Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương thành tích triệt phá đường dây buôn lậu đất hiếm
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia gửi Thư khen các đơn vị: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục An ninh mạng và phòng , chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Kỹ thuật nghiệp vụ; Cục Ngoại tuyến; Viện Khoa học hình sự; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an); Công an các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nam đã chủ trì, phối hợp tổ chức đấu tranh, triệt phá thành công đường dây khai thác trái phép khoáng sản.
Trong Thư khen nêu rõ: "Tôi vui mừng được biết, thời gian vừa qua, thực hiện Chuyên án 309-H, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã chủ trì, phối hợp tổ chức đấu tranh, triệt phá thành công đường dây khai thác trái phép khoáng sản, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, buôn lậu đất hiếm xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái và các tỉnh, thành phố phía Bắc, khởi tố 11 bị can, tạm giữ 13.715 tấn quặng đất hiếm, 1.400 tấn quặng sắt và 1,6 tỷ đồng".
Thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), tôi đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương thành tích xuất sắc nêu trên của các đồng chí.
Chiến công này là minh chứng rõ nét cho quyết tâm cao trong công tác phòng, chống tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mang lại sự bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân.
"Thời gian tới, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời có hình thức động viên, khen thưởng phù hợp đối với các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác phòng, chống tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả", Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh.
Điều tra mở rộng vụ án nhằm bóc gỡ, triệt xóa toàn bộ đường dây buôn lậu đất hiếm
Trước đó, thực hiện Kế hoạch đấu tranh Chuyên án 309-H, ngày 09/10/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) chủ trì, phối hợp Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Công an các tỉnh, thành phố Yên Bái, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nam… đồng loạt khám xét khẩn cấp 21 địa điểm liên quan đến tổ chức, hoạt động của đường dây khai thác trái phép khoáng sản, vi phạm quy định về kế toán, buôn lậu do Đoàn Văn Huấn và Lưu Anh Tuấn cầm đầu.
Kết quả ban đầu, lực lượng đấu tranh chuyên án phát hiện, tạm giữ 13.715 tấn quặng đất hiếm, 1.400 tấn quặng sắt và 1,6 tỷ đồng; tiến hành niêm phong toàn bộ máy tính, thiết bị điện tử và tài liệu, chứng cứ thu thập được theo quy định của pháp luật.
Kết quả điều tra, xác minh, Cục C03 xác định: Từ năm 2019 đến tháng 09 năm 2023, Công ty cổ phần tập đoàn Thái Dương đã khai thác và bán trái phép khoảng 164.000 tấn quặng đất hiếm và quặng sắt, với tổng giá trị khoáng sản, thu lợi bất chính khoảng 630 tỷ đồng.
Sau thời gian tích cực, khẩn trương điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ, ngày 19/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can đối với 06 đối tượng về tội “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Điều tra mở rộng vụ án, ngày 27/11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an quyết định khởi tố bị can đối với 05 đối tượng về tội “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Hiện, Cục C03 tiếp tục trung lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, điều tra mở rộng vụ án nhằm bóc gỡ, triệt xóa toàn bộ đường dây tội phạm nêu trên, thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước.
Khai thác, tiêu thụ trái phép 11.233.102 kg quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỷ đồng
Liên quan đến vụ án, Cổng TTĐT Bộ Công an cho biết, sau thời gian đấu tranh chuyên án để làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt tại mỏ Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương, ngày 09/10/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 21 địa điểm khai thác, tập kết, kinh doanh và nhà riêng của các các đối tượng có liên quan tại tỉnh Yên Bái và 03 tỉnh, thành phố khác có liên quan; tạm giữ ước tính khoảng 13.715 tấn quặng đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt.
Quá trình điều tra bước đầu xác định: Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương đã chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép 11.233.102 kg quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỷ đồng và 152.856.646 kg quặng sắt có trị giá khoảng 192 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỷ đồng; vi phạm Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ, các khoản 3, 5, 7 Điều 2 và Điều 3 Giấy phép khai thác khoáng sản số 927/GP-BTNMT.
Ngoài ra, Đoàn Văn Huấn và Nguyễn Văn Chính còn thỏa thuận với Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam và Công ty Hợp Thành Phát trong quá trình mua bán quặng đất hiếm và quặng sắt, xuất hóa đơn VAT giảm số lượng và đơn giá bán thực tế; giúp Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương để ngoài sổ sách kế toán trên 28 tỷ đồng thu được từ việc bán quặng đất hiếm và quặng sắt, không thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế, gây thiệt hại (tạm tính) cho Nhà nước là trên 7,5 tỷ đồng.
Khởi tố Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Dương; Chủ tịch HĐQT, Công ty Đất hiếm Việt Nam; Giám đốc Công ty Hợp Thành Phát
Ngày 17/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị có liên quan; khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với 06 đối tượng về 02 tội danh, gồm:
1. Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự;
2. Đặng Trần Chí, Giám đốc và Phạm Thị Hà, Kế toán Công ty Hợp Thành Phát; Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Nguyễn Thị Hiền, Kế toán Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự.
Ngày 19/10/2023, sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn; Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh tố tụng đối với 06 bị can theo đúng quy định pháp luật.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng điều tra, làm rõ bản chất vụ án, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Đề nghị 5 tỉnh điều tra việc mua bán đất hiếm trái phép
Trong một diễn biến liên quan, ngày 30/6/2023, báo CAND đưa tin: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Quý Kiên vừa ký văn bản đề nghị 5 địa phương khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh tình trạng buôn bán, khai thác trái phép đất hiếm.
Theo văn bản của Bộ TN&M, vừa qua, báo chí có thông tin về hoạt động buôn bán, khai thác trái phép đất hiếm trên địa bàn các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ và Thanh Hóa.
Theo đó, một số đối tượng đã tổ chức khai thác trái phép, tuyển, chiết suất và buôn bán tinh quặng đất hiếm từ khu vực xã Bản Hon (huyện Tam Đường, Lai Châu) - cạnh mỏ đất hiếm Đông Pao và khu vực xã Tân Hương, huyện Yên Bình, Yên Bái với khối lượng quặng tinh sau tuyển lớn.
Ngoài ra, hoạt động khai thác trái phép nêu trên của các đối tượng được phản ánh là xuất phát từ việc đào trộm, đào hạ cốt nền có người bảo lãnh.
Trong văn bản, Bộ TN&MT đánh giá đây là hoạt động có tính chất phức tạp, giá trị khối lượng khoáng sản lớn.
Vì vậy, Bộ đề nghị UBND các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xác minh thông tin phản ánh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nêu trên của các đối tượng được phản ánh là xuất phát từ việc đào trộm, hạ cốt nền có người bảo lãnh.
UBND tỉnh Lào Cai chủ động rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, tuyển, tiêu thụ quặng đất hiếm, tăng cường hơn nữa công tác giám sát, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Bộ TN&MT yêu cầu 5 địa phương trên phải gửi kết quả kiểm tra, rà soát về Bộ TN&MT trước ngày 29/7.