4 yếu tố gồm:
1- Giá, nguồn cung xăng dầu thế giới biến động bất thường, biên độ giao động lớn và khó dự báo (nhất là trong giai đoạn Quý II các doanh nghiệp đã nhập với khối lượng lớn giá cao do lo ngại nguồn cung thiếu nên sang Quý III, giá giảm mạnh, các doanh nghiệp đã bị thua lỗ lớn) nên thời gian gần đây các doanh nghiệp nhập khẩu, mua trong nước số lượng cầm chừng để hạn chế thua lỗ.
2- Từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng (chi phí vận chuyển, premium… tăng) nhưng những chi phí này không được Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh tăng kịp thời trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành (theo quy định việc điều chỉnh các chi phí này phải được thực hiện từ đầu tháng 7/2022 nhưng đến giữa tháng 10 mới được điều chỉnh) gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Để hạn chế thua lỗ, các doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động kinh doanh.
3- Mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.
4- Một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến thiếu nguồn hàng cho các thương nhân phân phối và các đại lý mua hàng của các thương nhân đầu mối này, dẫn đến việc thiếu nguồn cung cục bộ tại một số địa bàn.