CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Thêm 775 ca mắc COVID-19; 10 bệnh nhân đang thở oxy

09:20 - 16/04/2023

(Chinhphu.vn) - Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 15/4 của Bộ Y tế cho biết có 775 ca mắc COVID-19, đây là ngày thứ 2 từ đầu năm đến nay ca mắc mới tăng cao. Trong ngày có 22 bệnh nhân khỏi bệnh và còn 10 trường hợp đang thở oxy.

Thêm 775 ca COVID-19 mới; 10 bệnh nhân đang thở oxy - Ảnh 1.

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua.

Tình hình dịch COVID-19

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.530.356 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.523 ca nhiễm).

Về số bệnh nhân khỏi, Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 22 ca; tổng số ca được điều trị khỏi là 10.615.343 ca.

Hiện số bệnh nhân đang thở ô xy là 10 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ là 8 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 2 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Tình hình tiêm vaccine COVID-19

Trong ngày 14/4 có 3.155 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.073.228 liều.

Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.487.396 liều: Mũi 1 là 70.907.524 liều; Mũi 2 là 68.450.002 liều; Mũi bổ sung là 14.370.087 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.031.380 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.728.403 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.964.983 liều: Mũi 1 là 9.130.472 liều; Mũi 2 là 9.021.223 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.620.849 liều: Mũi 1 là 10.201.977 liều; Mũi 2 là 8.418.872 liều.

Thêm 775 ca COVID-19 mới; 10 bệnh nhân đang thở oxy - Ảnh 3.

Thông điệp phòng, chống COVID-19 của Bộ Y tế

Cần tuân thủ việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều

Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng tăng từ đầu tháng 4 đến nay, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã có những nhận định về tình hình dịch và công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, việc đánh giá tình hình dịch COVID-19 sẽ dựa trên 3 yếu tố.

Thứ nhất, là virus SARS-CoV-2. Đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế.

Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng. Những nơi có tăng ca nặng là do số mắc tăng tương ứng.

Một điểm cần lưu ý là đặc tính hiệu quả của vaccine trong phòng lây nhiễm với biến thể Omicron còn hạn chế, tuy nhiên khả năng phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong thì hiệu quả.

Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá những người đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đã mắc, hầu hết đều có miễn dịch – do vaccine hoặc do mắc phải. 

"Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc phải có biểu hiện nhẹ hơn, ít hơn hoặc không có triệu chứng", GS.TS Phan Trọng Lân cho biết.

Mặc dù hiện nay tỷ lệ nặng/mắc không có sự gia tăng đáng kể, kể cả đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý, các đối tượng như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19. 

Do đó cần tuân thủ việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều theo các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế.

Thêm 775 ca mắc COVID-19 mới; 10 bệnh nhân đang thở oxy - Ảnh 4.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế một trong những nhiệm vụ hiện nay trong phòng chống dịch COVID-19 là tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao. Các địa phương cần rà soát lại tất cả các đối tượng này để tiêm phòng đủ liều, đúng lịch theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.

Số ca mắc COVID-19 chủ yếu tăng ở miền Bắc

Thứ hai, là môi trường sống, hành vi của người dân. Biến thể Omicron có đặc điểm lây lan nhanh. Hiện nay hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao. 

Cùng đó việc giao lưu đi lại sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn, thậm chí ngay trong nước cũng làm gia tăng sự giao tiếp. Những sự giao lưu này đã tạo điều kiện cho virus lây lan sang đối tượng khác.

Thời gian qua hoạt động phòng chống dịch của chúng ta đạt hiệu quả nhờ đẩy mạnh tiêm vaccine. Vì thế, người dân có tâm lý chủ quan với biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, chính điều này làm gia tăng sự lây nhiễm.

Trên thực tế, hiện nay tại nước ta số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc – nơi đang có sự giao mùa. Thống kê hiện nay là đã tăng khoảng gần 4 lần với tuần trước đó. 

Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của virus, ý thức của con người, đặc biệt là việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở khám chữa bệnh có lúc có nơi chưa đảm bảo.

Thứ ba, về biện pháp đáp ứng, vũ khí hiệu quả của Việt Nam mở sớm từ tháng 3/2022 là do chúng ta đã bao phủ vaccine phòng chống dịch COVID-19 rất sớm. 

 Với liều cơ bản, chúng ta bảo phủ gần như 100% cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên, mũi 3, 4 cũng đạt tỷ lệ cao 80-90%, việc tiêm cho trẻ từ 5 đến - dưới 12 tuổi mũi 1 cũng lên đến 90%, mũi 2 là gần 70%. 

Tuy nhiên có nơi, có chỗ tỷ lệ tiêm chưa đạt như mong muốn, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao

"Đánh giá chung tình hình thì số mắc COVID-19 trong thời gian tới có thể có sự gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang ở cấp độ dịch 1- tất cả đều màu xanh. 

Cấp độ này không chỉ đánh giá trên số mắc mà còn dựa trên ca nặng, độ bao phủ vaccine và đáp ứng đảm bảo thu dung điều trị", GS.TS Phan Trọng Lân nói.

Tập trung bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao; giảm số ca nhập viện, trở nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế Mục tiêu phòng chống COVID-19 giai đoạn tới của Việt Nam là giảm nhập viện, trở nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả phòng chống dịch. Do đó một trong những nhiệm vụ hiện nay là tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao, tiêm phòng đủ liều, đúng lịch theo các khuyến cáo của Bộ Y tế. Các địa phương cần rà soát lại tất cả các đối tượng này.

Để giảm bớt sự lây nhiễm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) + Vaccine.

Việc đeo khẩu trang trong các cơ sở khám chữa bệnh; Trên các phương tiện công cộng là yêu cầu phòng chống dịch.

Với những người có nguy cơ cao dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19 (như: người cao tuổi, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) khi đến nơi đông người, môi trường ít thông thoáng thì nên đeo khẩu trang; đồng thời phải tiêm chủng vaccine đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế.