Xét xử 17 Giám đốc, Phó Giám đốc, nhân viên công ty thủy sản chiếm đoạt 600 tỷ của ngân hàng
Ngày 26/2, TAND tỉnh An Giang đưa ra xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, liên quan đến nhiều giám đốc, nhân viên công ty thuỷ sản lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh An Giang (gọi tắt là Vietcombank An Giang).
Theo CAND, tổng cộng 17 bị cáo là giám đốc, phó giám đốc và nhiều nhân viên thuộc các công ty thuỷ sản bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo: Ngô Văn Thu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt An; Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình Minh; Trương Minh Giàu, Giám đốc Công ty TNHH Minh Giàu; Nguyễn Viết Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang; Lưu Bá Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc và những bị cáo khác là kế toán các công ty.
Công ty TNHH Agibasa An Giang được thành lập từ tháng 3/2004. Đến ngày 27/2/2007, Công ty TNHH Agibasa An Giang được đổi tên thành Công ty cổ phần Việt An (địa chỉ tại tỉnh An Giang) do Lưu Bách Thảo làm Tổng Giám đốc; Thu làm Tổng Giám đốc đại diện theo pháp luật.
Ngành nghề kinh doanh là sản xuất, chế biến cá tra đông lạnh, mua bán, khai thác, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, từ năm 2005-2011, Thảo còn thành lập “nhóm công ty gia đình”, gồm các công ty: Bách Phúc, Việt Hưng An Giang, Bình Minh, Minh Giàu.
Từ năm 2010- 2014, Công ty Việt An, Công ty Bình Minh, Công ty Minh Giàu đã ký kết nhiều hợp đồng tín dụng vay vốn theo hạn mức tại Vietcombank An Giang.
Để được vay theo điều kiện của hợp đồng tín dụng, Thảo và Thu đã chỉ đạo lập nhiều hồ sơ chứng từ khống rút vốn vay tại ngân hàng.
Các chứng từ thể hiện tại 100 bộ hồ sơ rút vốn vay còn dư nợ đều là chứng từ giả mạo, hóa đơn ghi doanh số mua bán nguyên liệu cá tra, mua thức ăn thuỷ sản,... không có thật, để làm hồ sơ chứng từ rút vốn vay chiếm đoạt tiền.
Tính đến ngày 21/12/2020, Vietcombank An Giang còn thiệt hại số tiền vốn gốc là hơn 600 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, các đối tượng khai do Công ty Việt An hoạt động không hiệu quả, không còn nguồn kinh phí và không còn hạn mức để tiếp tục vay vốn nên Lưu Bách Thảo đã chỉ đạo lập nhiều bộ hồ sơ khống để được rút vốn tại ngân hàng.
Trả hồ sơ để điều tra bổ sung trách nhiệm của nhóm cán bộ ngân hàng
Theo Hội đồng xét xử, Lưu Bách Thảo là chủ mưu cầm đầu trong vụ án. Toàn bộ tài sản chiếm đoạt của ngân hàng, các bị cáo khai chuyển hết cho Công ty Việt An do Lưu Bách Thảo quyết định sử dụng.
Trong khi đó tài sản cá nhân của Thảo vẫn còn nhà, đất ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa được kê biên để đảm bảo phát mãi thi hành án.
Đối với hành vi của nhóm cán bộ ngân hàng đã cho các công ty vay tiền, chiếm đoạt, cần phải xác minh làm rõ nếu có dấu hiệu của tội phạm cần thiết phải xử lý theo pháp luật.
Do đó, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh An Giang quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang để điều tra bổ sung các vấn đề liên quan; xem xét nhập vụ án để điều tra bổ sung làm rõ hành vi sai phạm của nhóm cán bộ ngân hàng.
Lưu Bách Thảo đã trốn khỏi địa phương nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm toàn quốc đối với bị can./.