Vừa qua, Ban Chỉ đạo của tỉnh Nam Định đã tổ chức hội nghị nghe báo cáo kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15, ngày 23/7/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hội nghị đã nghe lãnh đạo Sở Nội vụ báo cáo Kế hoạch số 114/KH-UBND, ngày 8/8/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định.
Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nam Định triển khai Hướng dẫn số 05-HD/BTCTU, ngày 5/8/2024 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy một số nội dung về sắp xếp tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở những địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị, địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến nêu bật những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn.
Các ý kiến nêu ra đều được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ giải đáp thỏa đáng.
Nam Định: Tỉnh đi đầu toàn quốc, có số lượng đơn vị hành chính sắp xếp, sáp nhập lớn
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Gia Túc và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị ghi nhận, biểu dương các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và đạt được kết quả bước đầu.
Đồng thời nhấn mạnh, Nam Định là tỉnh đi đầu toàn quốc, có số lượng đơn vị hành chính sắp xếp, sáp nhập lớn, do đó phải quyết tâm rất cao, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người nhân dân; trong quá trình thực hiện phải làm đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Từ nay đến ngày 1/9/2024, thời gian không còn nhiều, đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Tổ chức bộ máy phải chính thức được thành lập, đi vào hoạt động từ ngày 1/9/2024
Tổ chức bộ máy của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể phải chính thức được thành lập, đi vào hoạt động từ ngày 1/9/2024.
Về đội ngũ, nếu cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thì Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tham mưu để tỉnh quyết định.
Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành uỷ quản lý thì cấp huyện quyết định; sắp xếp cán bộ từng bước, đúng lộ trình để sau 5 năm bộ máy được tinh gọn.
Cần làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ dôi dư, trên tinh thần động viên, khích lệ vì sự nghiệp chung, đồng thời áp dụng để cán bộ được hưởng chế độ, chính sách tốt nhất.
Về tài chính, tài sản, ngân sách bảo đảm không được để lãng phí; giao Sở Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể trước ngày 15/8 để các địa phương thực hiện.
Về bảo quản, lưu trữ hồ sơ, các đơn vị sáp nhập phải bàn giao chặt chẽ giữa người giao, người nhận, đúng quy định; nếu thất thoát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Quyết tâm đưa bộ máy mới sau sáp nhập đi vào hoạt động từ ngày 1/9/2024
Trong quá trình sáp nhập chú ý bảo đảm tốt an ninh trật tự, không để phát sinh các tình huống phức tạp.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định đề nghị các cơ quan Công an, Quân đội sớm có hướng dẫn về tổ chức bộ máy và các điều kiện liên quan đối với hệ thống cấp cơ sở; đề nghị Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh bám sát điều lệ hướng dẫn cơ sở sáp nhập theo quy định.
Cấp tỉnh, cấp huyện cần cử cán bộ lãnh đạo có chuyên môn sâu kịp thời theo dõi, giải đáp thắc mắc phát sinh trong quá trình triển khai sắp xếp, sáp nhập.
Các cấp, các ngành chỉ bàn làm, không bàn lùi; chung sức, đồng lòng, quyết liệt thực hiện thắng lợi chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; quyết tâm đưa bộ máy mới sau sáp nhập đi vào hoạt động từ ngày 1/9/2024.