Cải cách tiền lương theo hướng tiệm cận nhau giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước
Trả lời đại biểu về giải pháp nào đột phá và các giải pháp để bảo đảm đồng bộ trong triển khai cải cách tiền lương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tiền lương là nguồn tái tạo sức lao động và cũng là động lực cho cán bộ công chức tham gia cống hiến, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng cho biết, Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách tiền lương, nhưng chưa thực hiện được do nguồn lực khó khăn, đại dịch COVID-19, các tác động từ tình hình trong và ngoài nước.
Đến nay, chúng ta đã cố gắng tăng thu, giảm chi, tiết kiệm được khoảng 560 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026.
Thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện vị trí làm, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, đồng thời thực hiện các giải pháp liên quan đến việc tiết kiệm chi để bảo đảm nguồn lực ngân sách thực hiện chi trả tiền lương cho cán bộ, công chức.
Cùng với đó, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách, cải cách chính sách tiền lương khu vực ngoài nhà nước theo hướng tiệm cận nhau giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Đồng thời, Chính phủ cũng tiến hành công tác tuyên truyền và nhiều nhiệm vụ khác liên quan đến công tác này.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực; tăng cường kiểm tra, giám sát
Trả lời đại biểu về việc đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, Thủ tướng cho biết, Đảng đã có chủ trương rất rõ về tăng cường phân cấp, phân quyền để phân định rõ hơn trách nhiệm các cấp, phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo của các cấp (gồm chính quyền Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các các cơ quan khác). Việc phân cấp, phân quyền là rất quan trọng.
Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền và tổ chức thực thi chưa đáp ứng yêu cầu, mong muốn của cử tri và nhân dân. Nguyên nhân là chưa thực hiện triệt để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Một số cơ quan Trung ương, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong quá trình xây dựng quy định của pháp luật. Năng lực cán bộ còn có những hạn chế, nhất là trước những việc lớn, việc mới. Việc đáp ứng yêu cầu của người dân liên quan nhiều cấp, nhiều ngành.
Giải pháp là phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo để phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cấp dưới, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để các cấp phải tiếp tục mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.
Bảo đảm lợi ích tinh thần và vật chất phù hợp cho cán bộ, công chức để làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao
Trả lời đại biểu về vấn đề cải cách thể chế, theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước đã xác định 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực và việc lựa chọn các ưu tiên cần hài hòa, hợp lý, phù hợp từng giai đoạn theo chủ trương của Đảng.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) tranh luận liên quan tới việc đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính gây phiền hà, tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, thủ tục hành chính rườm rà là một nguyên nhân gây tăng chi phí tuân chủ cho doanh nghiệp, cùng với đó là thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Do đó, cùng với tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, cần bảo đảm lợi ích tinh thần và vật chất phù hợp cho cán bộ, công chức để làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tiếp tục rà soát lại các thủ tục để cắt giảm, đơn giản hóa, đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục vào cuộc, đặc biệt là lãnh đạo các cấp ủy huy động hệ thống chính trị vào cuộc để thúc đẩy, giám sát và động viên, xác định nhiệm vụ cơ bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Theo Thủ tướng, căn cơ vẫn là các giải pháp liên quan tới tăng cường ý thức, trách nhiệm, năng lực cán bộ và chế tài xử lý các vi phạm.
Chúng ta đã có các chủ trương, đường lối của Đảng, cần cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và các cán bộ, công chức, thực hiện nhiệm vụ theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật./.