Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kiểm tra công tác dự báo diễn biến Bão số 3

06/09/2024 08:19

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp kiểm tra công tác dự báo diễn biến bão số 3 và các tác động của bão.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kiểm tra công tác dự báo diễn biến Bão số 3- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp về công tác dự báo diễn biến bão số 3 và các tác động của bão.

Bão số 3 tăng 4 cấp so với khi mới vào biển Đông

Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến Đài KTTV các khu vực và Đài KTTV các tỉnh dự báo sẽ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Theo báo cáo, cơn bão Yagi hình thành trên vùng biển phía Đông Philippine và đi vào biển Đông từ sáng ngày 2/9, trở thành cơn bão số 3 năm 2024. 

Cập nhật thông tin mới nhất về diễn biến bão, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Đến sáng nay, bão số 3 đang ở trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. 

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15. Như vậy, bão đã tăng 4 cấp so với khi mới vào biển Đông và vị trí còn cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 750km về phía Đông.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kiểm tra công tác dự báo diễn biến Bão số 3- Ảnh 2.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia báo cáo tình hình về cơn bão số 3

Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây

Theo ông Khiêm, đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 10 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh cấp 10 khoảng 150km xung quanh mắt bão. 

Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 có cường độ trên cấp 14 - 15, giật cấp 17 khi tiến gần khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Về ảnh hưởng của bão đến vùng biển Việt Nam, dự báo khoảng đêm ngày 6 sáng ngày 7/9, bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Hải Nam (Trung Quốc) di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh - Hà Tĩnh).

“Đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Bắc Bộ, mức độ ảnh hưởng có khả năng tương đương cơn bão số 3 năm 2014 và cơn bão số 1 năm 2016” – ông Khiêm nhấn mạnh và cho biết, từ 7 - 9/9 sẽ xảy ra một đợt mưa to đến rất to trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. 

Trường hợp ít khả năng hơn là bão lệch hơn lên phía bắc, đi dọc ven biển Quảng Tây (Trung Quốc) thì những tác động về mưa, gió sẽ giảm hơn.

Nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất lúc này là gió rất to, sóng rất lớn trên biển dọc theo vĩ độ 19 độ vĩ Bắc, là nơi bão đi qua có cường độ gió cấp 14 - 15, gió giật cấp 17, sóng cao 8 - 10m, có thể đánh đắm tất cả các tàu thuyền, kể cả tàu trọng tải lớn. Các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh do bão số 3.

Khoảng từ đêm 6/9 đến sáng 8/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 10 - 13, sóng biển cao 4 - 6m, vùng gần tâm bão 6-8m; nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. 

Các khu neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và sóng lớn, đặc biệt khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kiểm tra công tác dự báo diễn biến Bão số 3- Ảnh 3.

Các cán bộ kỹ thuật liên tục cập nhật những thông tin về cơn bão số 3 ngay tại cuộc họp

Những ngày qua, công tác dự báo phục vụ cơn bão số 3 đã được triển khai từ rất sớm và nhận được sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị. 

Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những chỉ đạo sát sao đối với các đơn vị dự báo KTTV.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn La Đức Dũng, ngay từ khi vùng áp thấp xuất hiện ngoài khơi Philippines, Tổng cục KTTV đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo kịp thời diễn biến từ khi có dấu hiệu cho đến khi vùng áp thấp phát triển thành bão. 

Ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 86/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024. 

Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo phân công.

Để đôn đốc tăng cường công tác dự báo, cảnh báo bão số 3, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ cụ thể. 

Vụ Quản lý mạng lưới KTTV phối hợp với Trung tâm Mạng lưới KTTV quốc gia theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Đài KTTV khu vực đảm bảo hệ thống mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia hoạt động ổn định trong tình huống khi có thiên tai xảy ra. 

Công tác thông tin dữ liệu đảm bảo hệ thống đường truyền, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV, xây dựng phương án dự phòng trong trường hợp có sự cố.

Hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia tập trung cao độ để theo dõi chặt chẽ diễn biến, tác động của bão như: gió mạnh, sóng lớn, nước dâng, mưa lớn, dông lốc trước bão, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá…sau bão.

Đồng thời cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo thiên tai và dự báo tác động, không để bị động, bất ngờ nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống, giảm thiểu và khắc phục hậu quả của thiên tai đến các cấp và nhân dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kiểm tra công tác dự báo diễn biến Bão số 3- Ảnh 4.

Tại cuộc họp, đại diện Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Viện Khoa học địa chất, khoáng sản cũng thông tin thêm về các yếu tố tác động đến diễn biến bão số 3, những đối tượng có thể chịu ảnh hưởng và tác động trực tiếp. 

Hiện tại, mực nước các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa ở khu vực phía Bắc đang ở mức cao, do đó công tác dự báo mưa lớn cần được đặc biệt quan tâm, đảm bảo dự báo sát, tránh tình trạng các hồ phải xả quá nhiều để hạ thấp mực nước dẫn đến thiếu nước trong các tháng mùa khô. 

Vùng trọng tâm mưa sẽ ở khu vực Bắc Bộ nên cần đề phòng các nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất đá. 

Đặc biệt, đây là cơn bão rất mạnh nên các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông mạnh, vòi rồng, lốc sét có thể xuất hiện trước khi bão tiến vào gần bờ.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kiểm tra công tác dự báo diễn biến Bão số 3- Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành báo cáo tại cuộc họp

Chủ động công tác dự báo trước, trong và sau bão

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, đến nay, Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ huy địa phương về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã nắm tình hình. Các Đài KTTV tiếp tục giữ liên hệ với các đầu mối để kịp thời thông tin diễn biến và cảnh báo nguy cơ tác động của bão số 3. 

Để chuẩn bị cho cuộc họp của Chính phủ chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục KTTV bám cập nhật thông tin mới nhất về đường đi, cường độ, tốc độ di chuyển của bão.

Thứ trưởng cũng lưu ý nguy cơ dông lốc trước cơn bão và không thể chủ quan dù bão còn cách xa đất liền. Hiện nay, thời tiết trong đất liền đang nắng nóng và độ ẩm cao, bão chỉ cần qua đảo Hải Nam là có thể gây dông lốc. 

Vì vậy, các đơn vị dự báo cần đánh giá kỹ các nguy cơ, sử dụng hệ thống cảnh báo dông lốc sét và đánh giá những yếu tố bất ổn định trong bờ để có cảnh báo tốt nhất.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kiểm tra công tác dự báo diễn biến Bão số 3- Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Ưu tiên công tác dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin nhanh, kịp thời và chính xác về cơn bão số 3

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao các cơ quan của Bộ đã rất chủ động theo dõi, cập nhật thông tin về cơn bão đồng thời đã đưa ra những dự báo, cảnh báo từ sớm và đến thời điểm này những dự báo đưa ra đã khá chính xác do với những diễn biến phức tạp của bão.

Đánh giá cơn bão số 3 có tốc độ di chuyển nhanh, vùng ảnh hưởng của bão lớn, có cường độ cao, nếu không chủ động ứng phó sẽ gây ra những thiệt hại lớn, do đó công tác dự báo, cảnh báo bão là rất quan trọng. 

Đặc biệt. bão hình thành vào thời điểm cuối mùa lũ do đó có nguy cơ lũ ống, lũ quyét và sạt lở đất sẽ đặt ra thách thức cho các công tác dự báo, cảnh báo từ các cơ quan của Bộ để tham mưu cho Ban chỉ đạo trung ương đưa ra những quyết định kịp thời; đồng thời cũng có các chỉ đạo cho công tác điều hành liên hồ chứa vừa điều tiết lũ vừa đảm bảo tích nước cho mùa khô để đảm bảo đa mục tiêu…

Với những giải pháp trước mắt, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ chú trọng việc ưu tiên cho công tác dự báo, cảnh báo và cung cấp các thông tin nhanh, kịp thời và chính xác về cơn bão số 3. 

Bộ trưởng khuyến nghị các đơn vị tăng cường phối hợp nhịp nhàng hơn trong việc phát huy công tác chuyên môn, tham khảo các nguồn thông tin của quốc tế, kết hợp các dữ liệu lịch sử để từ đó có những thông tin cảnh báo sớm, kịp thời về trước, trong và sau cơn bão số 3, cũng như các cảnh báo về giông lốc, mưa lũ, sạt lở đất…

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kiểm tra công tác dự báo diễn biến Bão số 3- Ảnh 7.

Toàn cảnh cuộc họp sáng ngày 4/9

Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn đưa ra các khuyến nghị, thông tin chuyên môn để ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai có những chỉ đạo kịp thời về các công tác liên quan đến liên hồ chứa, xả lũ, ứng phó với sạt lở… có trao đổi với Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về phương án xả lũ hay tích nước phù hợp với tình hình thực tế.

Với đặc điểm của cơn bão số 3 có tốc độ di chuyển nhanh, vùng ảnh hưởng của bão lớn, có cường độ cao, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị cần ban hành kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ứng phó với cơn bão số 3 trong đó những nhận định tình hình từ các cơ quan chuyên môn của Bộ như Khí tượng thuỷ văn, tài nguyên nước, địa chất, biến đổi khí hậu… từ đó đưa ra những kế hoạch có các kịch bản ứng phó khác nhau, có những đầu mối kỹ thuật của từng lĩnh vực chuyên môn để các địa phương theo dõi và chủ động ứng phó với bão.

Với tinh thần không thể chủ quan dù bão còn cách xa đất liền, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mong muốn các cán bộ ngành Khí tượng thuỷ văn nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa ra những dự báo, cảnh cáo kịp thời để công tác ứng phó với bão số 3 được tốt nhất.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Từ 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Kiến nghị công dân đỗ vào các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau

Kiến nghị công dân đỗ vào các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau

Người dân góp ý

(Chinhphu.vn) - Bộ Quốc phòng trả lời cử tri kiến nghị công dân đỗ các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau.

PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT từ năm 2025

PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT từ năm 2025

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 6-14 tuổi

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 6-14 tuổi

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng dẫn nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi qua Cổng dịch vụ công.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi