CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Cơ hội cho truyền thông chính sách đang mở ra gần như vô tận

14:10 - 28/11/2022

(Chinhphu.vn) - Với công nghệ 4.0, cơ hội cho truyền thông chính sách đang mở ra gần như vô tận. Cơ hội rất lớn, nhưng thách thức đối với truyền thông chính sách cũng không hề nhỏ. Do đó, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này.

Cần xây dựng một đội ngũ truyền thông chính sách chuyên nghiệp - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Với công nghệ 4.0, cơ hội cho truyền thông chính sách đang mở ra gần như vô tận.

Vừa qua, để cảnh báo người dân về đại dịch COVID-19, Bộ Y tế đã gửi tin nhắn một lúc tới hàng chục triệu thuê bao. Việc này có thể được thực hiện một cách hết sức đơn giản: soạn tin nhắn và nhấn con chuột gửi đến tất cả các thuê bao. Gửi và nhận tin nhắn chỉ là một ứng dụng đơn giản nhất của điện thoại di động và hệ thống truyền hiện đại.

Cơ hội cho truyền thông chính sách

Với công nghệ 4.0, cơ hội cho truyền thông chính sách đang mở ra gần như vô tận.

Trước hết, Chính phủ có thể gửi thông điệp của mình đến hàng chục triệu người một cách hết sức nhanh chóng và hiệu quả. Việc gửi tin nhắn để cảnh báo về đại dịch COVID-19 đến từng người dân của Bộ Y tế là một ví dụ cụ thể. Sử dụng dịch vụ tin nhắn để cảnh báo người dân rất hiệu quả còn có Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương…

Thứ hai, Chính phủ có thể gửi thông tin đến người dân một cách tức thì theo thời gian thật. Với công nghệ số, thông điệp của Chính phủ và các bộ ngành có thể được nhân bản và gửi tới hàng triệu người trong nháy mắt. Điều này giúp cho tính kịp thời của truyền thông chính sách được bảo đảm.

Thứ ba, Chính phủ có thể bảo đảm sự luôn luôn có sẵn của thông tin. Thông tin cung cấp qua các chương trình phát thanh và truyền hình truyền thống có thể bị "trôi qua" mà người dân không kịp nắm bắt. Tuy nhiên, các chương trình phát thành và truyền hình được số hóa và đưa lên mạng Internet thì luôn luôn có sẵn.

Người dân có thể truy cập và xem vào bất cứ lúc nào. Cổng thông tin của Chính phủ và các bộ ngành, các chính quyền địa phương là công cụ hết sức hữu ích ở đây. Tất cả các thông tin liên quan đến chính sách pháp luật, các quyến nghị, các số liệu thông kê đều có ở đó. Và người dân có thể tiếp cận 24/24 giờ trong ngày.

Thứ tư, Chính phủ có thể tương tác với hàng triệu người dân. Các cổng thông tin với những ứng dụng số giúp cho người dân có thể không chỉ tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản pháp luật, mà còn phản ánh tình hình, đề xuất ý kiến, nguyện vọng.

Thứ năm, Chính phủ có thể đánh giá một cách khách quan và chính xác hiệu quả quả hoạt động truyền thông chính sách. Nhờ công nghệ số, Chính phủ luôn luôn có được thông tin chính xác về số lượng người theo dõi, thậm chí thiên hướng của công chúng.

Nhân đây, nhờ mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo, một số ông trùm truyền thông có thể kinh doanh thông tin về thói quen, định hướng của công chúng. Hình thành nên khái niệm gọi là tư bản giám sát (Surveillance capitalism).

Cả 5 cơ hội trên đều được thể hiện rất rõ qua hoạt động gần đây của Công thông tin điện tử Chính phủ. Qua 5 tháng vận hành thử nghiệm, tính đến ngày 20/11, Chuyên trang "Xây dựng chính sách, pháp luật" của Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã đăng gần 2160 tác phẩm tuyên truyền về một loạt chính sách lớn, các chỉ đạo, điều hành quan trọng của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ; thu hút trên 5 triệu lượt truy cập.

Bên cạnh việc, truyền thông chính sách, pháp luật trên nền tảng web, chuyên trang còn tổ chức truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội. Qua 5 tháng xây dựng, "Group Xây dựng Chính sách" trên Facebook THÔNG TIN CHÍNH PHỦ đã đạt được hơn 44.000 thành viên; nội dung thông tin đăng trên "Group Xây dựng Chính sách" (dự thảo VBQPPL, các chính sách mới, thăm dò ý kiến nhân dân…) bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của công chúng trên mạng xã hội. Đáng chú ý, thông tin thăm dò ý kiến nhân dân trên Facebook luôn đạt số lượng bình chọn lớn (trung bình 50.000 lượt bình chọn).

Cá biệt, có những nội dung thăm dò ý kiến Nhân dân đạt hơn 571.200 lượt bình chọn, bày tỏ ý kiến (lấy ý kiến Nhân dân về 2 mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tôn giáo); hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 122.4000 lượt bình chọn… Có sự khác biệt lớn khi trước kia, góp ý xây dựng chính sách thường chỉ có 1 đến 10 ý kiến thì nay có những dự thảo đạt hơn 50.000 ý kiến góp ý.

Thách thức đối với truyền thông chính sách

Cơ hội rất lớn, nhưng thách thức đối với truyền thông chính sách cũng không hề nhỏ.

Đầu tiên, đó là tình trạng bội thực thông tin của công chúng. Với công nghệ số và các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là các mạng xã hội, YouTube, Tiktok… công chúng quả thật đang bị bội thực về thông tin và các sản phẩm truyền thông.

Do bị bội thực nên công chúng rất khó phân định được một cách chính xác thông tin nào là thông tin hữu ích và cần thiết. Ngoài ra, do bị bội thực về thông tin, công chúng rất ngại tiếp nhận thêm các sản phẩm truyền thông chính sách.

Thứ hai, môi trường cạnh tranh về truyền thông ngày càng quyết liệt. Với mạng xã hội, khả năng tiếp cận công chúng đang trở thành một thứ tài sản quý giá. Càng có nhiều người tham gia, nhiều người theo dõi và nhiều người like, thì càng dễ bán quảng cáo, dễ kiếm tiền. Các doanh nghiệp truyền thông vì vậy luôn cố gắng tung ra những sản phẩm hấp dẫn, dễ xem, dễ đọc. Truyền thông chính sách hoàn toàn có thể hụt hơi trong cuộc cạnh tranh này.

Thứ ba, sự thay đổi của công chúng trong thói quen tiêu dùng sản phẩm truyền thông. Các sản phẩm truyền thông hiện đại phải ngắn gọn, dài sẽ không ai đọc. Ngoài ra, người dùng còn thích lựa chọn các sản phẩm truyền thông qua hình ảnh, qua video clip hơn. Truyền thông chính sách không đổi mới và sáng tạo sẽ khó được công chúng quan tâm.

Thứ tư là tin giả. Mạng xã hội với khả năng ẩn danh tạo môi trường thuận lợi cho hành vi tung tin giả. Ngoài công nghệ photoshop, công nghệ cắt nghép hình ảnh… cũng đang giúp cho việc làm tin giả trở nên dễ dàng hơn. Tin giả, quả thực, đang là một vấn đề rất nghiêm trọng trên các mạng xã hội. Tin giả hoàn toàn có thể vô hiệu hóa nhiều cố gắng của truyền thông chính sách.

Khuyến nghị

Một là, tận dụng tốt nhất cơ hội của công nghệ số để đổi mới và nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách.

Hai là, cần tập trung cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông chính sách. Các sản phẩm truyền thông chính sách sách phải hấp dẫn và ngắn ngọn. Coi trọng các sản phẩm truyền thông chính sách bằng hình ảnh và video clip.

Ba là, truyền thông chính sách phải nhất quán. Mỗi cơ quan nói một cách sẽ phá hỏng truyền thông chính sách. Lấy lại niềm tin của công chúng là rất khó khăn và tốn kém.

Bốn là, kỷ luật truyền thông chính sách phải được bảo đảm. Chỉ có người có thẩm quyền mới được đưa ra thông điệp liên quan đến truyền thông chính sách.

Năm là, cần coi truyền thông chính sách là một phần của quy trình chính sách, cũng như một phần của thực thi chính sách. Mà như vậy thì phải đầu tư phù hợp cho công việc này.

Cuối cùng, cần xây dựng một đội ngũ truyền thông chính sách chuyên nghiệp.

TS.Nguyễn Sỹ Dũng

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

(Bài viết đăng trên Baoquocte.vn)