SẮP XẾP BỘ MÁY: Đề xuất sửa đổi toàn diện quy định về Quỹ phát triển đất

28/05/2025 11:39

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi toàn diện quy định về Quỹ phát triển đất đồng bộ với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với Dự thảo Nghị định bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2024/NĐ-CP quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và Nghị định số 104/2024/NĐ-CP quy định về Quỹ phát triển đất. 

Trong đó, Dự thảo đưa ra nhiều đề xuất đáng chú ý tập trung vào cách thức quản lý nguồn vốn, việc xác định và kiểm soát các khoản chi phí hoạt động, hướng tới sự rõ ràng, thống nhất và đảm bảo nguyên tắc bảo toàn, phát triển vốn của Quỹ. 

Sửa đổi quy định về Quỹ phát triển đất đồng bộ với sắp xếp bộ máy

Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi lần này xuất phát từ yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp. 

Nhiều nội dung quy định tại hai Nghị định số 103/2024/NĐ-CP và số 104/2024/NĐ-CP cần được điều chỉnh để đảm bảo sự đồng bộ với mô hình bộ máy sau khi sắp xếp.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện các quy định hiện hành về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất và Quỹ phát triển đất tại hai Nghị định này đã bộc lộ những vấn đề thực tiễn cần được giải quyết. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã có kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung này. 

Do đó, việc ban hành Nghị định sửa đổi nhằm mục tiêu tháo gỡ các vướng mắc, hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi hơn trong quá trình thực thi.

Dự thảo tập trung sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến Quỹ phát triển đất, vốn được quy định chi tiết tại Nghị định số 104/2024/NĐ-CP.

Quỹ phát triển đất được sử dụng vốn nhàn rỗi để đầu tư sinh lời

Một điểm mới quan trọng và nhận được nhiều sự quan tâm là đề xuất cho phép Quỹ phát triển đất sử dụng vốn nhàn rỗi để đầu tư sinh lời. 

Hiện nay, nguyên tắc hoạt động của Quỹ phát triển đất là "bảo toàn và phát triển vốn", được quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định số 104/2024/NĐ-CP.

Sự thay đổi nhằm mục đích để các Quỹ có thêm nguồn thu đảm bảo hoạt động và phù hợp với nguyên tắc này. 

Đồng thời, để có sự thống nhất trong cách quản lý nguồn tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (cả "Vốn điều lệ của Quỹ" và "Ngân quỹ Nhà nước" đều từ ngân sách nhà nước).

Theo Điều 7 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP, vốn nhàn rỗi của Ngân quỹ Nhà nước được phép gửi có kỳ hạn. Dự thảo Nghị định quy định "Trong thời gian tạm thời nhàn rỗi, vốn điều lệ của Quỹ được gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước trên địa bàn".

Hoạt động gửi tiền này cần được quy định cụ thể tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất; đồng thời phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính của Quỹ.

Cách tính chi phí ứng vốn: Cố định và linh hoạt

Đáng chú ý, quy định về mức chi phí quản lý vốn ứng từ Quỹ phát triển đất cũng là một nội dung được sửa đổi. 

Theo Nghị định số 104/2024/NĐ-CP hiện hành, mức chi phí này bằng mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong cùng thời kỳ. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy cần có sự rõ ràng và thống nhất hơn.

Dự thảo đề xuất một phương pháp tính mới: "Mức chi phí quản lý vốn ứng từ Quỹ phát triển đất xác định theo mức tại thời điểm ban hành Quyết định ứng vốn lần đầu của dự án, nhiệm vụ". Quan trọng là mức chi phí này được tính trên tổng số tiền ứng vốn và được cố định trong cả quá trình ứng vốn.

Không chỉ cố định, dự thảo còn bổ sung cơ chế linh hoạt cho địa phương. Theo phản ánh từ một số địa phương, tùy vào thực tế, mức chi phí quản lý vốn ứng nên có thể thấp hơn mức quy định chung tại Nghị định, đặc biệt đối với các khoản ứng vốn để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điều này phù hợp với nguyên tắc hoạt động "không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn" của Quỹ.

Do đó, dự thảo quy định "Mức chi phí quản lý vốn ứng từ Quỹ không vượt quá mức lãi suất áp dụng đối với..." (dự thảo để ngỏ phần tham chiếu). 

Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định mức chi phí quản lý vốn ứng cho phù hợp và mức này sẽ được quy định cụ thể tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.

Cơ cấu thu chi khi Quỹ hoạt động theo mô hình ủy thác

Đối với trường hợp Quỹ phát triển đất hoạt động theo mô hình ủy thác quản lý, dự thảo cũng đưa ra những quy định chi tiết hơn về các khoản chi. 

Theo Nghị định số 104/2024/NĐ-CP hiện hành, chi phí ủy thác quản lý Quỹ được hiểu là toàn bộ các khoản thu của Quỹ. Điều này dẫn đến việc về cơ bản sẽ không phát sinh chênh lệch thu - chi từ Quỹ khi hoạt động theo mô hình ủy thác.

Nhằm làm rõ và kiểm soát chi tiêu hiệu quả hơn, dự thảo Nghị định đề xuất quy định các khoản chi cụ thể của Quỹ trong trường hợp ủy thác, bao gồm 3 nhóm chính: 

(i) Chi phí ủy thác quản lý Quỹ; 

(ii) Chi các khoản phụ cấp và các khoản chi khác cho các thành viên Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ; 

(iii) Các khoản nộp ngân sách nhà nước và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất khống chế tỷ lệ tối đa cho các khoản chi này so với các khoản thu của Quỹ. 

Cụ thể, nội dung chi (ii) dự kiến tối đa 20%, nội dung chi (iii) dự kiến tối đa 15%. Để đảm bảo nguyên tắc hoạt động của Quỹ là bảo toàn và phát triển vốn, dự thảo quy định chi phí ủy thác quản lý Quỹ không quá 50% khoản thu của Quỹ. Việc khống chế này là cần thiết bởi nếu không giới hạn chi phí ủy thác quản lý (i) thì sẽ khó phát sinh chênh lệch thu - chi, thậm chí có thể vượt thu.

Những đề xuất sửa đổi này thể hiện nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý đất đai và Quỹ phát triển đất, hướng tới mục tiêu quản lý minh bạch, hiệu quả và phù hợp hơn với thực tiễn cũng như định hướng cải cách bộ máy nhà nước. Dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi và dự kiến sẽ tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở đóng góp từ các cá nhân, tổ chức.

Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý dự thảo TẠI ĐÂY.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Định hướng sắp xếp cơ sở y tế, giáo dục và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện

Định hướng sắp xếp cơ sở y tế, giáo dục và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Công văn số 03/CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã định hướng đối với đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có y tế, giáo dục).

Thủ tướng: Chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính

Thủ tướng: Chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính

Phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp dân tộc

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính và các hoạt động khác liên quan đến cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; xử lý ngay các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc phải trả chi phí không chính thức cho cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức.

Đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; không cho phép cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công

Đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; không cho phép cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công

Tham vấn chính sách

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy mô dân số và diện tích; không cho phép cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công.

Đề xuất hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố

Đề xuất hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Quốc hội đề xuất Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được hưởng chế độ bằng 2 lần mức trợ cấp theo quy định.

TOÀN VĂN: Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

TOÀN VĂN: Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi