CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Sẽ quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô công

13:31 - 19/09/2022

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện đã sửa đổi và bổ sung một số quy định để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Theo đó, dự thảo Nghị định sẽ quy định rõ hơn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công.

 Sẽ quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô công - Ảnh 1.

Bộ Tài chính cho biết, thực tế triển khai Nghị định số 04/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô đã phát sinh những vấn đề bất cập. Cụ thể, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung chưa phản ánh đầy đủ địa bàn, phạm vi, tính chất hoạt động, mức độ tự chủ, khối lượng nhiệm vụ phải thực hiện; việc không quy định tiêu chuẩn, định mức và không trang bị xe phục vụ công tác của các đơn vị trực thuộc cấp cục/sở/huyện có chức danh, có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 đến dưới 1,25 mà chuyển toàn bộ sang thuê dịch vụ/khoán kinh phí là chưa phù hợp với các đơn vị có tính đặc thù.

Đối với xe ô tô chuyên dùng, một số loại xe chưa quy định rõ tiêu chí, cách thức xác định, mối quan hệ giữa chủng loại xe và mục đích sử dụng xe, đồng thời giao thẩm quyền ban hành cho các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh. Vì vậy, chủng loại và số lượng xe ô tô chuyên dùng còn có sự khác nhau giữa các địa phương, mặc dù các địa phương đều có những đặc điểm có tính tương đồng.

Hơn nữa, theo phản ánh từ các bộ, địa phương, giá mua xe ô tô hiện nay (được duy trì từ năm 2010 theo Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ) đang rất thấp so với giá thị trường. Do đó, để lựa chọn được loại xe tương đương như trước đây, cũng như bảo đảm tính an toàn trong quá trình sử dụng với mức giá theo quy định là rất khó.

Thêm vào đó là việc quy định "cứng" phương thức quản lý xe ô tô tập trung đối với một số trường hợp (cơ quan bộ, cơ quan tổng cục, các văn phòng cấp huyện) chưa bảo đảm tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan có chức danh được sử dụng xe ô tô…

Lãnh đạo cấp huyện được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung

Để giải quyết những vướng mắc, bất cập, dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, căn cứ danh mục, chức vụ quy định tại Kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục duy trì cách phân chia các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thành 4 nhóm như quy định hiện hành.

Dự thảo nghị định cũng làm rõ khái niệm xe ô tô phục vụ công tác chung, đồng thời điều chỉnh lại danh mục xe ô tô chuyên dùng theo hướng thu hẹp lại phạm vi (chỉ những xe có cấu tạo đặc biệt, gắn thiết bị chuyên dùng, gắn biển hiệu nhận biết, quá 16 chỗ ngồi, xe tải) mới được xác định là xe chuyên dùng. Chuyển xe ô tô bán tải không gắn thiết bị chuyên dùng, hoặc biển hiệu nhận biết, xe ô tô khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù sang xe ô tô phục vụ công tác chung để tối ưu hóa mục đích sử dụng, tần suất sử dụng, hiệu quả sử dụng xe ô tô công.

Quy định chức danh được sử dụng xe 

Về đối tượng được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, để phù hợp với lộ trình cải cách tiền lương và Kết luận số 35-KL/TW, dự thảo quy định cụ thể các chức danh được sử dụng xe phục vụ công tác chung (không quy định theo hệ số phụ cấp chức vụ như trước đây). Đồng thời, bổ sung các đối tượng là ủy viên ban thường vụ huyện ủy, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp huyện vào đối tượng được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung theo kiến nghị của các địa phương.

Ngoài ra, về phương thức quản lý xe ô tô, tại Nghị định số 04 quy định "cứng" phương thức quản lý xe ô tô tập trung đối với khối các cục, vụ và tương đương (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập) ở cấp bộ, cấp tổng cục và khối các văn phòng cấp huyện. Quy định này chưa đảm bảo tính linh hoạt, chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, công tác quản lý, hạch toán, thanh toán chi phí phức tạp, đặc biệt là các đơn vị có dự toán riêng, hạch toán độc lập.

Vì vậy, dự thảo nghị định vẫn duy trì 2 phương thức quản lý xe ô tô (tập trung, trực tiếp) đối với các trường hợp nêu trên và giao cho bộ trưởng, tổng cục trưởng, UBND cấp tỉnh (sau khi xin ý kiến của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và HĐND cấp tỉnh), UBND cấp huyện (sau khi có ý kiến thống nhất của ban thường vụ huyện ủy, HĐND cấp huyện) quyết định phương thức quản lý cho phù hợp với tình hình thực tế, khả năng quản lý. Riêng đơn vị sự nghiệp có định mức sử dụng xe ô tô, dự thảo nghị định quy định đơn vị trực tiếp quản lý để bảo đảm cơ chế tự chủ của đơn vị.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Lan Phương