CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Hà Nội thông qua một loạt chính sách hỗ trợ, đãi ngộ

07:58 - 09/12/2022

(Chinhphu.vn) - Chiều 8/12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 đã xem xét thông qua nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến hỗ trợ, đãi ngộ Nghệ nhân nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ.

Hà Nội thông qua một loạt chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân, nghệ sĩ, người có công - Ảnh 1.

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp.

Hỗ trợ, đãi ngộ Nghệ nhân nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết Quy định “chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội” và “chế độ hỗ trợ đối với nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

Theo đó, hỗ trợ một lần đối với nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” (do Hội đồng xét tặng “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” thành phố Hà Nội đề xuất và được Chủ tịch nước phong tặng).

Mức hỗ trợ đối với “Nghệ sĩ nhân dân” là 20 triệu đồng/người; đối với “Nghệ sĩ ưu tú” là 15 triệu đồng/người.

Về chế độ đãi ngộ đối với “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, Nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được UBND thành phố hỗ trợ một lần, mức hỗ trợ 40 triệu đồng đối với “Nghệ nhân nhân dân” và 30 triệu đồng đối với “Nghệ nhân ưu tú".

Trước đó, đại diện UBND thành phố Hà Nội trình bày các tờ trình của UBND thành phố cho biết, tổng 3 đợt phong tặng (năm 2015, 2019, 2022), Hà Nội có 131 nghệ nhân với 18 "Nghệ nhân nhân dân" và 113 "Nghệ nhân ưu tú" thuộc các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Trong 131 nghệ nhân đã được phong tặng qua 3 đợt, có 3 "Nghệ nhân nhân dân" và 12 "Nghệ nhân ưu tú" đã mất. 

Do đó, tổng số nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng hiện còn sống và hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là 116 nghệ nhân (15 "Nghệ nhân nhân dân" và 101 "Nghệ nhân ưu tú").

Ngoài ra, Hà Nội hiện có gần 200 nghệ sĩ, diễn viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Đây là những nghệ sĩ tài năng có nhiều thành tích, cống hiến cho nghệ thuật Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, đời sống vật chất hiện nay của phần lớn nghệ sĩ, diễn viên Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố cơ bản thống nhất với mức hỗ trợ một lần đối với nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” (do Hội đồng xét tặng “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” thành phố Hà Nội đề xuất và được Chủ tịch nước phong tặng).

Về chế độ hỗ trợ với câu lạc bộ tiêu biểu, hỗ trợ lần đầu khi câu lạc bộ được thành lập để mua sắm trang thiết bị, đạo cụ là 50 triệu đồng/câu lạc bộ. 

Hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm cho các câu lạc bộ tiêu biểu hoạt động thường xuyên, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đạt hiệu quả là 20 triệu đồng/câu lạc bộ/năm.

Hà Nội thông qua một loạt chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân, nghệ sĩ, người có công - Ảnh 2.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương trình bày Tờ trình của UBND thành phố về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công của thành phố Hà Nội.

Hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công của thành phố Hà Nội.

Theo Tờ trình của UBND thành phố, hiện nay, Hà Nội đang quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với trên 800.000 người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và một số đối tượng hưởng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, có gần 82.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, có nhiều chính sách cao hơn mức của Trung ương để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công, gia đình chính sách.

Tuy nhiên, hiện nay, đa số người có công với cách mạng tuổi cao, sức khỏe yếu, trên 90% người có công là người cao tuổi, mắc các bệnh mạn tính và bệnh hiểm nghèo do thương tật, bệnh tật, cần được chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên. 

Hiện số lượng người có công và thân nhân hưởng trợ cấp hằng tháng trung bình mỗi năm giảm hàng nghìn người do chết. Chỉ tính riêng trong năm 2020, giảm gần 2.000 người; năm 2021, giảm gần 3.000 người.

Theo nghị quyết được thông qua chiều 8/12, HĐND thành phố nhất trí với 2 chính sách đặc thù gồm: Thứ nhất, hỗ trợ tiền khám sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng khi thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Mức chi hỗ trợ (bằng tiền mặt) 1 triệu đồng/người/năm.

Thứ hai, hỗ trợ tiền mai táng phí khi người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng từ trần (ngoài mức kinh phí theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội).

Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 114 tỷ đồng/năm (tăng so với năm 2022 khoảng 99,7 tỷ đồng), từ nguồn ngân sách thành phố và ngân sách quận, huyện, thị xã theo phân cấp.

Hà Nội thông qua một loạt chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân, nghệ sĩ, người có công - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà điều hành phiên thảo luận tại hội trường.

Mức chi cho đại diện các ban liên lạc tù chính trị 500.000 đồng/hội viên/năm

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán; kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Ngày Quốc khánh 2/9, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu.

Cụ thể, hỗ trợ kinh phí hoạt động của các ban liên lạc tù chính trị Hà Nội, mức hỗ trợ 500.000 đồng/hội viên/năm. Hỗ trợ kinh phí hoạt động của các ban liên lạc tù chính trị tổ chức kỷ niệm vào các năm chẵn và năm tròn: Mức hỗ trợ 500.000 đồng/hội viên (ngoài mức hỗ trợ hằng năm cho hoạt động của các hội viên Ban liên lạc tù chính trị).

Quy định nội dung và mức tặng quà của thành phố Hà Nội tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Ngày Quốc khánh 2/9, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu: Mức quà gồm 2 mức cho các đối tượng (bằng tiền mặt) 2 triệu đồng và 1 triệu đồng. 

Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách thành phố và ngân sách quận, huyện, thị xã theo phân cấp.