Hà Nội: Học sinh nghỉ học ngày Thứ Bẩy (7/9)
Sáng 6/9, trước nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của siêu bão Yagi (bão số 3), Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội họp chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn về người và tài sản trên địa bàn thành phố.
Báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương... cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng trực, bố trí con người và phương tiện để ứng phó các tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của bão số 3, như: Sẵn sàng hàng nghìn người và hàng trăm phương tiện làm nhiệm vụ tiêu thoát nước, chống úng ngập; bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu, không để tăng giá; duy trì hệ thống điện an toàn; các hồ trên địa bàn cũng đã hạ xuống mức thấp cần thiết...
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường không tổ chức học, kể cả học thêm vào thứ bảy (7/9).
Công an thành phố đã bố trí lực lượng trực bảo vệ trật tự an ninh trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các địa điểm trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo các lực lượng và phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở vào cuộc tham gia phòng, chống bão số 3 trên tinh thần không chủ quan, thực hiện bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống bão một cách chủ động, đồng bộ, toàn diện với phương châm “4 tại chỗ”; trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...
Các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm các kế hoạch, phương án theo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường phối hợp, tập trung hỗ trợ các địa phương, các địa bàn chịu ảnh hưởng lớn của bão và hỗ trợ nhân dân; duy trì hoạt động liên tục của các cơ sở, hạ tầng thiết yếu, nhất là thông tin liên lạc, cơ sở y tế...
Đồng chí Trần Sỹ Thanh lưu ý các cấp, các ngành, các báo, đài, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để chủ động phối hợp phòng, chống lụt bão; bảo đảm không xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan, nhưng đồng thời không hoang mang, sợ hãi.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy theo phân công phụ trách địa bàn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão bảo đảm hiệu quả cao nhất; phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
CHỦ TỊCH HÀ NỘI CHỈ ĐẠO KHẨN CÁP ỨNG PHÓ BÃO SỐ 3
Chiều nay 6/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung khẩn cấp ứng phó với bão số 3.
Công điện nêu: Thực hiện Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024; Điện chỉ đạo ngày 5/9/2024 của Thường trực Thành ủy về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu:
1. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố căn cứ lĩnh vực công tác (theo Quyết định số 36/QĐ-BCH ngày 18/5/2023 của Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố về việc phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội), nội dung công việc, đơn vị và địa bàn phụ trách (theo Quyết định số 1739/QĐ-UBND ngày 27/3/2023 của Chủ tịch UBND thành phố về việc phân công công tác của Chủ tịch UBND thành phố, các Phó Chủ tịch UBND thành phố và các Ủy viên UBND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026), chủ động xuống các đơn vị, địa bàn trọng điểm, các khu vực xung yếu để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai.
2. Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công, phụ trách (theo phân công công tác trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và các lĩnh vực quản lý nhà nước) tập trung thực hiện một số nội dung sau:
2.1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để kịp thời tham mưu, chỉ đạo điều hành và thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, Nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.
2.2. Đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được giao phụ trách, chủ động xuống hiện trường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai trong đó tập trung:
Rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, khu vực có nguy cơ ngập sâu do mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ mất an toàn do hệ thống điện, công trình, cây xanh gãy, đổ…
Kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
Đặc biệt lưu tâm đến các trường hợp, khu vực đã xảy sự cố, thiệt hại đáng tiếc về người trước đây liên quan đến tai nạn khi đi qua khu vực bị ngập, đánh bắt cá, vớt củi...; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đặc biệt lưu ý đối với các huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức…
Đối với các công trường xây dựng: Tiến hành kiểm tra, rà soát các công trường xây dựng trên địa bàn, đặc biệt lưu ý đến các công trình có thiết bị, vật tư dễ bị ảnh hưởng bởi gió bão như cần cẩu tháp, giàn giáo, và các thiết bị xây dựng có độ cao.
Yêu cầu các công trường phải có phương án (biện pháp) đảm bảo an toàn phòng, chống bão, người lao động phải được trang bị đầy đủ kiến thức và thiết bị bảo hộ.
Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công bố trí lực lượng ứng trực tại công trường, đảm bảo có người giám sát, theo dõi diễn biến thời tiết và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Các cần cẩu tháp phải được hạ thấp, gia cố, bảo đảm an toàn, không để xảy ra tình trạng đổ sập gây nguy hiểm cho người và tài sản xung quanh.
Đối với biển quảng cáo: Tiến hành rà soát, kiểm tra, yêu cầu các tổ chức, cá nhân quản lý biển quảng cáo, đặc biệt là biển quảng cáo tấm lớn, phải đảm bảo an toàn, được gia cố chắc chắn, có biện pháp phòng chống gió mạnh, bão không bị đổ sập, gây nguy hiểm cho người dân.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các chủ sở hữu biển quảng cáo thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn trong điều kiện thời tiết bất lợi, kiên quyết hạ gỡ hoặc buộc chặt các biển quảng cáo có nguy cơ mất an toàn.
d) Chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.
đ) Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ.
e) Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.
g) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.
2.3. Căn cứ chức năng quản lý nhà nước được giao, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Thành phố trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 3, đặc biệt là Điện chỉ đạo ngày 5-9-2024 của Thường trực Thành ủy; các chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tại Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 2-2-2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội và Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 4-9-2024 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3.
2.4. Theo nhiệm vụ, địa bàn phụ trách, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến thiên tai, sự cố, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục về UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố theo quy định.
3. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai, sự cố theo quy định.
Rà soát, triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô; tăng cường triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở, công trình trọng điểm, các khu dân cư có nguy cơ mất an toàn do thiên tai, sự cố; hướng dẫn, phân luồng, điều tiết giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt khi xảy ra thiên tai, sự cố.
4. Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo:
- Tăng cường công tác ứng trực, đảm bảo đủ quân số, sẵn sàng triển khai kịp thời công tác phòng, chống úng ngập nội thành, phối hợp vận hành, xử lý tiêu thoát nước chống úng ngập ngoại thành; phòng, chống, khắc phục cây đổ trên các tuyến đường đô thị; đảm bảo an toàn điện chiếu sáng công cộng, cung cấp nước sạch.
Rà soát, kiểm tra, triển khai phương án đảm bảo an toàn khu nhà tập thể, nhà chung cư cũ, xuống cấp, các khu nhà không đảm bảo an toàn, các công trình đang xây dựng, các tầng hầm chung cư dễ bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, thiên tai, ngập lụt.
- Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các đơn vị duy trì thoát nước đô thị tập trung kiểm tra, rà soát hệ thống công trình tiêu khu vực nội thành, giải tỏa ngay các vật cản làm ách tắc, cản trở dòng chảy, đảm bảo thông thoáng; triển khai các biện pháp tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành; tập trung xử lý kịp thời tiêu thoát nước tại các điểm úng ngập cục bộ; phối hợp chặt chẽ với các Công ty Thủy lợi trong việc vận hành hiệu quả, đảm bảo tiêu thoát nước, chống úng úng khu vực nội thành và ngoài thành.
- Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và các đơn vị duy trì cây xanh rà soát, kiểm tra, cắt tỉa ngay cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gẫy mất an toàn không để xảy ra trường hợp cây gãy đổ gây tai nạn cho người, phương tiện, tài sản của Nhân dân và Nhà nước; kịp thời giải tỏa cây đổ không để ùn tắc giao thông.
- Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị và các đơn vị duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo chiếu sáng công cộng, không để sự cố dẫn đến mất tín hiệu đèn giao thông và các sự cố mất an toàn về điện.
- Các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố sẵn sàng triển khai phương án, chuẩn bị phương tiện đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho Nhân dân vùng bị ngập lụt, thiên tai.
5. Giám đốc Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với Công an thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, sẵn sàng triển khai phương án phân luồng, bố trí lực lượng hướng dẫn và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, cầu trên các tuyến giao thông; chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị hỗ trợ giải tỏa ách tắc giao thông tại các điểm úng ngập cục bộ; kịp thời xử lý sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông.
6. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo:
- Kiểm tra, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ, thiên tai liên quan đến môi trường, tài nguyên nước.
- Phối hợp với Sở Y tế kiểm soát chặt chẽ nguồn nước sinh hoạt để đảm bảo không bị ô nhiễm do tác động của bão và mưa lũ, đặc biệt là trong các khu vực bị ngập lụt.
- Kiểm tra các bãi rác, khu xử lý chất thải, đảm bảo các khu vực này có biện pháp gia cố, tránh bị bão gây ra tình trạng tràn, phát tán rác thải, chất thải nguy hại ra môi trường; tổ chức thực hiện xử lý môi trường, nguồn nước tại các địa bàn chịu ảnh hưởng mưa, bão, lũ, ngập lụt.
7. Giám đốc Sở Công Thương chỉ đạo kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng hóa, vật tư thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống bão, lũ, mưa, úng ngập, sự cố thiên tai, đảm bảo đời sống Nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định thị trường. Rà soát, kiểm tra, triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
8. Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo: Chuẩn bị vật tư y tế, đầy đủ thuốc men, vật tư y tế, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp do thiên tai; đảm bảo vệ sinh môi trường, tổ chức các đội vệ sinh môi trường để ngăn ngừa dịch bệnh sau bão, đặc biệt là tại các khu vực ngập úng, ảnh hưởng mưa, bão, lũ, thiên tai.
9. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo kiểm tra, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, cơ sở vật chất trường, lớp trên địa bàn Thành phố trong những ngày đầu năm học mới khi xảy ra thiên tai; căn cứ diễn biến mưa, bão, lũ trên địa bàn, chủ động chỉ đạo cho học sinh các cấp nghỉ học để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
10. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo rà soát, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai; chủ động phối hợp, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn và tình hình thời tiết, thiên tai, thường xuyên thông tin, cảnh báo trên các nền tảng mạng xã hội đảm bảo kịp thời, chính xác đến từng người dân.
11. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội chỉ đạo rà soát, đảm bảo an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố, ưu tiên cấp đủ điện ổn định cho các trạm bơm hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng ngập, cảnh báo Nhân dân phòng, chống điện giật.
12. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh giáp ranh để vận hành, điều tiết hệ thống công trình tiêu thoát nước phòng, chống úng ngập hiệu quả trên địa bàn Thành phố.
- Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án xử lý sự cố, đảm bảo an toàn đê điều, hồ, đập, các công trình thủy lợi.
- Các Công ty Thủy lợi phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống úng ngập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản; chủ động tiêu nước đệm, vận hành các công trình tiêu trên địa bàn đảm bảo phù hợp với từng vùng tiêu.
- Tổng hợp thông tin, nội dung, tài liệu, tham mưu Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ, thiên tai trên địa bàn Thành phố gửi Thường trực Thành ủy trước 16 giờ hàng ngày.
- Tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tình hình, tổng hợp toàn diện tình hình ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ, thiên tai trên địa bàn Thành phố; chủ động chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Công điện này và công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo những vấn đề đột xuất, phát sinh, vượt thẩm quyền.
Học sinh, sinh viên toàn tỉnh Nam Định nghỉ học từ ngày 6/9 đến khi bão tan
Sáng 6/9, Sở GDĐT Nam Định ban hành Công văn số 1644/SGDĐT-VP gửi các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh; Phòng GDĐT các huyện, thành phố Nam Định; các đơn vị trực thuộc Sở; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3 năm 2024.
Theo đó, Giám đốc Sở GDĐT chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm Công điện số 25/CĐ-UBND hồi 7 giờ 30 phút ngày 6/9 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc khẩn trương tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3; thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp UBND tỉnh sáng ngày 6/9; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản: Công điện số 86, 87/CĐ-TTg ngày 3 và 5/9 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 23/CĐ-UBND, 24/CĐ-UBND, 25/CĐ-UBND ngày 3, 5 và 6/9 của Chủ tịch UBND tỉnh; các công điện, công văn của Sở GD và ĐT về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3.
Thủ trưởng các đơn vị cho học sinh các cấp học, sinh viên nghỉ học từ ngày 6/9 đến khi bão tan. Đối với học sinh, sinh viên đã đến trường sáng nay, các nhà trường hướng dẫn học sinh, sinh viên thu dọn, chống bão và nghỉ học. Phối hợp với gia đình để quản lý học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ học.
Thực hiện thường trực chống bão lụt 24/24 giờ trong ngày. Có kế hoạch phối hợp, ứng cứu đề phòng diễn biến phức tạp.
Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão số 3 trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định và các đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thành phố trong tỉnh.
Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo về công tác phòng, chống bão. Báo cáo nhanh về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương và Sở GDĐT, đồng thời báo cáo các tình huống phát sinh, những sự cố bất thường xảy ra để kịp thời chỉ đạo, xử lý.
Thái Bình cho học sinh nghỉ học ngày 6 - 7/9
Để chủ động ứng phó với bão số 3, ngày 6/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình đã có văn bản cho học sinh nghỉ học ngày thứ Sáu và thứ Bảy (ngày 6 - 7/9).
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình đề nghị, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông, Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, thành phố theo dõi diễn biến của bão, cho học sinh nghỉ học ngày thứ Sáu và thứ Bảy (ngày 6 - 7/9).
Các cơ sở giáo dục tổ chức ứng trực 24/24 giờ, giữ liên hệ thường xuyên với các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Đồng thời khẩn trương khắc phục các thiệt hại, dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp ngay sau mưa bão, đảm bảo an toàn, phòng tránh dịch bệnh trong trường học.
Giao các Ủy viên Thành ủy bám sát cơ sở, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống bão số 3 tại các địa phương
Chiều 5/9, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy nghe báo cáo về công tác phòng, chống bão số 3.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo, hiện các ngành, địa phương đã phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản để thông báo, hướng dẫn cho ngư dân và các chủ phương tiện trên địa bàn, đặc biệt các phương tiện đánh bắt xa bờ nắm chắc diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh; duy trì nghiêm chế độ trực, tổ chức rà soát, kiểm tra phương án, kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra; tăng cường công tác thường trực; tiến hành rà soát, kiểm tra các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiểm tra, chuẩn bị xe, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu….
Qua nghe báo cáo và ý kiến của các đại biểu, đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố và các đơn vị, địa phương, các lực lượng đã chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cơn Bão số 3 sát với tình hình thực tế.
Đặc biệt quan tâm các khu vực trọng yếu, đê điều, cảng biển, khu neo đậu tránh trú bão, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống truyền tải điện, các khu, cụm công nghiệp, công trình đang thi công, nhà cao tầng, khu vực sản xuất, nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp, các trường học... bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của Nhân dân và khách du lịch.
Đồng chí Bí thư Thành ủy đồng tình với các công việc dự kiến tiếp theo và giao các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy bám sát cơ sở, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống lụt tại các địa phương.
Đồng chí lưu ý cần có các Tổ công tác chỉ huy ứng trực, phải có kịch bản các tình huống xảy ra để xử lý kịp thời, cách thức giải quyết; xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ để triển khai các công việc; có cơ chế phối hợp, báo cáo kịp thời; phân công cán bộ ứng trực.
Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố họp trực tuyến với các địa phương đến tận xã, phường, thị trấn vào chiều ngày 6/9 sau khi các Đoàn kiểm tra đi thực tế nắm bắt tình hình để có các phương án chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão, bảo đảm hiệu quả.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng chủ trì cuộc họp với các ngành chức năng, đơn vị và các địa phương nghe công tác phòng chống Bão. Cùng dự họp có các Phó Chủ tịch UBND thành phố, các thành viên Ban Chỉ huy, Chủ tịch UBND các quận, huyện.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, đến 15h chiều nay 5/9, Bão số 3 tiếp tục mạnh lên và đạt cấp siêu bão. Để chủ động ứng phó với bão, UBND thành phố đã ban hành Văn bản, Công điện chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão.
Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hệ thống thông tin TKCN phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản để thông báo, hướng dẫn cho ngư dân và các chủ phương tiện, đặc biệt là các phương tiện đánh bắt xa bờ nắm chắc diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Tính đến 5 giờ 00 ngày 5/9/2024, đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 1.794 phương tiện với 5.219 lao động; 173 lồng bè với 285 lao động; 24 chòi canh với 14 lao động đang hoạt động và neo đậu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung đôn đốc các địa phương, đơn vị tổ chức công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; kiểm tra, gia cố công trình đê điều, thủy lợi; tăng cường kiểm tra đê điều, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ đầu giờ, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ đã huy động lực lượng để chằng chống nhà cửa, kho tàng, vận động các phương tiện di chuyển vào đất liền tránh trú bão.
Huyện Cát Hải đã chỉ đạo, sắp xếp neo đậu tàu thuyền về các vị trí tránh trú an toàn, vận động 100% nhân dân trên các bè nuôi trồng thủy sản về nơi tránh trú an toàn trước 17h ngày 5/9; chính quyền và các cơ quan chức năng của huyện đã thông báo khách du lịch di chuyển vào đất liền đến 12 giờ ngày 06/9/2024 (hiện có khoảng trên 2.000 khách du lịch, trong đó khoảng 1.500 khách quốc tế và hơn 500 khách trong nước).
Sau khi nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và Phòng thủ dân sự thành phố) báo cáo và ý kiến của các đại biểu tham dự, Chủ tịch UBND thành phố kết luận chỉ đạo, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và Phòng thủ dân sự thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024.
Chủ tịch yêu cầu các Đoàn kiểm tra theo Thông báo số 232/TB-UBND ngày 05/9/2024 của UBND thành phố khẩn trương kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão tại các địa phương; trong đó tập trung kiểm tra công tác chuẩn bị theo phương châm “bốn tại chỗ”, các khu vực xung yếu, vị trí đê xung yếu tại các khu vực: Cát Hải, Đình Vũ, Đồ Sơn, Tiên Lãng; các lồng bè nuôi trồng thủy sản và việc neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh, trú bão, đặc biệt là các tàu, thuyền lớn ở gần các cầu; các khu chung cư, nhà xuống cấp tại các quận, huyện: Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng, Kiến An.
Chủ tịch Hải Phòng yêu cầu thực hiện cấm biển từ 11 giờ ngày 6/9/2024 cho đến khi có thông báo mới.
Giao UBND các quận, huyện thực hiện di dân khỏi các khu chung cư, nhà xuống cấp, các vùng trũng, thấp, các phương tiện giao thông thủy đã về nơi neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, trên biển, trên vịnh từ 12h00 ngày 06/9/2024, hoàn thành trước 20h00 ngày 06/9/2024.
Chủ tịch nhấn mạnh, trường hợp các địa phương không bố trí được nơi tạm lánh cho các hộ dân thì Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng bố trí các căn hộ chung cư chưa có người ở để người dân tạm lánh.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học mà có Kế hoạch làm nơi để di dân đến tạm lánh, cho học sinh nghỉ học từ 12h00 ngày 06/9/2024, các trường học còn lại cho học sinh nghỉ học từ ngày 07/9/2024 đến khi bão tan.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát nhu cầu của địa phương về vật tư dự trữ phòng, chống bão, tham mưu đề xuất cấp vật tư cho các địa phương phòng, chống bão.
Dừng các cuộc họp không cấp bách, tập trung ứng phó bão số 3 ở mức cao nhất
Chiều 5/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Công điện số 24/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024.
Theo đó, để chủ động ứng phó với bão số 3 (Siêu bão YAGI) và mưa lớn do ảnh hưởng của bão, nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, các sở, ngành, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024, Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 23/CĐ-UBND ngày 03/9/2024 và văn bản số 862/UBND-VP3 ngày 05/9/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định.
Thứ hai, Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Thứ ba, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ.
Kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm
Trong đó tập trung: Rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển (đặc biệt là tàu thuyền ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, ven biển) và tại nơi tránh trú.
Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, tàu thuyền tại nơi tránh trú, khu vực có nguy cơ ngập sâu do sóng lớn, nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở không bảo đảm an toàn.
Kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
Chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình đê điều, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ.
Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bằng mọi hình thức thông tin về diễn biến của bão đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp và Nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, các công trình cao tầng, cột điện, cột thu phát sóng viễn thông, truyền hình, tháo dỡ biển hiệu quảng cáo, cắt tỉa cành cây,… để bảo vệ đường điện và các công trình khu vực xung quanh tán cây; triển khai các phương án tiêu thoát nước đô thị.
Khẩn trương thu hoạch diện cây rau màu đến kỳ thu hoạch và phối hợp với Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi thực hiện tốt việc tiêu rút nước đệm, nhất là vùng trũng thấp, vùng có khả năng tiêu nước kém. Hướng dẫn người dân bảo vệ các ao đầm nuôi trồng thuỷ sản.
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu lơ là, chủ quan phòng chống bão lũ
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.
Tổ chức trực ban 24/7 theo quy định, theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.
Cấm biển từ 6 giờ ngày 6/9
Thứ tư, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tỉnh chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện ven biển rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cưu hộ, cứu nạn ứng cứu khi có yêu cầu.
Cấm các phương tiện ra khơi từ 6 giờ ngày 06/9/2024, cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 6 giờ ngày 06/9/2024 đến khi có tin bão cuối cùng; kiểm đếm, kêu gọi chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản.
Nhân dân vùng cửa sông, ven biển, chòi canh vây vạng vào nơi tránh trú an toàn hoàn thành xong trước 11 giờ ngày 06/9/2024.
Thứ năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai công tác phòng, chống bão, lũ theo quy định; các sở, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng, chống bão theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 23/CĐ-UBND ngày 03/9/2024 và văn bản số 862/UBND-VP3 ngày 05/9/2024 .
Thứ sáu, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7 theo quy định, theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thứ bẩy, Công ty Điện lực Nam Định kiểm tra, đảm bảo an toàn lưới điện để có đủ nguồn điện chất lượng tốt phục vụ công tác phòng, chống bão và phục vụ sản xuất.
Khẩn trương kiểm tra, rà soát xác định các công trình xung yếu, công trình có nguy cơ xảy ra sự cố
Thứ tám, các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi: Khẩn trương kiểm tra, rà soát xác định các công trình xung yếu, công trình có nguy cơ xảy ra sự cố do ảnh hưởng của mưa, bão nhất là các cống dưới đê để chủ động triển khai phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn công trình.
Đối với các công trình có nguy cơ xảy ra sự cố: Phải có giải pháp cảnh báo cho người, phương tiện tham gia giao thông được biết; bố trí nhân lực thường trực tại công trình 24/24h; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “ bốn tại chỗ”.
Thực hiện phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi theo quy định của UBND tỉnh, kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp về PTNT, UBND cấp huyện khi có tình huống xảy ra.
Chủ động tổ chức tiêu rút nước đệm; rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án tiêu úng phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình.
Giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện.
Quảng Ninh: Cấm biển từ 11h ngày 6/9
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản hỏa tốc số 2579/UBND-KTTC yêu cầu đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách để tập trung ứng phó bão số 3 (YAGI), tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác, dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.
Thực hiện Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện; các chỉ đạo của Tỉnh ủy; Công điện và các chỉ đạo của UBND tỉnh, tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác.
Đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường trực Ủy ban nhân dân trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ; Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn đến thiệt hại về người và thiệt hại lớn về tài sản.
Thực hiện cấm biển từ 11 giờ 00 ngày 06/9/2024.
Theo dõi chặt chẽ và thông tin về diễn biến của bão, tuyên truyền về ảnh hưởng của bão để Nhân dân biết, phối hợp với chính quyền thực hiện các biện pháp chủ động phòng tránh; thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách trên các đảo, khu vực ven biển, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, khu neo đậu tránh trú.
Di dời người dân (ưu tiên người già, trẻ nhỏ, phụ nữ) ở các khu nuôi trồng thủy sản về nơi an toàn trước 16h00 ngày 06/9/2024; tuyệt đối không để lại người trên các lồng bè, chòi canh... khi bão đổ bộ.
Rà soát phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa, các vị trí có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, các công trình đang thi công, các bãi thải mỏ; kiên quyết di dời dân ra khỏi các vị trí mất an toàn, trên các khu nuôi trồng thủy sản.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tổ chức canh gác tại các điểm xung yếu, ngập lụt và tại các vị trí ngầm tràn khi có lũ, không cho người và phương tiện qua lại và xử lý sự cố, di dời dân cư khi có yêu cầu.
Tổ chức nạo vét, phát quang, khơi thông dòng chảy hệ thống mương, suối, cống thoát nước trên địa bàn để phòng, chống ngập úng.
Tổ chức cắt tỉa cành, nhánh, chằng chống cây xanh, gia cố lại các biển quảng cáo, cột viễn thông, kiến trúc cao tầng... để đảm bảo an toàn.
Tập trung chằng chống nhà cửa, nhà xưởng, thiết bị, cây xanh, xong trước 16h00 ngày 06/9/2024.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ khi có yêu cầu. Căn cứ vào diễn biến bão, lực lượng Biên phòng sẵn sàng tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Du lịch thông báo cho khách du lịch về bão và rà soát số lượng khách du lịch tham quan biển đảo, đảm bảo an toàn cho du khách.
Chỉ đạo Cảng vụ đường thủy nội địa rà soát, nắm bắt số lượng tàu du lịch, tổ chức hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh trú tại các bến, khu neo đậu.
Kiểm tra và xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở trên các tuyến giao thông, phương án đảm bảo an toàn tại ngầm tràn, đường cao tốc, cầu Bãi Cháy, Bạch Đằng... do gió mạnh và mưa hoàn lưu sau bão.
Chủ động chỉ đạo cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết
Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình mưa, bão chủ động chỉ đạo học sinh các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học nếu cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến giáo viên, phụ huynh và học sinh, nhất là vùng ven biển, sông, suối, đập, đê điều... để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tổng Công ty Đông Bắc rà soát, triển khai các phương án ứng phó mưa lớn đối với các khu vực khai thác hầm lò, khai trường, bãi thải, các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở.
Sẵn sàng phối hợp với địa phương trong công tác tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ địa phương di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy cơ sạt lở, chân bãi thải.
Các Công ty TNHH MTV Thủy lợi: Đông Triều, Yên Lập, Miền Đông và các đơn vị quản lý hồ chứa theo dõi sát diễn biến mưa, bão.
Kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du đặc biệt là các hồ chứa xung yếu.
Bố trí lực lượng trực canh để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; đảm bảo các công trình tiêu úng hoạt động hiệu quả khi có yêu cầu.
Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Các sở, ngành, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi diễn biến thời tiết, và diễn biến của bão số 3 và mưa hoàn lưu sau bão, sẵn sàng các biện pháp ứng phó thích hợp.
Tỉnh Thái Bình cấm biển từ 5 giờ sáng ngày 6/9
Ngày 5/9, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Thái Bình đã chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3.
Tại cuộc họp, sau khi nghe các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh báo cáo tình hình triển khai công tác ứng phó với bão số 3, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh nhấn mạnh: Bão số 3 là cơn bão rất mạnh và Thái Bình là một trong những tỉnh, thành phố sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão. Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương và của tỉnh về ứng phó với bão.
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chủ động ứng phó với bão theo phương châm "4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ, nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Đồng chí đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông và các địa phương cần tập trung tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị và người dân nắm được diễn biến, tình hình cơn bão để chủ động phòng, chống.
Dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão. Đồng thời, vận hành ngay cơ chế hoạt động của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tại các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp phải chủ động có mặt tại các đơn vị, địa phương đã được phân công để kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc trong phòng, chống bão.
Các huyện, thành phố chủ động bố trí địa điểm kiên cố, lên phương án di chuyển người dân ở các nhà yếu, nhà tập thể, bệnh xá, trường học không bảo đảm an toàn đến nơi an toàn.
Khẩn trương kiểm tra, rà soát, lên phương án phân công nhiệm vụ hỗ trợ chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh xá, bến cảng, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, lồng, bè, trang trại... trên bãi sông, ven sông, trên sông, ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản đặc biệt ở hai huyện ven biển; cắt tỉa cây lớn để bảo đảm an toàn trong trường hợp bão đổ bộ.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các huyện Tiền Hải, Thái Thụy thực hiện nghiêm việc cấm biển từ 5 giờ sáng ngày 6/9; nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại nơi neo đậu, không để va chạm, vỡ, chìm tàu khi bão đổ bộ.
Tuyệt đối không cho người dân canh coi tại các chòi ngao, đầm quay trở lại chòi, đầm trong thời điểm này, nếu phát hiện phải khẩn trương di dời và có thể sử dụng biện pháp cưỡng chế nếu cần thiết…
Cùng với đó, các ngành tích cực vào cuộc, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động kiểm tra, đôn đốc, có phương án, kịch bản bảo đảm an toàn các trọng điểm xung yếu; an toàn hệ thống đê điều, công trình giao thông, xây dựng, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo phương án “4 tại chỗ”.
Đối với các phương tiện thủy của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đang neo đậu tại cảng xăng dầu Hải Hà, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giao huyện Thái Thụy cùng các đơn vị liên quan khẩn trương lên phương án bổ sung hệ thống dây thừng, dây cáp để chằng buộc, gia cố; đồng thời phân công lực lượng ứng trực để kịp thời xử lý tình huống khẩn cấp khi bão đổ bộ.