Nhân dịp Tết đến, xuân về, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã dành cho Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi sâu về công tác đối ngoại quốc phòng của Việt Nam trong năm qua.
Hoạt động đối ngoại quốc phòng trở lại với tần xuất, mức độ cao
Xin Thứ trưởng đánh giá những kết quả nổi bật của công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam trong thời gian qua?
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo được dấu ấn mới, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; góp phần cùng toàn quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, của Quân đội trên trường quốc tế.
Một số kết quả nổi bật là: Đã làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước đối sách xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, nhất là các tình huống diễn ra trong thời điểm nhạy cảm, phức tạp, không để bị động, bất ngờ; tham mưu về mức độ, nội dung quan hệ hợp tác quốc phòng với các đối tác quốc tế, đảm bảo cân bằng các mối quan hệ, trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, cùng có lợi và tuân thủ luật pháp quốc tế. Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ song phương thiết thực, hiệu quả với Bộ Quốc phòng các nước, nhất là các đối tác quan trọng, với nhiều hình thức đa dạng và phong phú để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Sau 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, các hoạt động đối ngoại đa phương được tổ chức trở lại với tần xuất, mức độ nhiều hơn. Công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia và đề xuất sáng kiến tại các diễn đàn hợp tác quốc phòng đa phương khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 16, Hội nghị Hẹp Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 9…
Triển khai hiệu quả các hoạt động trong năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, đoàn kết Việt Nam-Campuchia 2022 và đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện đa phương lớn như Hội nghị Tư lệnh Lục quân ASEAN lần thứ 23, Giải bắn súng quân dụng Lục quân ASEAN lần thứ 30, cuộc thi "Vùng tai nạn" trong khuôn khổ Hội thao quân sự quốc tế Army Game 2022, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, Chương trình Giao lưu "Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn" lần thứ nhất... được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Đã làm tốt công tác chuẩn bị và đưa Đội Công binh số 1, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu chung của Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh hợp tác đối ngoại quốc phòng đa phương, Việt Nam cũng thực hiện thành công các hoạt động đối ngoại quốc phòng song phương. Trong năm 2022, đối ngoại quốc phòng song phương đã có những hoạt động quan trọng nào? Những dấu ấn nổi bật cho hoạt động này là gì?
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Hoạt động đối ngoại quốc phòng song phương năm 2022 có nhiều hoạt động rất quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần củng cố tin cậy chính trị với các đối tác và ghi dấu ấn nổi bật.
Đó là: Thúc đẩy triển khai nhiều hoạt động đối ngoại song phương theo phương châm đảm bảo cân bằng các mối quan hệ với các đối tác, trên nguyên tắc cơ bản Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ song phương với Bộ Quốc phòng các nước, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm đạt các mục tiêu đề ra. Trong năm 2022, đã có 8 Bộ trưởng Quốc phòng các nước thăm chính thức, thăm làm việc tại Việt Nam: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Australia, Lào, Indonesia, Cộng hòa Séc, Mông Cổ thăm chính thức; Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sang giao lưu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia thăm chính thức, làm việc.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm chính thức Lào; tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm chính thức Trung Quốc, Singapore; tham dự các hội nghị đa phương như: Đối thoại Shangri-La tại Singapore; các Hội nghị ADMM, ADMM+ tại Campuchia.
Quân đội cũng duy trì tốt các cơ chế hợp tác đã thiết lập với các nước như: Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng với 6 nước, giao lưu Hữu nghị Quốc phòng biên giới, các cơ chế hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, tham vấn sỹ quan tham mưu các cấp, hợp tác đào tạo, hợp tác quân, binh chủng, đối ngoại biên giới, khắc phục hậu quả chiến tranh, cứu hộ - cứu nạn, nghiên cứu chiến lược, công nghiệp quốc phòng, quân y.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 rất thành công
Một điểm nhấn trong đối ngoại quốc phòng của Việt Nam năm 2022 là việc Bộ Quốc phòng đã tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Thứ trưởng đánh giá về sự kiện này như thế nào và chúng ta đã phải chuẩn bị như thế nào để tổ chức thành công sự kiện?
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Bộ Quốc phòng tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 với mục đích: Tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và lĩnh vực công nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam và các quốc gia tham dự; quảng bá, tuyên truyền về năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do Việt Nam sản xuất tới bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước; đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài để sản xuất vũ khí, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang và tìm hiểu xu hướng phát triển của công nghiệp quốc phòng trên thế giới; tích lũy kinh nghiệm, hướng tới việc tổ chức triển lãm thành một sự kiện định kỳ, có uy tín trong khu vực và trên thế giới.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 đã thành công rất tốt đẹp, ghi dấu ấn mới trong hoạt động đối ngoại quốc phòng năm 2022, được đồng chí Tổng Bí thư, Bí thư Quân uỷ Trung ương Nguyễn Phú Trọng đánh giá, ghi nhận tại Hội nghị Quân chính toàn quân.
Lần đầu tiên, Bộ Quốc phòng Việt Nam đăng cai tổ chức Triển lãm quy mô, tầm cỡ như vậy tại Việt Nam, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đã rất thành công.
Triển lãm đã đón 52 đoàn khách quốc tế do lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân đội 30 nước, cùng hơn 170 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của các quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham gia; đã đón hơn 60.000 nhân dân, gần 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tới tham quan.
Về công tác chuẩn bị triển lãm quốc phòng quốc tế năm 2022 đã được bắt đầu sớm.
Từ năm 2020, Bộ Quốc phòng đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2020 đã không diễn ra như dự kiến.
Đầu năm 2022, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo công tác chuẩn bị, báo cáo Chính phủ cho phép; Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Tổ chức, kiện toàn các tiểu ban (Tiểu ban nội dung, Tiểu ban điều hành - an ninh, tiểu ban Lễ tân, Tuyên truyền) để triển khai thực hiện các nội dung công việc chính: xây dựng cơ sở hạ tầng, mời các đối tác tham gia trưng bày và mời khách quốc tế tham dự Triển lãm; đảm bảo an ninh - an toàn; công tác Lễ tân, bảo đảm; công tác thông tin tuyên truyền; trưng bày vũ khí trang bị; huy động hỗ trợ Triển lãm và nhiều hoạt động cụ thể khác.
Ban Tổ chức Triển lãm đã tham dự 8 triển lãm quốc phòng quốc tế trên thế giới để học tập, tích lũy, trao đổi kinh nghiệm tổ chức.
Tổ chức phổ biến quán triệt sâu sắc ý nghĩa, mục đích; chủ động phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện kế hoạch triển lãm.
Nhất quán và kiên định thực hiện nguyên tắc "bốn không"
Đường lối đối ngoại quốc phòng của Việt Nam giai đoạn hiện nay vẫn kiên định nguyên tắc "bốn không". Chính sách này giúp bảo đảm hòa bình trong khu vực như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Chúng ta đã biết, chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.
Do đó, đối ngoại quốc phòng của Việt Nam luôn nhất quán và kiên định thực hiện nguyên tắc "bốn không", đó là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việc Việt Nam kiên định thực hiện nguyên tắc "bốn không" trong đối ngoại quốc phòng thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong duy trì và giữ gìn môi trường hòa bình; đồng thời là đóng góp tích cực của Việt Nam vào hòa bình, ổn định chung của khu vực và trên thế giới, được các nước trong khu vực tin tưởng, đánh giá cao; qua đó đã khẳng định được vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam nói chung, của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.
Năm 2023 được dự báo là năm tình hình thế giới, khu vực sẽ có nhiều biến động khó lường. Vậy, công tác đối ngoại quốc phòng sẽ được triển khai thực hiện như thế nào?
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong bối cảnh tình tình thế giới khu vực dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định; có những vấn đề, sự việc xảy ra ngoài dự báo. Các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh quyết liệt. Xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là xung đột quân sự Nga - Ukraine còn tiếp tục diễn ra gay gắt, tác động nhiều mặt đến các quốc gia…
Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nắm chắc diễn biến tình hình thế giới, khu vực; kịp thời tham mưu triển khai các hoạt động đối ngoại quốc phòng nhất quán, đúng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Đảng; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.
Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo phương châm "tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả"; đẩy mạnh công tác đối ngoại biên giới, nâng cao hiệu quả các cơ chế, hình thức giao lưu các cấp, hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới, đảm bảo đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị và phát triển; mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác; đồng thời phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ban, bộ, ngành, địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để phục vụ tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tiếp tục triển khai kế hoạch trao đổi đoàn bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả; tích cực tham gia đầy đủ các cấu trúc, diễn đàn an ninh khu vực và quốc tế, nhất là cơ chế hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN; chủ động đưa ra sáng kiến, thể hiện vai trò dẫn dắt ở một số lĩnh vực ta có thế mạnh; tiếp tục bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại quốc phòng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về quốc phòng trong thời gian tới.
Triển khai xây dựng kế hoạch hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo khi được Bộ Chính trị thông qua Đề án và ban hành Nghị quyết.
Xin Thứ trưởng cho biết, hoạt động đối ngoại quốc phòng của Việt Nam đã đóng góp thế nào vào hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới?
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Hiện nay quan hệ đối ngoại quốc phòng của Việt Nam đã được rộng mở và được triển khai theo hướng "tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả", Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với gần 100 quốc gia, đặc biệt có quan hệ quốc phòng với tất cả 5 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tất cả các nước lớn trên nhiều lĩnh vực với cơ chế hợp tác thực chất, hiệu quả cao…
Thông qua quan hệ hợp tác quốc phòng chúng ta đã xử lý hài hòa, cân bằng quan hệ với các nước, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước, tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong cùng tồn tại hòa bình, giảm thiểu nguy cơ xung đột. Bên cạnh thúc đẩy quan hệ song phương với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước ASEAN và bạn bè truyền thống; chúng ta đồng thời mở rộng quan hệ với các nước có tiềm năng; Việt Nam chủ động tham gia đề xuất sáng kiến tại các diễn đàn hợp tác quốc phòng đa phương khu vực và quốc tế, nhất là các hội nghị cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN, Đối thoại Shangri-La, Hội nghị an ninh quốc tế Moscow, Diễn đàn Hương Sơn - Bắc Kinh, Đối thoại Quốc phòng Seoul… tại đây ta đã đưa ra những đóng góp có giá trị, góp phần thúc đẩy các sáng kiến nhằm duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã cử hơn 500 lượt cán bộ, nhân viên với 4 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 đến phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và trụ sở Liên Hợp Quốc, đưa Đội Công binh đầu tiên đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữu hòa bình Liên Hợp Quốc tại Abey (UNISFA).
Những nỗ lực kể trên chính là cách Việt Nam thể hiện cam kết trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế cao cả, mong muốn đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng, hợp tác phát triển chung của khu vực và trên thế giới.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Phương Liên (thực hiện)