Dự thảo nêu rõ, giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội là hoạt động giám định trong các lĩnh vực: Lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội.
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp: 1- Có sức khoẻ, phẩm chất đạo đức tốt; 2- Có trình độ đại học trở lên; 3- Có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực lao động, người có công và xã hội từ đủ 5 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động, phù hợp với lĩnh vực mà người đó được bổ nhiệm.
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn trên có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.
Trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp
Theo dự thảo, thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp gửi Vụ Pháp chế.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, lựa chọn và trình Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Trường hợp chưa đủ điều kiện trình bổ nhiệm, Vụ Pháp chế thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, đơn vị đề nghị được biết.
Người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp được cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Trên cơ sở quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp, Vụ Pháp chế lập danh sách giám định viên tư pháp gửi Trung tâm Công nghệ thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp vào danh sách chung theo quy định.
Trung tâm thông tin có trách nhiệm đăng tải danh sách nêu trên trong vòng 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách.
Bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp tại địa phương
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn, tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương; đăng tải danh sách giám định viên tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình đầy đủ, hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp. Trường hợp từ chối thì phải thông báo cho đơn vị đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.