CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Hỗ trợ phát triển thị trường lao động phục vụ chuyển đổi số

10:48 - 28/09/2022

(Chinhphu.vn) - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Theo đó, Bộ đề xuất nhóm giải pháp phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước.

Việt Nam chưa có quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2019, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), do đó, một số các quy định trong Luật Việc làm không phù hợp, thống nhất với Bộ Luật Lao động 2019 như: quy định về "quản lý lao động", độ tuổi của người lao động,... 

Vì vậy, cần thiết phải có sự sửa đổi để đảm bảo thế chế đầy đủ quy định về "quản lý lao động" và thống nhất trong các quy định về độ tuổi của người lao động hiện nay. 

Thế giới đang bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với bản chất là dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số; chưa có quy định chính thức trong luật về các khái niệm "việc làm xanh"; các vấn đề xoay quanh khái niệm "phi chính thức" như kinh tế phi chính thức, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức… nhưng chưa được quy định, làm rõ khái niệm trong luật, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, xác định đối tượng và tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ.

Việc đánh giá sự phát triển thị trường lao động của địa phương, vùng, toàn quốc còn nhiều hạn chế, chưa đóng góp nhiều cho công tác hoạch định chính sách, định hướng cho các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo, doanh nghiệp tuyển dụng, lao động lựa chọn học nghề, tìm việc, đồng thời, chưa thể hiện rõ tính chất như là một dự báo về xu hướng, triển vọng mang tính chính thức của cơ quan quản lý nhà nước về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, nhất là theo ngành, vùng.

Cơ sở dữ liệu điện tử về việc làm còn hạn chế, một số trang thiết bị, phần mềm dùng chung chậm được nâng cấp, sửa chữa, bổ sung các tính năng; thiếu cơ sở dữ liệu điện tử về người lao động một cách đồng bộ, thống nhất, được cập nhật thường xuyên, chưa có sự gắn kết với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thuế, BHXH…

Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động thống nhất toàn quốc

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động; quy định hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan; nâng cao năng lực thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động.

Đồng thời, quy định nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm (công và tư); tăng cường quản lý và đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động dịch vụ việc làm; quy định về quản lý lao động, nhất là lao động không có giao kết hợp đồng lao động.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý lao động

Để thực hiện nội dung nêu trên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định về các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động phục vụ chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động; quy định hỗ trợ đối tượng tham gia thị trường lao động.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước về thống kê về cung cấp các số liệu, dữ liệu chi tiết về các thông tin thị trường lao động thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc công bố báo cáo định kỳ về tình hình, triển vọng việc làm, nghề nghiệp theo ngành, vùng; xây dựng và công bố chỉ số phát triển thị trường lao động theo vùng, tỉnh.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về nội hàm dịch vụ việc làm, đảm bảo phù hợp với Công ước số 88 mà Việt Nam đã tham gia; bổ sung quy định về hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng.

Bổ sung quy định về nhân viên làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm (công và tư) phải tham gia khóa đào tạo/bồi dưỡng/huấn luyện/cập nhật về dịch vụ việc làm và được tổ chức có thẩm quyền cấp chứng chỉ sau khi kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu. Bổ sung quy định về việc thành lập các bộ phận/đơn vị thuộc các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, bổ sung nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm, gồm: Hướng nghiệp; thực hiện thỏa thuận giữa 2 địa phương trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; sửa đổi quy định về đào tạo kỹ năng, dạy nghề của trung tâm.

Cụ thể hóa các quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, điều kiện thành lập chi nhánh hoạt động dịch vụ việc làm (theo hướng gắn với cơ cấu, tiêu chuẩn về đội ngũ nhân sự và tài chính ký quỹ).

Bộ cũng đề xuất bổ sung quy định về đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

Bổ sung 1 chương về quản lý lao động

Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung nội dung 1 Chương về quản lý lao động bao gồm các nội dung: đối tượng quản lý; công cụ quản lý; cơ sở dữ liệu về người lao động; thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về người lao động; bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin về người lao động; trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động.

Mời bạn đọc xem toàn văn Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) và góp ý tại đây.

Tuệ Văn