Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật sư Thành phố Đà Nẵng khi chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ về việc xây dựng và tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Là người hoạt động trong lĩnh vực chuyên về pháp luật, luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết trong thời đại internet thì việc tiếp cận các thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật là điều không còn khó khăn.
Tuy nhiên, tiếp cận nguồn thông tin nào là chính thống, chính xác và dễ hiểu thì không hề đơn giản bởi có quá nhiều thông tin đưa ra cho một vấn đề làm cho người dân, doanh nghiệp muốn tìm hiểu về vấn đề cụ thể đó dễ bị "bội thực"...
Ở một số kênh, khi người dân, doanh nghiệp muốn tiếp cận với các chính sách, văn bản pháp luật mới thì phải trả phí, gây trở ngại… Vì vậy, cần có một kênh thông tin về chính sách và pháp luật chính thống, miễn phí nhưng vẫn kịp thời cập nhập các văn bản chích sách, pháp luật mới để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là việc phân tích các vấn đề một cách dễ hiểu để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận, hiểu và thực hiện.
"Tôi cho rằng việc Cổng TTĐT Chính phủ lần đầu tiên ra một chuyên trang riêng về chính sách và pháp luật (https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/) là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân và doanh nghiệp. Đây là chuyên trang đầu tiên của cả nước tuyên truyền toàn bộ "vòng đời" của một chính sách, từ quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến xây dựng dự thảo chính sách, pháp luật. Tiếp đến là tổ chức thực thi, đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, tiếp nhận phản hồi từ cuộc sống…
Điều này cũng sẽ hạn chế việc cùng một chính sách, một văn bản pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến mỗi địa phương thực hiện một kiểu, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp", luật sư chia sẻ.
Chị Cai Thái Hoàng Uyên, hiện công tác tại Công ty cổ phần Phần mềm ứng dụng di động Việt Nam (Vinmas) - đơn vị chuyển đổi số ngành bảo tàng cho hay là người phụ trách các lĩnh vực liên quan đến văn bản, chứng từ của đơn vị nên chị rất quan tâm đến việc tiếp cận các thông tin về xây dựng và tổ chức thực thi các chính sách của nhà nước đặc biệt là các các thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
"Tôi thường xuyên cập nhật các chính sách về hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trên lĩnh vực công nghệ thông tin để nghiên cứu, đưa ra những chiến lược hỗ trợ lãnh đạo đơn vị trong việc phát triển công ty. Vì vậy việc tiếp cận các nguồn thông tin liên quan đến chính sách từ những văn bản, giải đáp về chính sách và pháp luật là rất cần thiết", chị Uyên nói.
Là độc giả thường xuyên của Báo điện tử Chính phủ, trang facebook Thông tin Chính phủ, chị Uyên rất mong chờ Cổng TTĐT Chính phủ lần đầu tiên ra một chuyên trang riêng về chính sách và pháp luật với độ tin cậy cao để tuyên truyền toàn bộ vòng đời của một chính sách, từ quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến xây dựng dự thảo chính sách, tiếp đến là tổ chức thực thi chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống.
Chị Uyên cũng đề nghị ngoài cập nhật chính sách, chuyên trang của Cổng TTĐT Chính phủ cũng sẽ tiếp nhận những phản hồi, giải đáp thắc mắc giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn để thực thi chính sách phục vụ cho lợi ích thiết thực. Đây thực sự là một điều rất đáng mong đợi của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Tuyên (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) cho rằng vấn đề quyền lợi của người dân, của tổ chức và doanh nghiệp ngày càng được quan tâm trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật của Việt Nam.
Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy dân chủ trong lấy ý kiến về các chủ trương, dự thảo chính sách; đăng tải công khai địa chỉ tiếp nhận ý kiến trên Cổng TTĐT của các cơ quan để các đối tượng liên quan dễ dàng tiếp cập và đóng góp ý kiến. Họ cũng đưa ra các báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động của chính sách đó. Ngoài ra, nhiều cơ quan cũng lấy ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản đến các đối tượng liên quan, chịu ảnh hưởng đến chính sách, pháp luật.
"Một số địa phương khi triển khai xây dựng một đề án, một chính sách áp dụng ở địa phương đó thì họ đưa ra lấy ý kiến của người dân. Khi người dân đồng tỉnh, ủng hộ thì đề án, chính sách đó thường mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm quyền thụ hưởng của các bên liên quan. Ngược lại, cũng có nhiều chính sách trong quá trình soạn thảo không lấy ý kiến của người dân hoặc lấy ý kiến theo chiếu lệ thì chính sách này khó đi vào cuộc sống", ông Tuyên dẫn chứng.
Hoan nghênh Cổng TTĐT Chính phủ mở chuyên trang xây dựng chính sách, phát luật để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin liên quan đến quyền lợi của mình, độc giả Nguyễn Văn Tuyên cho rằng chuyên trang thông tin này cần thiết kế, bố trí thông tin dễ đọc, dễ truy cập. Nội dung nên ưu tiên chuyển tải các chủ trương, chính sách có tác động lớn đến đời sống của nhân dân và doanh nghiệp.
Ông Tuyên đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ quan tâm phổ biến rộng rãi thông tin, từ khâu hoạch định đến thực thi chính sách, pháp luật, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các đối tượng thụ hưởng liên quan, kể cả với cán bộ, công viên chức Nhà nước.
Ông Tuyên cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan soạn thảo chính sách phối hợp với Cổng TTĐT Chính phủ đăng tải để lấy ý kiến hoặc gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, tổ chức hội thảo, tọa đàm hay đối thoại về chính sách với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, pháp luật đó./.
Nhóm phóng viên