Về tiêu chí đánh giá:
Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát, đánh giá đối với tất cả CBCCVC thuộc phạm vi quản lý (trừ các chức danh do Ban Thường vụ Thành ủy quản lý) dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất theo các tiêu chí sau:
- Tiêu chí đánh giá về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
- Tiêu chí về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng đáp ứng yêu cầu về tiến độ, thời gian, chất lượng thực thi nhiệm vụ, công vụ thường xuyên và đột xuất.
- Tiêu chí đánh giá về kết quả, sản phẩm công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức mà CBCCVC đã đạt được.
Tùy theo đặc thù ngành nghề, vị trí việc làm mà CBCCVC đang đảm nhận, cơ quan, đơn vị cần đánh giá thêm các nội dung: Về khả năng chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng đề án, phương án, chương trình, kế hoạch, quyết định, quy định, quy chế trong lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu. Về khả năng chủ trì hoặc tham gia sáng kiến cấp cơ sở trở lên hoặc nhiệm vụ về lĩnh vực khoa học, công nghệ, xây dựng, văn hóa, thông tin hoặc lĩnh vực khác (đề tài, đề án, dự án, chương trình) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc nghiệm thu.
- Tiêu chí về đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và có thành tích tiêu biểu, nổi trội, mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Quy trình thực hiện
- Bước 1: Cá nhân tự nhận xét, đánh giá.
- Bước 2: Đánh giá của cấp trên trực tiếp (cấp nào, cá nhân nào trực tiếp lãnh đạo, giao việc thì đồng thời cho ý kiến nhận xét, đánh giá).
- Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ.
Bộ phận tham mưu về công tác đánh giá tổng hợp ý kiến tự nhận xét, đánh giá của cấp trên trực tiếp và tài liệu có liên quan (nếu có), đề xuất nội dung và mức đánh giá cụ thể.
- Bước 4: Nhận xét, đánh giá.
Tổ chức cuộc họp với thành phần tham dự gồm: tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; ban thường vụ đảng ủy, chi ủy hoặc đảng ủy, chi bộ cùng cấp (những nơi không có ban thường vụ, chi ủy) để lấy ý kiến nhận xét, đánh giá.
- Bước 5: Quyết định kết quả đánh giá.
Bộ phận tham mưu về công tác đánh giá tổng hợp hồ sơ và ý kiến nhận xét, đánh giá tại các bước nêu trên đề xuất nội dung cần đánh giá và mức xếp loại chất lượng. Cấp có thẩm quyền quyết định kết quả đánh giá.
- Bước 6: Công khai kết quả (kết quả đánh giá được thông báo công khai đến tất cả CBCCVC).
Tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với việc cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC thuộc phạm vi quản lý để cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Công tác đánh giá phải thực hiện thận trọng, chặt chẽ, không vì chế độ, chính sách cao mà giải quyết theo nguyện vọng cá nhân đối với các trường hợp có năng lực nổi trội, có thành tích xuất sắc trong công tác mà cần động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để yên tâm tiếp tục công tác.