Theo Quyết định trên của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Hội đồng thẩm định này sẽ tiến hành thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu của ba đoàn thanh tra được Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập vào tháng 2/2022 liên quan tới việc thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại ba miền Bắc, Trung, Nam.
Ba đoàn thanh tra này được thành lập theo các Quyết định số 188/QĐ-BCT, 189/QĐ-BCT và 192/QĐ-BCT ngày 15/2/2022 của Bộ trưởng Công Thương.
Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định là nghiên cứu, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của các đoàn thanh tra nói trên, xây dựng báo cáo kết quả thẩm định và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Công Thương về báo cáo kết quả thẩm định.
Báo cáo kết quả thẩm định sẽ là một trong những tài liệu để Bộ trưởng Bộ Công Thương tham khảo trước khi ký ban hành Kết luận thanh tra.
Nội dung thẩm định sẽ bao gồm kết luận những nội dung đã tiến hành thanh tra như xác định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, trên cơ sở kết quả các đoàn thanh tra đã kiểm tra, xác minh.
Thời hạn thẩm định trong vòng 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng thẩm định nhận được đủ dự thảo kết quả thanh tra và tài liệu có liên quan được các trưởng đoàn thanh tra bàn giao.
Theo Quyết định 2091, các đoàn thanh tra có trách nhiệm bàn giao đầy đủ dự thảo kết luận thanh tra và tài liệu có liên quan phục vụ việc thẩm định.
Việc lập Hội đồng thẩm định kết quả thanh tra xăng dầu là đúng quy trình thủ tục thanh tra
Lý giải về nội dung này trên báo Công Thương, ông Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương cho biết, việc lập Hội đồng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra nêu trên là hoàn toàn đúng theo tinh thần Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn Thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.
Cùng đó Thông tư 06 tiếp tục quy định rõ hơn nhiều nội dung nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng của kết luận tranh tra trong đó có các quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Thông tư 06 giải thích rõ: “Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là việc xem xét, đánh giá để đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra do người có chuyên môn về lĩnh vực có liên quan đến nội dung thanh tra thực hiện khi được người ra quyết định thanh tra giao”.
Thông tư 06 cũng quy định riêng 4 điều về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra bao gồm các nội dung: Thẩm định và tham khảo ý kiến (điều 42), tài liệu phục vụ việc thẩm định (điều 43), tiến hành thẩm định (điều 44), xử lý kết quả thẩm định (điều 45).