Chiều 11/7, theo chương trình phiên họp thứ 13, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát VBQPPL của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát VBQPPL của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gồm 3 chương và 14 điều.
Chương I - Những quy định chung gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh; phạm vi giám sát; nội dung hoạt động giám sát.
Chương II - Trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện giám sát gồm các quy định về theo dõi, tiếp cận và nghiên cứu, xem xét, đánh giá VBQPPL; xử lý việc chưa ban hành văn bản quy định chi tiết và VBQPPL có nội dung có dấu hiệu trái pháp luật.
Chương III - Báo cáo kết quả giám sát VBQPPL và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát gồm các quy định về cập nhật thông tin về kết quả giám sát VBQPPL; Báo cáo kết quả giám sát VBQPPL theo kỳ giám sát hàng năm; hồ sơ Báo cáo kết quả giám sát VBQPPL theo kỳ giám sát hằng năm; chế độ báo cáo; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát; hiệu lực thi hành và tổ chức thi hành.
Giám sát VBQPPL có ý nghĩa rất quan trọng
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá giám sát là một hoạt động rất quan trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đó, giám sát văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta thực hiện Đại hội Đảng XIII, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, nâng cao chất lượng chiến lược xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật thì công tác giám sát văn bản càng có ý nghĩa quan trọng.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội rất có ý nghĩa và cần phải làm nhanh.
Đây cũng là nội dung được thực hiện đúng theo chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Kết luận 522 ngày 25/11/2021 tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống đang đặt ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết trong quá trình soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan chủ trì soạn thảo. Dự thảo đã được lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và tiếp thu, chỉnh lý để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần này.
Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc ban hành dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát VBQPPL của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đồng thời cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị quyết.
Hằng năm có rất nhiều VBQPPL được ban hành không đúng pháp luật
Dẫn chứng hằng năm có rất nhiều VBQPPL được ban hành không đúng pháp luật, trong đó có cả việc ban hành VBQPPL không đúng thẩm quyền, có văn bản sai về nội dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này là rất cần thiết và cấp bách.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật là vấn đề rất quan trọng. Do đó, trước hết, cơ quan ban hành, tổ chức thực hiện VBQPPL phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Khẳng định hoạt động giám sát VBQPPL là rất thiết thực trong đánh giá việc chấp hành pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị quan tâm làm rõ thêm về kỳ báo cáo và báo cáo kết quả giám sát.
Trong đó, kết quả giám sát chỉ rõ nơi làm được, bao nhiêu nơi đúng thời gian, ở đâu ban hành đúng, ở đâu ban hành chưa đúng thẩm quyền, ở đâu ban hành chậm để hàng năm báo cáo Quốc hội. Qua đó, góp phần chấm dứt tình trạng luật ra đời rất lâu nhưng chưa có văn bản hướng dẫn.
Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng Nghị quyết lần này là cơ sở để các cơ quan tổ chức thực hiện thống nhất. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ thêm về trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát của Quốc hội khi ban hành VBQPPL thì đương nhiên là phải gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và các cơ quan liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng cần quy định rõ tính chất pháp lý của Nghị quyết này để thể hiện sức mạnh và tính thuyết phục khi thực hiện văn bản, không chỉ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thực thi nhưng còn các cơ quan của Chính phủ, địa phương thực hiện. Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng lưu ý đến việc quy định về trình tự thủ tục giám sát văn bản bí mật Nhà nước.
Quy định rõ phạm vi, trình tự, công bố kết quả giám sát VBQPPL
Kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo là Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với các cơ quan đã có nhiều cố gắng để triển khai khẩn trương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm rõ, giám sát VBQPPL đã được quy định trong các luật, tuy nhiên trong tổ chức thực hiện chưa rõ, do đó cần phải có một văn bản hướng dẫn tổng hợp, có tính chất cẩm nang và có những quy định chi tiết thêm trong tổ chức thực hiện và không đặt ra quy định mới, không đặt ra thẩm quyền mới, không đặt ra nghĩa vụ mới.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo hướng quy định rõ phạm vi giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban theo lĩnh vực phụ trách được phân công và theo phân công, có giám sát thường xuyên và có giám sát theo chuyên đề và theo đột xuất. Từ đó có báo cáo định kỳ và có báo cáo đột xuất.
Tiếp tục biên tập tổng hợp hơn để có tính chất như là một cẩm nang hướng dẫn, bổ sung các nội dung về nguyên tắc giám sát văn bản, bổ sung những nội dung cần thiết về trình tự, thủ tục giám sát bao gồm xây dựng kế hoạch giám sát, quy trình, thủ tục, việc công khai, công bố kết quả giám sát.
Bổ sung quy định trường hợp Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội khi phát hiện thấy văn bản sai thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội tùy theo nội dung công việc và thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Trên cơ sở ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành việc thông qua Nghị quyết về mặt nguyên tắc.
Đồng thời, giao Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong tháng 7/2022./.