DOANH NGHIỆP DÂN TỘC THAM GIA DỰ ÁN LỚN VÀ NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP TỰ CHỦ

10/03/2025 09:55

(Chinhphu.vn) - Việc "đặt hàng" doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các dự án lớn là một chủ trương quan trọng và đúng đắn của Chính phủ. Những nước thành công về chiến lược công nghiệp hóa đều thực hiện chính sách công nghiệp ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm, các dự án lớn cho các doanh nghiệp trong nước.

DOANH NGHIỆP DÂN TỘC THAM GIA DỰ ÁN LỚN VÀ NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP TỰ CHỦ- Ảnh 1.

Cuối tháng 2/2025, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 52/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Một trong những nội dung quan trọng trong Thông báo này là Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong Quý II/2025, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng các doanh nghiệp để triển khai các dự án lớn (như làm đường ray, sản xuất toa tàu trong xây dựng đường sắt tốc độ cao; đào hầm, làm đường; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển năng lượng tái tạo, khí hydrogen,…).

Theo các chuyên gia, chỉ đạo trên sẽ tạo nên những điểm kích hoạt trong nền kinh tế, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nâng cao trình độ sản xuất, tăng đầu tư vào khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, tự tìm con đường hợp tác thực chất, hai bên cùng có lợi với đối tác nước ngoài.

Nhìn từ trường hợp Hòa Phát

Tháng 4/2024, thông tin Hòa Phát đang nghiên cứu làm đường ray cho đường sắt tốc độ cao đã khiến dư luận cũng như giới chuyên gia rất bất ngờ. Để thiết kế đường ray không phức tạp nhưng tạo ra được loại thép đáp ứng cho tốc độ chạy tàu cao đòi hỏi ngành công nghệ vật liệu ở trình độ cao. Tại thời điểm đó, lãnh đạo của Hòa Phát cũng thừa nhận, để sản xuất ray cho đường sắt tốc độ cao là cực kỳ khó nhưng doanh nghiệp "không ngại khó, không ngại khổ". Và họ đã tự chứng minh bằng hành động.

Hơn nửa năm sau tuyên bố trên, Hòa Phát đã có nhiều động thái hiện thực hóa mục tiêu tham vọng này. Tập đoàn tuyên bố đang bắt đầu đàm phán, hợp tác hỗ trợ, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật với các đối tác, nhà cung cấp thiết bị sản xuất ray thép cho đường sắt từ châu Âu. Dự án nhà máy sản xuất thép chất lượng cao phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao của tập đoàn tại Phú Yên đã bắt đầu tiến hành các thủ tục đầu tư.

DOANH NGHIỆP DÂN TỘC THAM GIA DỰ ÁN LỚN VÀ NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP TỰ CHỦ- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan quy trình cán thép của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất - Ảnh:VGP/Nhật Bắc

Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất thuộc Tập đoàn Hòa Phát vào ngày 9/2/2025 cùng lời động viên tập đoàn này tiếp tục nghiên cứu, sản xuất ray thép cho đường sắt tốc độ cao, tạo nên một dấu mốc mới, không chỉ đối với Hòa Phát. Doanh nghiệp nội địa đã thể hiện được trình độ, năng lực sản xuất, năng lực học hỏi, tiếp thu, nhận chuyển giao công nghệ để đảm đương những hợp phần khó trong các dự án lớn của đất nước.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam đã không hoài nghi mà thể hiện sự ủng hộ với suy nghĩ lớn, tham vọng lớn của doanh nghiệp ngay từ đầu, dù biết rằng, "việc này rất khó và khó nhất là công nghệ".

Tuy vậy, theo vị chuyên gia, quá trình chuyển dịch của công nghệ ngày nay đã khác trước kia. Để làm chủ công nghệ mới, doanh nghiệp không cần phải bắt đầu từ con số 0, từng bước nghiên cứu để đạt tới trình độ mong muốn mà có thể lựa chọn phương thức hợp tác chuyển giao công nghệ.

"Doanh nghiệp trong nước phải tìm cách kế thừa các thành tựu, kết quả nghiên cứu của các quốc gia phát triển trên thế giới. Về mặt nhân lực, nếu có chính sách thu hút và đãi ngộ thích hợp, họ có thể mời chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam làm việc, hỗ trợ đào tạo cho đội ngũ nhân lực trong nước có thể tiếp thu, làm chủ và vận hành các công nghệ mới, để tạo ra các sản phẩm đáp ứng mục tiêu đầu tư", PGS.TS Nguyễn Hồng Thái gợi ý.

Đánh giá rất cao chủ trương giao nhiệm vụ, đặt hàng doanh nghiệp triển khai các dự án lớn của Chính phủ, vị chuyên gia chỉ rõ, nếu làm được điều này, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi nhiều bề.

Thứ nhất, khi đã làm chủ được những công nghệ khó, trình độ sản xuất của doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực tương ứng sẽ được nâng lên, từ đó, tạo ra thêm các cơ hội mới về sản phẩm và thị trường. Chẳng hạn, khi Hòa Phát đã sản xuất được thép làm ray cho dự án đường sắt tốc độ cao của Việt Nam, doanh nghiệp này sẽ có thể sản xuất được các sản phẩm thép chất lượng cao cho các công trình hạ tầng khác, có kinh nghiệm để đấu thầu tham gia các dự án tương tự tại các quốc gia trong khu vực.

Thứ hai, nhiều hợp phần quan trọng của các dự án lớn được doanh nghiệp trong nước đảm nhận sẽ đi cùng với số lượng lớn công ăn việc làm chất lượng cao cho người lao động Việt Nam. Ở đây sẽ đòi hỏi cả sự tự trau dồi của người lao động và nếu đáp ứng được, chất lượng nhân lực của chúng ta sẽ được cải thiện.

Cuối cùng, việc doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào các sản phẩm khó, đòi hỏi công nghệ cao sẽ thúc đẩy môi trường đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong nước.

"Tự chủ về công nghệ là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, với từng dự án cụ thể, chúng ta xác định nên tự chủ ở mức nào, trong những giai đoạn nào để vừa phù hợp với trình độ, năng lực của doanh nghiệp, vừa đạt được hiệu quả tối ưu. Doanh nghiệp cần sự đồng hành của các nhà quản lý, từ quan điểm chỉ đạo, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để có thể bước tới thành công", PGS.TS Nguyễn Hồng Thái kiến nghị.

Bước đi theo thông lệ quốc tế

PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định, việc đặt hàng doanh nghiệp tham gia vào các dự án lớn là một chủ trương quan trọng của Chính phủ trong bối cảnh có những vấn đề hiện cần giải quyết:

Thứ nhất, thúc đẩy nền kinh tế độc lập, tự chủ trong một thế giới đầy biến động, phân mảnh, cạnh tranh địa chính trị, đang có những tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng.

Thứ hai, Việt Nam cần đạt mức tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, chỉ có thể đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững nếu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, mà điều này cần có các doanh nghiệp lớn, hiệu quả, có đủ tiềm lực để đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

"Việc đặt hàng các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án lớn sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước có cơ hội đóng góp vào công cuộc phát triển của đất nước, tích lũy được nguồn lực để tiếp tục phát triển và đầu tư vào khoa học công nghệ và nguồn lực không bị chuyển ra bên ngoài khi không "outsource" (thuê ngoài) các dự án này cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là những dự án lớn, đòi hỏi công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao nên nếu các doanh nghiệp trong nước nỗ lực đáp ứng thì thực sự sẽ tăng cường đáng kể năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước", PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ.

Vị chuyên gia lưu ý, những nước thành thành công về chiến lược công nghiệp hóa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) trước kia và các nước công nghiệp phát triển G7, Trung Quốc hiện nay cũng đang thực hiện chính sách công nghiệp ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm, các dự án lớn cho các doanh nghiệp trong nước (bao gồm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp quốc dân, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa) để tăng cường năng lực cạnh tranh nội địa, cũng như tăng cường nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Những khuyến nghị khác

Nói thêm về chủ trương đặt hàng doanh nghiệp thực hiện các dự án lớn trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng thẳng thắn, không phải chính sách công nghiệp nào (ưu tiên cho các lĩnh vực và các doanh nghiệp được lựa chọn) cũng thành công. Ngành ô tô của Malaysia, ngành hóa dầu và máy bay của Nhật Bản, một số chaebol tại Hàn Quốc... đã không đạt được những kết quả như mong muốn. Vì thế, theo vị chuyên gia, việc đặt hàng cho các doanh nghiệp trong nước cần tính đến các khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, lựa chọn ngành ưu tiên: Chỉ lựa chọn ngành ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước tham gia nếu năng lực cạnh tranh đáp ứng ở mức độ cao nhất định, sau đó có thể huy động thêm sự hỗ trợ của Chính phủ nếu có khoảng cách từ yêu cầu đặt hàng so với thực trạng hiện tại của doanh nghiệp. Điều này tránh việc cố gắng ưu tiên những dự án mà các doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực tham gia sẽ ảnh hưởng tới thành công của các dự án này.

Thứ hai, xây dựng khung pháp lý bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia. Như Hàn Quốc có ban hành chính sách yêu cầu các chaebol phải outsource một số công đoạn sản phẩm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước để tránh hiện tượng các doanh nghiệp lớn ôm đồm tất cả các hoạt động dự án.

Thứ ba, xây dựng hệ thống giám sát có hiệu quả đối với các dự án lớn để có thể cảnh báo sớm, khắc phục sự cố hoặc thúc đẩy tiến độ các dự án thực hiện nhanh, hiệu quả.

Thứ tư, việc đặt hàng của Chính phủ cho các doanh nghiệp trong nước cần được thực hiện trên các nguyên tắc công bằng, minh bạch với các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp một cách khoa học, rõ ràng và có tính giải trình cao, để tránh hiện tượng trục lợi chính sách (rent-seeking) cũng như lựa chọn doanh nghiệp không phù hợp.

Thứ tư, ràng buộc ngân sách cứng (hard budget constraint) để buộc các doanh nghiệp thực hiện dự án phải hoạt động hiệu quả, phát huy sức mạnh nội lực, không ỷ lại vào đòn bẩy tài chính (dựa vào nguồn vốn vay ưu đãi). Các chaebol của Hàn Quốc bị phá sản giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á một phần cũng do đòn bẩy tài chính quá lớn như trường hợp Daewoo.

Hoàng Hạnh

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Theo quy định của Bộ GDĐT, thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 từ 21/4 đến 17 giờ ngày 28/4. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức vào các ngày 25, 26, 27, 28/6.

Dự kiến bố trí biên chế cấp xã; định hướng biên chế đơn vị sự nghiệp sau sắp xếp đơn vị hành chính

Dự kiến bố trí biên chế cấp xã; định hướng biên chế đơn vị sự nghiệp sau sắp xếp đơn vị hành chính

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để biên chế cấp xã khi sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới.

Tra cứu TUỔI NGHỈ HƯU và THỜI ĐIỂM NGHỈ HƯU

Tra cứu TUỔI NGHỈ HƯU và THỜI ĐIỂM NGHỈ HƯU

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Năm 2025, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 61 tuổi 3 tháng, lao động nữ sẽ là 56 tuổi 8 tháng; năm 2026, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 61 tuổi 6 tháng, lao động nữ sẽ là 57 tuổi;...

TOÀN VĂN: Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

TOÀN VĂN: Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về DẠY THÊM, HỌC THÊM

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về DẠY THÊM, HỌC THÊM

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế hàng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử từ 1 triệu đồng trở xuống.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi