Tốt nhất có một thang, bảng lương riêng đối với nhà giáo
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh bày tỏ đồng tình rất cao với dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này, bởi Luật Nhà giáo được thông qua, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của ngành giáo dục nước nhà có một luật riêng, đủ tư cách pháp lý để điều chỉnh các hoạt động của nhà giáo.
Theo đại biểu, nhà giáo là yếu tố then chốt trong đạo thầy trò, tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, vì bản chất của giáo dục luôn luôn vận động, biến đổi, phát triển không ngừng.
Đại biểu khẳng định quyền, nghĩa vụ và việc bảo vệ nhà giáo là điểm mới, rất quan trọng. Bởi thực tế hiện nay nhiều lúc, nhiều nơi có một số phụ huynh và người dân có những hành vi, thái độ rất không phù hợp với truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục tập của dân tộc.
Trong dự thảo luật quy định về chuẩn nhà giáo rất hợp lý, là cách quản lý hiện đại có chiều sâu.
Trao đổi về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu cho rằng lương của nhà giáo phải được tính toán, sắp xếp để dù ở khối trường công hay trường tư, ở thành thị, nông thôn hay miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng phải có mức lương tương xứng, đủ sống mới phát huy được chuyên môn, tâm huyết, sở trưởng của mình.
Cho rằng, dự thảo luật đưa ra những quy định rất hợp lý nhưng vẫn còn chung chung, do đó đại biểu đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề tiền lương của nhà giáo, đảm bảo cao nhất trong khối các cơ quan hành chính sự nghiệp.
Đồng thời Luật cũng cần có định hướng về nguyên tắc để Chính phủ xây dựng chính sách tiền lương.
"Tốt nhất có một thang, bảng lương riêng đối với nhà giáo để cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và của Quốc hội" đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nêu quan điểm.
Cần xây dựng bảng lương riêng phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo
Thảo luận về chế độ tiền lương nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề xuất xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đội ngũ nhà giáo.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, trong khi đó, chúng ta đang áp bảng lương đội ngũ viên chức cho đội ngũ nhà giáo. Do đó, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng thì vẫn là không phù hợp.
Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo.
Bên cạnh đó, Luật Nhà giáo cũng cần quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như đối với sĩ quan trong quân đội.
"Chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng hao phí lao động, để nhà giáo yên tâm công tác", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cần đặc biệt quan tâm đến đời sống, thu nhập của giáo viên mầm non, giáo viên trẻ
Về tiền lương và chế độ đãi ngộ, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên trẻ.
Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh về bổ nhiệm, miễn nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý ở các cơ sở giáo dục.
Quy định chính sách ưu tiên về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo là cần thiết
Thảo luận về chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo (Điều 27), đại biểu Lê Thị Ngọc Linh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, thực tế hiện nay, các chế độ chính sách đối với nhà giáo như lương và các phụ cấp… đối với nhà giáo còn thấp, dẫn đến tình trạng nhà giáo không an tâm công tác, một bộ phận không nhỏ nhà giáo bỏ việc nhất là nhà giáo trẻ.
Theo đại biểu đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, nhiều địa phương thiếu nguồn giáo viên.
Chính vì vậy, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh cho rằng, dự án Luật Nhà giáo quy định về chính sách ưu tiên về chế độ tiền lương và phụ cấp cho các đối tượng nhà giáo là cần thiết.
Đồng thời, việc quy định chính sách ưu tiên về chế độ tiền lương và phụ cấp cho các đối tượng nhà giáo nhằm khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực và những người giỏi sẽ tham gia vào ngành sư phạm nhiều hơn giúp ngành giáo dục ngày càng đảm bảo số lượng và chất lượng.
Cần có những chính sách đột phá hơn nữa, ưu tiên hơn nữa đối với giáo viên ở khu vực khó khăn
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bày tỏ: Về tổng thể, tôi cơ bản tán thành với các nội dung, chính sách cho nhà giáo mà dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã đề cập.
Theo đại biểu, dự thảo Luật Nhà giáo lần này đã dành những ưu tiên, ưu đãi nhất định cho nhà giáo. Các chính sách này đều cần thiết và cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đây sẽ là động lực, điều kiện để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đại biểu cũng cho rằng, nhà nước cần phải có những chế độ, chính sách, đãi ngộ tương xứng để thu hút được người có tài, có tâm tham gia vào sự nghiệp trồng người.
Đại biểu khẳng định ủng hộ đối với những chính sách ưu đãi trong thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo.
Tuy nhiên, nếu xét riêng từng vùng miền, đại biểu cho rằng, người thầy ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn quá cực khổ.
Họ hy sinh quá nhiều cho sự nghiệp giáo dục. Tình yêu nghề, yêu trò không cho phép họ bỏ trường, bỏ lớp, về vùng có điều kiện thuận lợi dù họ có thể đi bất cứ lúc nào.
Do vậy, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo cần có những chính sách đột phá hơn nữa, ưu tiên hơn nữa đối với giáo viên ở khu vực này.