động bị mất việc, thiếu việc

Ngày 16/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1170/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.

Để bảo đảm việc làm, chăm lo đời sống và an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu và đề nghị:

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, phối hợp với các địa phương chủ động, thường xuyên nắm tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về tuyển dụng, sử dụng lao động, cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp;

Kịp thời tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng theo đúng quy định của pháp luật và các thỏa thuận, nội quy, quy chế của doanh nghiệp;

Hướng dẫn các địa phương khuyến khích doanh nghiệp có các biện pháp thiết thực, hiệu quả quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và khuyến khích người lao động đổi mới sáng tạo, cùng nhau khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức.

Chủ động có giải pháp cơ cấu lại lao động, phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra, đặc biệt trong dịp Tết.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và các cấp chính quyền địa phương, cơ sở tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp và đời sống người lao động, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.

Tập trung chăm lo đời sống cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão

Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo công đoàn các cấp xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nắm tình hình lao động, việc làm, lương, thưởng, đời sống người lao động, việc đi lại của người lao động trong dịp Tết để có các phương án cơ cấu lại lực lượng lao động những nơi thừa, thiếu cục bộ và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, nhất là đối với những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.

Đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đại diện người sử dụng lao động tăng cường tính tuân thủ pháp luật lao động, thúc đẩy đối thoại, thương lượng kịp thời để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động.

Các doanh nghiệp tích cực, chủ động duy trì sự ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, nỗ lực duy trì, bảo đảm việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết các chế độ lương, thưởng cho người lao động, nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, thực hiện nghiêm các cam kết với người lao động theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và các thỏa thuận khác của doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và kêu gọi người dân, doanh nghiệp, người lao động chung sức, đồng tâm, hiệp lực tập trung khắc phục những khó khăn trước mắt, vượt qua thách thức, bảo đảm việc làm, thu nhập và tập trung chăm lo đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão; góp phần quan trọng duy trì sự ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.