Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 04/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Định mức sử dụng xe nhóm 2 sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính – đơn vị được giao chỉnh sửa, bổ sung nghị định cho biết, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 04/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô (NĐ 04) tiếp tục duy trì cách phân chia các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thành 4 nhóm như quy định hiện hành và giữ nguyên chế độ sử dụng xe ô tô.
Trong đó, căn cứ danh mục chức danh, chức vụ quy định tại Kết luận số 35- KL/TW ngày 5/5/2022, nhóm 2 (Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá gồm: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội) sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp.
Mỗi bậc thuộc các nhóm chức danh được quy định 1 mức giá mua xe từ 1,6 tỷ đồng xuống 1,2 tỷ đồng
Đồng thời dự thảo quy định mỗi bậc thuộc các nhóm chức danh, chức vụ quy định tại Kết luận số 35-KL/TW được quy định 1 mức giá mua xe tối đa khác nhau, từ cao xuống thấp (từ 1,6 tỷ đồng xuống 1,2 tỷ đồng).
Dự thảo nghị định cũng đã chuyển xe ô tô bán tải, xe ô tô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù (thực chất là xe ô tô từ 4 đến 16 chỗ thông thường) từ xe chuyên dùng (theo quy định tại NĐ 04) sang xe ô tô phục vụ công tác chung để quy định cụ thể định mức, tối ưu hóa mục đích sử dụng và tần suất sử dụng xe ô tô (vừa sử dụng để đi họp, đi công tác, vừa sử dụng cho nhiệm vụ đặc thù).
Xe được sử dụng phổ biến để phục vụ công tác chung giá tối đa là 1,6 tỷ đồng/xe
Riêng đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép áp dụng hoặc vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp để bảo đảm tương đồng với các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định theo hướng:
Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác của các chức danh được áp dụng theo quy định tại Nghị định này; tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh (sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND cấp tỉnh) xem xét, quyết định để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan, người có thẩm quyền giao, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và không sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cũng cho biết, quy định về giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung đã được duy trì từ năm 2010 cho đến nay. Trong bối cảnh, thời gian sử dụng của xe ô tô theo chế độ đã được điều chỉnh từ 10 năm thành 15 năm, hệ thống đường bộ đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp để xe lưu thông với vận tốc cao, đồng thời giá mua xe hiện nay đã có biến động tăng so với năm 2010.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho xe và người sử dụng xe, qua khảo sát giá mua mới xe ô tô năm 2010 và năm 2022 của dòng xe được sử dụng phổ biến để phục vụ công tác chung, dự thảo nghị định quy định mức giá mua xe loại 1 cầu tối đa là 950 triệu đồng/xe; trường hợp cần trang bị loại xe ô tô 7-8 chỗ 2 cầu, mức giá tối đa là 1,3 tỷ đồng/xe; xe từ 12-16 chỗ ngồi, mức giá tối đa là 1,6 tỷ đồng/xe.
Giữ lại 5/7 loại xe chuyên dùng
Ngoài ra, để bảo đảm đúng tính chất chuyên dùng của xe ô tô, dự thảo nghị định sửa đổi giữ lại 5/7 loại xe chuyên dùng quy định tại Nghị định 04 gồm: xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế; xe ô tô có kết cấu đặc biệt; xe gắn thiết bị chuyên dùng hoặc gắn biển hiệu nhận biết theo quy định của pháp luật; xe ô tô tải; xe ô tô trên 16 chỗ ngồi.
Chuyển 2 loại xe có tính chất lưỡng tính (xe bán tải và xe ô tô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù) sang xe ô tô phục vụ công tác chung. Riêng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế được “nghị định hóa” từ quy định tại Thông tư số 07/2020/TT-BYT của Bộ Y tế.
Định mức sử dụng xe sẽ xét đến tính đặc thù
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, với yêu cầu của nghị định sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo sát thực tiễn nhất và đưa lại hiệu quả quản lý cao nhất, dự thảo nghị định đã được xây dựng trên nguyên tắc bố trí xe ô tô phù hợp với chức năng nhiệm vụ, phạm vi công tác của từng cơ quan đơn vị.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng căn cứ vào bộ máy cán bộ công chức, viên chức của từng đơn vị và căn cứ vào diện tích, địa hình của từng địa phương để đưa ra quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô một cách hợp lý.
Theo Bộ trưởng, hiện nay có tỉnh rất rộng như Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa…, nhưng cũng có những tỉnh có diện tích rất hẹp như Hà Nam, Bắc Ninh. Do vậy, việc tính định mức sử dụng xe ngoài việc áp dụng việc tính bình quân chung sẽ xét đến tính đặc thù.
Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương
Với mức giá mua xe được các bộ, ngành, địa phương đồng thuận cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, quy định mức giá này là chưa có các chi phí kèm theo như phí đăng ký, phí biển số xe… Theo quy định này, giá mua xe có thể được tăng lên nữa. Đây là một quy định mở cho các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, sử dụng xe ô tô.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, với quy định các bộ, ngành, địa phương được xem xét, quyết định giá mua ô tô cao hơn không quá 10% so với mức giá quy định là để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, trong phạm vi số lượng, mức giá, tăng giá 10% thì các bộ, ngành, địa phương quyết. Còn với mức giá cao hơn, hay ngoài phạm vi quy định… thì lúc đó các bộ, ngành, đia phương mới đề nghị với Bộ Tài chính” - Bộ trưởng nhấn mạnh.