Khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ đối với nhà giáo

16/07/2025 05:59

(Chinhphu.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo để đảm bảo có hiệu lực đồng bộ khi Luật Nhà giáo có hiệu lực (từ 1/1/2026).

Khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ đối với nhà giáo- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng thông tin, làm rõ nhiều điểm mới về Luật Nhà giáo

Đạo luật chuyên ngành đầu tiên quy định đầy đủ về vị trí pháp lý, quyền, nghĩa vụ và các chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo

Tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ chín, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã thông tin, làm rõ nhiều điểm mới về Luật Nhà giáo trong đó có nội dung về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. 

Nội dung quy định của Luật Nhà giáo tập trung vào 5 chính sách lớn về nhà giáo đã được Chính phủ thông qua bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Theo đó, Luật Nhà giáo đã bám sát các chủ trương của Đảng về nhà giáo, thể hiện tư duy đổi mới trong xây dựng Luật của Quốc hội khóa XV. Đây là đạo luật chuyên ngành đầu tiên quy định đầy đủ về vị trí pháp lý, quyền, nghĩa vụ và các chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo.

Về quan điểm, mục tiêu: Luật tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm "phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục". 

Luật cũng điều chỉnh một số vấn đề cơ bản, mang tính chất đặc thù của nhà giáo mà các luật hiện hành chưa quy định hoặc quy định chưa phù hợp, hoặc còn mờ nhạt, thiếu cơ sở để thực hiện nhằm tạo khuôn khổ pháp lý giúp bảo đảm chất lượng nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Luật đã quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của nhà giáo, trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, xã hội hóa.

Khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ đối với nhà giáo- Ảnh 2.

Luật Nhà giáo khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo; xác lập vị trí pháp lý đầy đủ cho nhà giáo trong cả cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Lần đầu tiên, nhà giáo ngoài công lập được thừa nhận là một người hành nghề đặc thù

Những điểm mới nổi bật trong Luật Nhà giáo đó là: Đối với đội ngũ hơn một triệu nhà giáo trong toàn quốc, Luật là hành lang pháp lý quan trọng, kiến tạo các chính sách đầy đủ và tốt hơn để nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến với nghề.

Cụ thể, Luật Nhà giáo khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo; xác lập vị trí pháp lý đầy đủ cho nhà giáo trong cả cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. 

Lần đầu tiên, nhà giáo ngoài công lập được thừa nhận là một người hành nghề đặc thù, có chuẩn nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ tương đồng, không chỉ là người lao động theo hợp đồng như trước.

Luật đã làm rõ các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. 

Luật cũng bổ sung quyền đối với nhà giáo đại học được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học, hưởng các chính sách ưu đãi trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập, hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật.

Tiền lương của nhà giáo được xếp cao nhất hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp

Luật đã luật hóa quy định về đạo đức nhà giáo với các quy tắc ứng xử cụ thể trong quan hệ với người học, đồng nghiệp, gia đình học sinh và xã hội. 

Xác định trách nhiệm nêu gương là một phần không thể tách rời trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, thể hiện qua sự mẫu mực, liêm chính, tận tâm trong giảng dạy và ứng xử xã hội. 

Luật quy định rõ quyền được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm và cơ chế xử lý nghiêm minh với các hành vi xúc phạm nhà giáo, bao gồm cấm cá nhân, tổ chức phát tán thông tin quy kết nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Đây là điểm nhấn quan trọng nhằm bảo vệ nhà giáo và giữ gìn môi trường học đường an toàn, văn minh.

Một điểm đáng chú ý là Luật Nhà giáo cải thiện các chính sách về thu nhập đối với nhà giáo. Trong đó, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. 

Điều 23 Luật Nhà giáo quy định "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách tiền lương đối với nhà giáo.

Khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo để đảm bảo có hiệu lực đồng bộ khi Luật Nhà giáo có hiệu lực.

Theo dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo như: Giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV... để bảo đảm tính thống nhất về bảng lương áp dụng với các chức danh nghề nghiệp viên chức nhà giáo và viên chức các ngành, lĩnh vực khác; đồng thời, bảo đảm mức sống của nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. 

Ngoài ra, theo quy định của Luật, nhà giáo còn được hưởng thêm các khoản phụ cấp đặc thù, trách nhiệm, ưu đãi, trợ cấp vùng khó khăn, trợ cấp giáo dục hòa nhập, thâm niên, lưu động..., góp phần nâng cao thu nhập toàn diện.

Khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ đối với nhà giáo- Ảnh 3.

Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua

Bổ sung các chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo

Cùng với đó, Luật bổ sung các chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao vào công tác tại ngành Giáo dục. 

Luật mở rộng và hợp nhất hệ thống chính sách hỗ trợ, trong đó nhấn mạnh: Hỗ trợ nhà ở công vụ hoặc tiền thuê nhà cho giáo viên tại vùng đặc biệt khó khăn; trợ cấp sức khỏe định kỳ, đào tạo - bồi dưỡng nghề nghiệp cho tất cả nhà giáo, không phân biệt công lập - ngoài công lập; 

Ưu tiên trong tuyển dụng, điều động, tiếp nhận đối với nhà giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thu hút người có trình độ cao, kỹ năng nghề giỏi tham gia giảng dạy, nhất là trong các lĩnh vực chiến lược như khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục nghề nghiệp. 

Giáo viên mầm non nếu có nguyện vọng được nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 năm mà không bị giảm lương hưu (nếu đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội). 

Trong khi đó, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hoặc nhà giáo làm việc trong lĩnh vực đặc thù được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn để giữ chân người tài.

Giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng nhà giáo

Luật thống nhất giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng nhà giáo, phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tự chủ tuyển dụng nhà giáo.

Giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.

Việc giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là bước điều chỉnh quan trọng nhằm tháo gỡ những "điểm nghẽn" về chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giải quyết bài toán thừa, thiếu đội ngũ; chủ động điều phối, hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong tương lai.

Khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ đối với nhà giáo- Ảnh 4.

Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng trao đổi các nội dung mà báo chí quan tâm

Xếp lương cao nhất cho nhà giáo: Sự ghi nhận xứng đáng đi cùng trách nhiệm

Tại họp báo, các phóng viên đặt câu hỏi về việc lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp, nhưng việc này lại không được áp dụng với giáo viên hợp đồng, trong khi đối tượng này cũng chiếm số lượng lớn trong hệ thống nhà giáo.

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ sự thấu hiểu sâu sắc trước những trăn trở, thiệt thòi của đội ngũ giáo viên hợp đồng – những người vẫn đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, giáo viên hợp đồng chịu sự điều chỉnh của Luật lao động, nên việc xếp lương phải thực hiện theo cơ chế thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Cũng theo Thứ trưởng, việc quy định lương nhà giáo ở mức cao nhất cũng là một căn cứ quan trọng để các bên thỏa thuận với nhau, từ đó bảo đảm quyền lợi cho giáo viên hợp đồng, tạo điều kiện để họ được đãi ngộ xứng đáng với công sức, trí tuệ và sự cống hiến.

Về câu hỏi: “Việc xếp lương nhà giáo ở mức cao nhất có giúp giảm tình trạng dạy thêm, học thêm không?”, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Thông tư 29 của Bộ GDĐT không cấm dạy thêm, học thêm, mà chỉ cấm việc dạy thêm, học thêm tràn lan, sai quy định.

Thông tư quy định rõ để bảo vệ quyền lợi học sinh, giữ gìn phẩm chất nhà giáo, đồng thời nghiêm cấm việc giáo viên dạy thêm chính học sinh mình đã dạy trên lớp, nhằm tránh xung đột lợi ích và đảm bảo chất lượng giáo dục trong giờ chính khóa.

Theo Thứ trưởng, việc giáo viên có dạy thêm hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ là mức lương. Có thầy cô rất tâm huyết, sẵn sàng dạy miễn phí, có người nhận phí mang tính tượng trưng để phụ huynh yên tâm hơn. Quan trọng là hoạt động dạy thêm phải được quản lí chặt chẽ, đúng quy định, minh bạch và vì lợi ích học sinh.

Chúng ta quy định như vậy để những giáo viên giỏi, có tâm, được phụ huynh tin tưởng có thể dạy thêm một cách chính đáng, không bị hiểu nhầm hay mang tiếng ép buộc học sinh.

“Vì thế, đồng lương chỉ là một trong những yếu tố thôi. Việc xếp lương cao là một phần trong nỗ lực tôn vinh, bảo vệ danh dự nhà giáo – đi đôi với trách nhiệm và sự cống hiến ngày càng cao hơn của đội ngũ này”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Tra cứu ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP; phân tích PHỔ ĐIỂM; các mốc thời gian TUYỂN SINH ĐHCĐ  2025 CẦN GHI NHỚ

Tra cứu ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP; phân tích PHỔ ĐIỂM; các mốc thời gian TUYỂN SINH ĐHCĐ 2025 CẦN GHI NHỚ

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được công bố vào 8 giờ ngày 16/7. Thí sinh và phụ huynh có thể tra cứu điểm thi tốt nghiệp trên chuyên trang Xây dựng Chính sách, Báo điện tử Chính phủ, Cổng TTĐT Chính phủ...

PHỔ ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT 2025

PHỔ ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Chiều 15/7, Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trước 1 ngày công bố điểm thi.

Chi tiết 34 ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH

Chi tiết 34 ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Kể từ ngày 12/6/2025, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Trong đó có 19 tỉnh và 4 thành phố hình thành sau sắp xếp và 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp.

Các MẪU VĂN BẢN của UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã mới

Các MẪU VĂN BẢN của UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã mới

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Tại Công văn 4168/BNV-CQĐP, Bộ Nội vụ hướng dẫn các mẫu văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã mới.

TOÀN VĂN: NGHỊ ĐỊNH 154/2025/NĐ-CP quy định về TINH GIẢN BIÊN CHẾ

TOÀN VĂN: NGHỊ ĐỊNH 154/2025/NĐ-CP quy định về TINH GIẢN BIÊN CHẾ

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Nghị định số 154/2025/NĐ-CP ngày 15/6/2025 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/6/2025; thay thế Nghị định số 29/2023.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi