Chủ động ứng phó Bão số 3 theo phương châm "Bốn tại chỗ"; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là
Thực hiện Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và nhằm kịp thời chủ động ứng phó với bão, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng vừa có Công điện 05/CĐ-CT về việc khẩn trương triển khai ứng phó Bão số 3 năm 2024 (Bão YAGI).
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu UBND các quận, huyện và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ", không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản; hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để đảm bảo an toàn.
Tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè,... khi bão đổ bộ
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; kiểm đếm, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn;…
Tyệt đối không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt là khách du lịch trên biển và các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Chủ động xác định thời điểm cấm biển, tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa,...
Cơ quan Thường trực về phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển; chủ động trao đổi cùng Sở Giao thông vận tải để thông tin, phối hợp với Tổng Cục Đường bộ Việt Nam dừng hoạt động của cầu vượt biển.
Chủ động rà soát, thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.
Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đề điều (nhất là các vị trí xung yếu), khu, cụm công nghiệp, công trình đang thi công (đặc biệt lưu ý các công trình cao tầng), cầu tàu, bến cảng…
Chủ động các biện pháp tiêu nước trong hệ thống thủy lợi đề phòng ngập úng, bảo vệ cây trồng; rà soát, có phương án đảm bảo tiêu thoát nước đô thị trong trường hợp mưa lớn gây ngập lụt; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, để giảm thiểu thiệt hại.
Rà soát, sẵn sàng phương án và tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt tại các khu vực sạt lở do mưa lớn gây ra.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ
Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đề nghị Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I chỉ đạo, hướng dẫn các tàu, thuyền, phương tiện thủy neo đậu tại các vùng nước do đơn vị quản lý đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến các công trình kết cấu hạ tầng khác khi có sự cố xảy ra.
Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố chủ động kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống theo địa bàn, lĩnh vực đã được phân công.
Thường trực các Quận ủy, Huyện ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão trên địa bàn quản lý.
Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực về phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố (Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai).