THI HÀNH PHÁP LUẬT NGHIÊM MINH, QUỐC GIA VỮNG MẠNH

27/05/2025 06:52

(Chinhphu.vn) - Thi hành pháp luật là quá trình hiện thực hóa pháp luật trong đời sống xã hội. Dù hệ thống luật pháp có được xây dựng tốt đến đâu, nếu khâu thi hành yếu kém thì pháp luật vẫn chỉ là những quy định nằm trên giấy.

THI HÀNH PHÁP LUẬT NGHIÊM MINH, QUỐC GIA VỮNG MẠNH- Ảnh 1.

Luật pháp chỉ có sức sống khi được thi hành trong đời sống xã hội một cách đều đặn, công bằng và có ý nghĩa, được áp dụng cho tất cả mọi người.

Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thi hành pháp luật phải trở thành một trọng tâm của cải cách. Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định rõ yêu cầu "đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật".

Đây không chỉ là một định hướng kỹ thuật, mà là một yêu cầu chiến lược đối với thể chế. Và nếu xây dựng pháp luật là nội dung thứ nhất, thì nội dung thứ hai là thực thi pháp luật cũng quan trọng không kém trong đột phá chiến lược về thể chế - "đột phá của đột phá" nhưng cũng đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn".

Làm rõ khung khái niệm: Bước đi đầu tiên của đổi mới

Thi hành pháp luật là quá trình đưa các quy phạm pháp luật đã được ban hành vào cuộc sống thông qua hành vi thực tế của các chủ thể trong xã hội. Để phân tích chính xác và cải cách hiệu quả, cần phân biệt rõ bốn hình thức cấu thành nên hoạt động thi hành pháp luật, bao gồm:

1. Tuân thủ pháp luật – là việc không thực hiện những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm (mang tính thụ động);

2. Chấp hành pháp luật – là việc chủ động thực hiện đúng các nghĩa vụ pháp lý mà pháp luật quy định phải làm (mang tính chủ động);

3. Sử dụng pháp luật – là việc thực hiện các quyền hợp pháp mà pháp luật cho phép làm hoặc không làm (mang tính lựa chọn);

4. Áp dụng pháp luật là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sử dụng quyền lực công để ban hành quyết định pháp lý cụ thể (mang tính quyền lực nhà nước).

Việc phân biệt rõ ràng các hình thức này không chỉ có giá trị học thuật, mà còn giúp xác định chính xác trách nhiệm của từng chủ thể, từ người dân, doanh nghiệp đến các cơ quan công quyền. Điều này cũng giúp các chính sách cải cách đi vào thực chất, đúng nơi, đúng việc – tránh sự mơ hồ, chồng chéo vốn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều chủ trương cải cách không đạt được hiệu quả như mong đợi.

Gắn liền với các hoạt động trên là khái niệm chi phí tuân thủ – một khái niệm hiện nay cần được hiểu một cách rộng và chính xác hơn. Dù tên gọi là "chi phí tuân thủ", nhưng thực chất, đây là toàn bộ chi phí mà cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải bỏ ra để thi hành pháp luật nói chung – không chỉ là chi phí để tránh vi phạm, mà còn bao gồm: chi phí để thực hiện nghĩa vụ pháp lý (ví dụ: kê khai thuế, lắp thiết bị bảo vệ môi trường); chi phí để thực hiện quyền pháp lý (ví dụ: xin giấy phép kinh doanh, khởi kiện hành chính); chi phí để hiểu và xử lý sự không rõ ràng, chồng chéo của quy định pháp luật và chi phí phát sinh từ thủ tục hành chính phức tạp, thiếu minh bạch.

Hiểu như vậy, chi phí tuân thủ không chỉ là thước đo về mức độ "nặng nhẹ" của quy định pháp luật, mà còn là chỉ báo phản ánh chất lượng của cả hệ thống thi hành pháp luật – từ năng lực xây dựng luật, tổ chức thực hiện, đến hiệu quả của bộ máy công quyền. Một hệ thống pháp luật hiệu lực cao là hệ thống giảm chi phí tuân thủ ở mọi khâu, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện pháp luật một cách thuận tiện, minh bạch và tin cậy.

THI HÀNH PHÁP LUẬT NGHIÊM MINH, QUỐC GIA VỮNG MẠNH- Ảnh 2.

hệ thống pháp luật hiện hành đã mở rộng rất nhiều quyền cho công dân và doanh nghiệp

Những vấn đề đang đặt ra trong thi hành pháp luật hiện nay ở nước ta

1. Tuân thủ pháp luật: Khi "nhờn luật" trở thành…thói quen xã hội

Tuân thủ pháp luật là hình thức cơ bản nhất – khi người dân, doanh nghiệp không làm những điều pháp luật cấm. Tuy nhiên, đây cũng là hình thức cho thấy rõ nhất tình trạng "nhờn luật" hiện nay.

Vi phạm pháp luật xảy ra phổ biến trong nhiều lĩnh vực: giao thông, môi trường, xây dựng, trật tự đô thị, đất đai... Ở đô thị, việc lấn chiếm vỉa hè, xây dựng sai phép không còn là cá biệt; ở nông thôn, khai thác cát trái phép, xả thải không kiểm soát diễn ra trước mắt chính quyền địa phương mà nhiều trường hợp không bị xử lý dứt điểm. Theo Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng), chỉ riêng năm 2023, cả nước đã ghi nhận hơn 2,3 triệu trường hợp vi phạm giao thông bị xử phạt – một con số phản ánh mức độ phổ biến của hành vi không tuân thủ pháp luật ở cấp độ đơn giản nhất.

Điều đáng lưu ý là: mức xử phạt ở nhiều lĩnh vực đã rất cao, thậm chí vượt mức trung bình của nhiều nước phát triển. Nhưng vi phạm vẫn diễn ra tràn lan. Điều này cho thấy tính răn đe không hẳn phụ thuộc vào sự hà khắc của chế tài, mà nằm ở khả năng phát hiện và xử lý kịp thời, nhất quán. Người dân tuân thủ không chỉ vì mức phạt cao, chủ yếu vì họ tin rằng "nếu tôi vi phạm, tôi sẽ bị xử lý và không có ngoại lệ". Ở đây, điều đáng lo không phải chỉ là sự buông lỏng thực thi, mà là sự suy giảm niềm tin vào công bằng và tất yếu của pháp luật – vốn là nền tảng của một xã hội pháp quyền.

2. Chấp hành pháp luật: Nghĩa vụ pháp lý bị buông lơi trong thực tế

Chấp hành pháp luật là khi cá nhân, tổ chức thực hiện các nghĩa vụ pháp lý mà pháp luật quy định phải làm – từ kê khai thuế, đăng ký cư trú, bảo vệ môi trường cho đến thi hành quyết định của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay không ít quy định được ban hành nhưng không được thực hiện hoặc thực hiện một cách hình thức.

Một nguyên nhân phổ biến là quy định thiếu khả thi, không phù hợp với thực tiễn địa phương hoặc đối tượng áp dụng. Nhưng quan trọng hơn, là việc thiếu cơ chế buộc thực hiện đi kèm trách nhiệm rõ ràng. Ví dụ, nhiều chính sách xã hội, chương trình cải cách hành chính hoặc kế hoạch chuyển đổi số cấp xã vẫn "treo" trên giấy, vì cán bộ không thực hiện hoặc không bị truy cứu trách nhiệm nếu không thực hiện.

Ngoài ra, việc phân tán trách nhiệm giữa các cơ quan, không xác định rõ ai chịu trách nhiệm chính không ít chương trình cải cách, kế hoạch hành động, quy định triển khai dẫn đến bị trì trệ hoặc rơi vào hình thức vì thiếu người chịu trách nhiệm cụ thể. Đây là biểu hiện của sự xuống cấp trong kỷ luật hành chính – pháp lý, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước và làm yếu đi năng lực thi hành pháp luật của hệ thống chính trị.

3. Sử dụng pháp luật: Có quyền mà không dễ thực hiện quyền

Sử dụng pháp luật là khi cá nhân, tổ chức chủ động thực hiện quyền hợp pháp mà pháp luật cho phép – như quyền kinh doanh, khiếu nại, tố cáo, tiếp cận thông tin...

Trên lý thuyết, hệ thống pháp luật hiện hành đã mở rộng rất nhiều quyền cho công dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện quyền lại gặp nhiều rào cản về thủ tục, thái độ hành chính và năng lực tiếp cận pháp lý của người dân.

Báo cáo của VCCI năm 2022 cho thấy: 59% doanh nghiệp phải "lót tay" để được cấp phép hoặc thực hiện thủ tục hành chính, dù về nguyên tắc họ có quyền hợp pháp. Ở chiều ngược lại, không ít người dân ngại va chạm với chính quyền, thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc không tin vào hiệu quả của cơ chế bảo vệ quyền – dẫn tới tâm lý tự giới hạn quyền của mình, hoặc từ bỏ quyền trong im lặng.

Hiện tượng "có quyền mà không thực hiện được quyền" là một hình thức mất quyền âm thầm nhưng nghiêm trọng, vì nó bào mòn vai trò bảo vệ của pháp luật và cản trở năng lực tự chủ của xã hội.

4. Áp dụng pháp luật: Khâu quyền lực nhất, nhưng cũng cần cải tiến nhất

Áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính quyền lực công – khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các quyết định pháp lý cụ thể như xử phạt vi phạm, cấp phép, giải quyết khiếu nại, xét xử...

Đây là khâu thể hiện rõ nhất quyền lực Nhà nước, nhưng cũng là nơi phát sinh nhiều nguy cơ lạm quyền, tùy tiện và bất công nếu không được kiểm soát tốt. Thực tế cho thấy, không ít quyết định hành chính thiếu căn cứ pháp lý rõ ràng, thiếu công bằng, hoặc bị "vận dụng linh hoạt" theo hướng thiên vị lợi ích cục bộ. Một phần nguyên nhân đến từ việc kiến thức pháp lý và kỹ năng xử lý tình huống của cán bộ còn hạn chế; phần khác là do thiếu cơ chế giám sát độc lập, thiếu công cụ minh bạch hóa quá trình ra quyết định.

Ngay cả trong lĩnh vực tư pháp – vốn được xem là "cẩn trọng nhất" – tỷ lệ bản án bị hủy, bị sửa vì áp dụng sai pháp luật ở cấp sơ thẩm vẫn dao động từ 1,5–2,5% (giai đoạn 2016–2021), theo giám sát của Quốc hội. Điều đó cho thấy, năng lực áp dụng pháp luật – xét cả về con người, quy trình và thể chế – vẫn đang là điểm nghẽn lớn nhất trong chuỗi vận hành của Nhà nước pháp quyền.

THI HÀNH PHÁP LUẬT NGHIÊM MINH, QUỐC GIA VỮNG MẠNH- Ảnh 3.

Một xã hội chỉ thật sự pháp quyền khi pháp luật được nội tâm hóa như một giá trị đạo lý – nơi người ta không chỉ tuân thủ vì sợ bị phạt, mà vì họ thấy xấu hổ nếu vi phạm, thấy tự hào nếu sống đúng luật

Giải pháp: Khôi phục hiệu lực và khẳng định phẩm giá của pháp luật

Một nền pháp luật không thể hiện diện thực chất nếu chỉ được thiết kế tốt trên giấy. Luật pháp chỉ có sức sống khi được thi hành trong đời sống xã hội một cách đều đặn, công bằng và có ý nghĩa, được áp dụng cho tất cả mọi người. 

Bởi vậy, đổi mới và nâng cao chất lượng thi hành pháp luật không thể chỉ dừng lại ở sửa luật hay tuyên truyền, mà phải là một nỗ lực đồng bộ và hệ thống – từ cơ chế cưỡng chế đến văn hóa tuân thủ, từ kỹ năng công vụ đến niềm tin cộng đồng. Trên cơ sở bốn hình thức cấu thành của thi hành pháp luật – tuân thủ, chấp hành, sử dụng và áp dụng pháp luật – có thể xác lập năm nhóm giải pháp then chốt như sau:

Trước hết, về tuân thủ pháp luật, vấn đề không nằm ở mức độ hà khắc của chế tài, mà là ở hiệu lực thực thi. Khi người dân thấy rằng vi phạm không bị xử lý hoặc chỉ bị xử lý chọn lọc, họ sẽ mặc nhiên coi pháp luật là "có thì tốt, không có cũng chẳng sao". Do đó, cần khôi phục tính tất yếu và công bằng trong thực thi pháp luật. 

Điều này đòi hỏi phải nâng cao năng lực phát hiện và xử lý vi phạm ngay từ cấp cơ sở, phát huy cơ chế giám sát cộng đồng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ như camera giao thông, hệ thống cảnh báo vi phạm hành chính. 

Quan trọng hơn, các quyết định xử lý phải được thực hiện minh bạch, không có ngoại lệ – để khẳng định một thông điệp rõ ràng: vi phạm pháp luật là hành vi bị xã hội bác bỏ, chứ không phải sự "linh hoạt có thể thương lượng".

Thứ hai, về chấp hành pháp luật, cần xây dựng lại kỷ luật công vụ và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ pháp lý trong hệ thống hành chính. Cần xác lập rõ nhiệm vụ pháp lý của từng đơn vị, từng cán bộ, gắn với cơ chế đánh giá định lượng và công khai kết quả. 

Việc kiểm tra, thanh tra không chỉ tập trung vào sai phạm, mà phải bao trùm cả nghĩa vụ bị buông lơi. Khen thưởng những đơn vị thực hiện đúng, xử lý nghiêm những nơi phớt lờ pháp luật – đó là cách để chấn hưng kỷ cương và phục hồi hiệu lực tổ chức thi hành luật.

Song song với việc củng cố kỷ luật công vụ, cũng cần chú trọng nâng cao ý thức và năng lực chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp. Nhiều nghĩa vụ pháp lý tưởng như hiển nhiên – như khai thuế, đăng ký tạm trú, bảo vệ môi trường, thực hiện quy định phòng cháy chữa cháy… – vẫn bị xem nhẹ hoặc cố tình né tránh, đặc biệt ở khu vực phi chính thức. Nguyên nhân không hẳn vì thiếu thiện chí, mà đôi khi vì thiếu hiểu biết, thiếu hướng dẫn cụ thể, hoặc do thủ tục rườm rà, thiếu thân thiện.

Để cải thiện tình trạng này, cần: Chuẩn hóa và đơn giản hóa các nghĩa vụ pháp lý đối với công dân và doanh nghiệp, trình bày rõ ràng trên cổng dịch vụ công, tích hợp vào các ứng dụng số; tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể – thông qua các trung tâm tư vấn, hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội; thực hiện "giáo dục nghĩa vụ pháp luật" từ nhà trường đến cộng đồng, để người dân hiểu không chỉ quyền của mình, mà còn trách nhiệm phải thực hiện trong tư cách là công dân pháp quyền; xây dựng cơ chế nhắc việc, cảnh báo và hỗ trợ tuân thủ nghĩa vụ pháp lý thay vì chỉ áp dụng xử phạt sau khi vi phạm đã xảy ra.

Chấp hành pháp luật không thể chỉ dựa vào cưỡng chế, mà phải được kiến tạo như một hành vi văn minh và chủ động – trong đó Nhà nước hỗ trợ, người dân hiểu biết, doanh nghiệp hợp tác và cả xã hội cùng nâng chuẩn pháp lý.

THI HÀNH PHÁP LUẬT NGHIÊM MINH, QUỐC GIA VỮNG MẠNH- Ảnh 4.

Cần chuẩn hóa và đơn giản hóa các nghĩa vụ pháp lý đối với công dân và doanh nghiệp, trình bày rõ ràng trên cổng dịch vụ công, tích hợp vào các ứng dụng số

Thứ ba, về sử dụng pháp luật, pháp luật chỉ thực sự có ý nghĩa khi người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện quyền của mình một cách thuận tiện, an toàn và được bảo vệ nếu bị xâm hại. 

Thủ tục hành chính cần được cải cách theo hướng lấy quyền của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm – nghĩa là cơ quan công quyền không phải "ban phát sự cho phép" mà có nghĩa vụ bảo đảm cho quyền đã được xác lập. 

Đồng thời, phải mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức gần gũi, sinh động hơn. Quan trọng không kém là củng cố niềm tin vào cơ chế bảo vệ quyền – khi người dân tin rằng nếu quyền lợi bị xâm hại, họ có thể lên tiếng và sẽ được pháp luật bảo vệ công bằng, hiệu quả.

Thứ tư, về áp dụng pháp luật, đây là khâu thể hiện quyền lực nhà nước một cách trực tiếp và cụ thể nhất – cũng là nơi dễ gây tổn thương nhất nếu bị sai lệch. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật phải là trung tâm của mọi cải cách. 

Trước hết, cần chuẩn hóa và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ áp dụng pháp luật – từ cán bộ giải quyết thủ tục, công an, thanh tra đến thẩm phán… thông qua đào tạo thực tế, huấn luyện kỹ năng xử lý tình huống và bồi dưỡng đạo đức công vụ. 

Bên cạnh đó, quy trình áp dụng pháp luật cần được minh bạch hóa, có thể truy vết và hạn chế tối đa sự tùy tiện. Tăng cường cơ chế giám sát chéo, giám sát của xã hội, Quốc hội, Mặt trận và báo chí là điều kiện để quyền lực công được kiểm soát. 

Cuối cùng, có thể thí điểm bộ chỉ số đánh giá chất lượng áp dụng pháp luật (Legal Implementation Index) ở cấp địa phương, nhằm làm rõ năng lực thực thi của từng ngành, từng cán bộ – từ đó có cơ sở khách quan để điều chỉnh chính sách và nhân sự.

Và sau cùng – nhưng có lẽ là điều nền tảng nhất – là nhóm giải pháp về chiều sâu văn hóa. Pháp luật không thể bền vững nếu chỉ dựa vào cưỡng chế và hình phạt. 

Một xã hội chỉ thật sự pháp quyền khi pháp luật được nội tâm hóa như một giá trị đạo lý – nơi người ta không chỉ tuân thủ vì sợ bị phạt, mà vì họ thấy xấu hổ nếu vi phạm, thấy tự hào nếu sống đúng luật. 

Để làm được điều đó, cần kiến tạo một nền văn hóa pháp quyền – nơi pháp luật được truyền thông như một lối sống, được kể lại qua điện ảnh, nghệ thuật, mạng xã hội, chứ không chỉ qua nghị quyết hay hội nghị. 

Hình mẫu công dân pháp quyền – người hiểu luật, làm đúng luật, biết bảo vệ cái đúng và không thỏa hiệp với cái sai – cần được giáo dục từ sớm, lan tỏa qua truyền thông và tôn vinh trong cộng đồng. 

Trong các cơ quan công quyền, trường học, doanh nghiệp, cần hình thành văn hóa "nói không với vi phạm", bảo vệ người làm đúng và tạo áp lực đạo đức lên hành vi sai trái. 

Khi người dân bắt đầu cảm thấy rằng sống đúng luật là biểu hiện của nhân cách, thì thi hành pháp luật mới có nền tảng văn hóa để phát triển bền vững.

Tóm lại, đổi mới công tác thi hành pháp luật không thể là một mảnh ghép riêng lẻ trong hệ thống quản trị quốc gia, mà phải là một cuộc cải cách toàn diện – từ chế tài đến tổ chức, từ con người đến văn hóa. Đó là cuộc cải cách để khôi phục hiệu lực của luật pháp, nâng cao phẩm giá công vụ, và nuôi dưỡng lòng tin xã hội vào sự công bằng và chính nghĩa. Khi người dân tuân thủ pháp luật vì tin tưởng, chấp hành pháp luật vì có trách nhiệm, sử dụng pháp luật vì được bảo vệ và chứng kiến quyền lực được áp dụng công minh – thì khi đó, pháp luật không còn là công cụ – mà trở thành biểu tượng của một quốc gia văn minh, tự trọng và đáng tin cậy.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Định hướng sắp xếp cơ sở y tế, giáo dục và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện

Định hướng sắp xếp cơ sở y tế, giáo dục và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Công văn số 03/CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã định hướng đối với đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có y tế, giáo dục).

LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Theo quy định của Bộ GDĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức vào các ngày 25, 26, 27, 28/6.

Thủ tướng: Chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính

Thủ tướng: Chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính

Phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp dân tộc

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính và các hoạt động khác liên quan đến cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; xử lý ngay các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc phải trả chi phí không chính thức cho cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức.

Đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; không cho phép cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công

Đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; không cho phép cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công

Tham vấn chính sách

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy mô dân số và diện tích; không cho phép cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công.

Đề xuất hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố

Đề xuất hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Quốc hội đề xuất Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được hưởng chế độ bằng 2 lần mức trợ cấp theo quy định.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi