Nếu Bão số 3 mạnh lên thành SIÊU BÃO, các phương án chỉ đạo sẽ phải thay đổi

05/09/2024 08:03

(Chinhphu.vn) - Trong trường hợp bão số 3 ở cấp 16 (cấp SIÊU BÃO), khi đó sẽ có rất nhiều tác động và các phương án chỉ đạo của chúng ta cũng sẽ thay đổi.

Nếu Bão số 3 mạnh lên thành SIÊU BÃO, các phương án chỉ đạo sẽ phải thay đổi- Ảnh 1.

Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT báo cáo tình hình cơn bão

Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9/2024

Chiều 4/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác ứng phó với cơn bão số 3 (YAGI)

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai báo cáo tình hình và công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão.

Về tình hình tàu thuyền: Tính đến trưa ngày 04/9, kiểm đếm, hướng dẫn cho 50.137 tàu cá/219.864 người, trong đó có 504 tàu/3.356 người đang hoạt động tại khu vực Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (khu vực nguy hiểm).

Cụ thể: Thanh Hoá 02 tàu/20 người; Nghệ An 135 tàu/523 người; Đà Nẵng 54 tàu/479 người; Quảng Nam 141 tàu/1.133 người; Quảng Ngãi 157 tàu/1.111 người; Bình Định 15 tàu/90 người. 

Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú. Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 06/9/2024.

Về tình hình nuôi trồng thủy sản: Khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An hiện có 49.380 ha, 19.144 lồng, bè và 3.806 chòi canh nuôi thủy sản. Nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12-13, giật cấp 16.

Các tuyến đê biển được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão vào Vịnh Bắc Bộ

Tình hình hồ chứa, đê điều: Hiện hồ Tuyên Quang đang mở 01 cửa xả đáy; hồ Thác Bà đang mở 02 cửa xả mặt. 

Khu vực Bắc Bộ, tổng số có 2.543 hồ chứa, dung tích đạt 80-96% dung tích thiết kế; hiện có 120 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và 77 hồ chứa đang thi công. Khu vực Bắc Trung Bộ, tổng số có 2.323 hồ chứa, dung tích đang ở mức thấp đạt 46-65% dung tích thiết kế; hiện có 140 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và 63 hồ chứa đang thi công. 

Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 32 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý; 03 công trình đang thi công; một số vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; tuyến đê Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình mới hoàn thành nhưng chưa được gia cố mặt, mái phía đồng. 

Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5%; nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12-13, giật cấp 16 (vượt mức thiết kế).

Tình hình sản xuất nông nghiệp: Lúa Hè Thu, đã thu hoạch 155.000ha/170.000ha, hiện còn 15.000ha đang chuẩn bị thu hoạch (dự kiến xong trước 10/9). Lúa mùa, khoảng 998.000 ha, đang ở giai đoạn phân hoá đòng và chuẩn bị trỗ. 

Diện tích lúa Hè Thu chưa thu hoạch 15.000ha (tập trung tại Nghệ An 11.400ha) nguy cơ bị thiệt hại khi gió bão mạnh và mưa lớn khi bão đổ bộ.

Về công tác chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ do ảnh hưởng của bão. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công điện số 6475/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 02/9/2024 đề nghị các Bộ ngành, địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên triển khai ứng phó ngay khi bão gần biển Đông. 

Các Bộ: Quốc Phòng, Công an, Công thương, Giao thông vận tải đã có công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động ứng phó với bão; Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi các quốc gia, vùng lãnh thổ đề nghị tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân tránh trú.

Nếu Bão số 3 mạnh lên thành SIÊU BÃO, các phương án chỉ đạo sẽ phải thay đổi- Ảnh 2.

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia báo cáo công tác dự báo diễn biến bão số 3

Bão số 3 đã tăng 4 cấp và sẽ còn tiếp tục mạnh lên trong 24-48 giờ tới thành SIÊU BÃO

Về diễn biến bão số 3, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 14h chiều nay 4/9, bão số 3 đang ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 710km về phía đông. 

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15. Sau khi vào Biển Đông bão số 3 đã tăng 4 cấp. 

Hiện nay trên Biển Đông nền nhiệt độ cao, trên 30 độ C là điều kiện để kích hoạt bão mạnh lên. Trong 24-48 giờ tới, bão số 3 tiếp tục tăng cường độ khi tiếp cận đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Nếu bão số 3 mạnh lên thành SIÊU BÃO, các phương án chỉ đạo sẽ phải thay đổi

Từ giờ đến 48 giờ tới, khi bão gần đảo Hải Nam, hầu hết các dự báo đều dự báo cường độ bão YAGI tăng. 

Trong đó, một số cơ quan dự báo bão tăng cấp 16 và cao hơn thành siêu bão. Đối với tình hình như hiện nay, theo thông tin đánh giá sức gió tại trạm quan sát ở gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) có trường hợp tính toán sức gió có thể cấp 16, giật cấp 17. 

Khi bão số 3 đạt cấp 16 là siêu bão sẽ có rất nhiều tác động. 

Về phía Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đang xem xét trong chiều và tối nay (4/9) nếu thống nhất các phương án có khả năng cập nhật các dự báo về cơn bão sẽ tăng cấp hơn nữa, không chỉ ở cấp 15 mà là cấp 16. 

Trong trường hợp bão số 3 ở cấp 16, các phương án chỉ đạo của chúng ta cũng sẽ thay đổi, điều này phải cân nhắc, xem xét và phân tích thêm".

Trong các dự báo đến hiện tại, mốc thời gian vào đêm 6/9, bão sẽ vào Vịnh Bắc Bộ cường độ cấp 12-13, giật cấp 15. 

Từ ngày 7/9, có thể xảy ra lượng mưa lớn tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Lượng mưa và hướng gió của Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phụ thuộc vào hướng gió của bão. 

Nếu bão đi vào Vịnh Bắc Bộ và đất liền sau đó đi lệch lên hướng Bắc khoảng 50-100km mức độ ảnh hưởng sẽ khác.

"Do còn khoảng 54 giờ nữa bão số 3 mới vào đất liền nước ta nên còn nhiều thay đổi, các cơ quan dự báo sẽ tiếp tục cập nhật để đưa ra các dự báo.
Nếu Bão số 3 mạnh lên thành SIÊU BÃO, các phương án chỉ đạo sẽ phải thay đổi- Ảnh 3.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận tại cuộc họp

Chủ động cao nhất ứng phó bão số 3 để hạn chế thấp nhất thiệt hại 

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan, đồng thời cần chủ động cao nhất trong công tác ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Các địa phương kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo. 

Tùy theo diễn biến của bão số 3 chủ động cấm biển, cấm các hoạt động tập trung đông người, nhất là các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Vùng đồng bằng, miền núi, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Đảm bảo an toàn hạ du khi mở cửa xả thủy điện hồ Hòa Bình, Tuyên Quang

Công điện số 6509/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 04/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Hồi 15h00’ ngày 04/9/2024, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 111,56m, lưu lượng đến hồ 3.684m3/s, lưu lượng xả 2.213m3/s; mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang ở cao trình 117,05m, lưu lượng đến hồ 789m3/s, lưu lượng xả 1.216m3/s;

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29/6/2024 của Chính phủ về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình và Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang:

1. Mở 01 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 20h00’ ngày 04/9/2024.

2. Mở cửa xả đáy thứ 2 hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 20h00’ ngày 04/9/2024.

3. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.

Văn bản số 6510/BNN- ĐĐ ngày 04/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh/ thành phố Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình về việc đảm bảo an toàn hạ du:

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29/6/2024 của Chính phủ về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp và Công điện số /CĐ-BNN-ĐĐ ngày 04/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình mở 01 cửa xả đáy vào hồi 20h00’ ngày 04/9/2024, Giám đốc Công ty thủy điện Tuyên Quang mở cửa xả đáy thứ 2 vào hồi 20h00’ ngày 04/9/2024.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

1. Tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.

2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Chủ hồ có giải pháp đảm bảo an toàn đối với người dân hiếu kỳ đến gần khu vực xem xả lũ.

3. Báo cáo và đề xuất kịp thời phương án xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình xả lũ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện./.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT từ năm 2025

PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT từ năm 2025

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025.

Từ 1/1/2025, giấy phép lái xe cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại thế nào?

Từ 1/1/2025, giấy phép lái xe cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 6 đến dưới 14 tuổi

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 6 đến dưới 14 tuổi

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng dẫn nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi qua Cổng dịch vụ công.

Thống nhất quy định tuổi nghỉ hưu của nam, nữ sĩ quan; đề nghị phân cấp quy định trần quân hàm

Thống nhất quy định tuổi nghỉ hưu của nam, nữ sĩ quan; đề nghị phân cấp quy định trần quân hàm

Tham vấn chính sách

(Chinhphu.vn) - Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, Chính phủ thống nhất quy định tuổi nghỉ hưu của nam sĩ quan và nữ sĩ quan bằng nhau.

TIỂU SỬ TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC TÔ LÂM

TIỂU SỬ TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC TÔ LÂM

(Chinhphu.vn) - Tóm tắt tiểu sử Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi