Quyết liệt triển khai sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất quốc phòng

07/09/2023 13:25

(Chinhphu.vn) - Ngày 7/9, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất quốc phòng theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị quyết liệt triển khai việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất quốc phòng.

Quyết liệt triển khai sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất quốc phòng - Ảnh 1.

Đại tướng Phan Văn Giang chỉ đạo quyết liệt triển khai sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất quốc phòng.

Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí: Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng dự có lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phan Văn Giang đánh giá cao Tổng cục Hậu cần đã chủ động tham mưu, báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, đồng thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai, thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý theo quy định của Chính phủ. 

Các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã chủ động tích cực rà soát, kiểm tra hiện trạng, kê khai sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý, báo cáo Bộ để lập phương án gửi xin ý kiến UBND các tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính.

Với những khó khăn, vướng mắc, như: Số lượng các điểm đất quốc phòng lớn, phân bố rải rác; nhiều điểm đất do lịch sử tiếp quản, có ranh giới không rõ ràng, hồ sơ không đầy đủ hoặc bị cấp chồng. Các đơn vị rà soát điều chỉnh, bổ sung đối với phương án tổng thể còn chậm so với thời gian quy định; UBND cấp tỉnh cho ý kiến chậm, cho ý kiến không đầy đủ hoặc không có ý kiến; khu gia đình hình thành trên đất quốc phòng không đúng trình tự, thủ tục, thiếu cơ sở pháp lý… Bộ trưởng Phan Văn Giang yêu cầu phải khẩn trương khắc phục và thực hiện quyết liệt.

Quyết liệt triển khai sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất quốc phòng - Ảnh 2.

Phấn đấu đến hết năm 2024 hoàn chỉnh phương án sắp xếp lại nhà đất quốc phòng

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lưu ý các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các Nghị định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; các chỉ thị của Bộ Quốc phòng về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất quốc phòng, chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. 

Quá trình thực hiện, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về cơ chế để đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cơ bản đồng ý với đề xuất về kế hoạch thực hiện của Tổng cục Hậu cần, phấn đấu đến hết năm 2024, hoàn chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất quốc phòng đối với những cơ sở nhà đất được Bộ Quốc phòng, địa phương và Bộ Tài chính thống nhất. 

Đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục của các cơ sở nhà, đất còn vướng mắc; năm 2025, tiếp tục thực hiện đối với những cơ sở nhà, đất còn lại.

Khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo 167 từ cấp Bộ Quốc phòng đến các quân khu, quân chủng, quân đoàn, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên trong ban chỉ đạo; xây dựng quy chế chặt chẽ. 

Ban chỉ đạo 167 Bộ Quốc phòng phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ trong thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Quyết liệt triển khai sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất quốc phòng - Ảnh 3.

Đại diện Tổng cục Hậu cần báo cáo kết quả thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất quốc phòng.

Cập nhật đầy đủ kịp thời các cơ sở nhà đất quốc phòng vào quy hoạch sử dụng đất quốc phòng

Bộ trưởng Phan Văn Giang giao Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo Cục Tác chiến hướng dẫn đơn vị, cập nhật đầy đủ kịp thời các cơ sở nhà, đất quốc phòng vào quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất quốc phòng là tài sản đặc biệt, báo cáo Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ rà soát, tổng hợp phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp Quân đội thuộc đối tượng thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, sớm báo cáo Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội làm việc với địa phương để giải quyết những khó khăn và chỉ đạo các đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đối với các cơ sở nhà, đất còn vướng mắc làm cơ sở lập phương án sắp xếp lại, xử lý; thực hiện xong trong năm 2024, kịp thời báo cáo Bộ Quốc phòng những nội dung vượt quá thẩm quyền để giải quyết.

Quyết liệt triển khai sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất quốc phòng - Ảnh 4.

Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp sản xuất, xây dựng kinh tế 

Trước đó, ngày 6/9, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ trì Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Ngày 16/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 59-KL/TW về chủ trương tháo gỡ vướng mắc, tồn động trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng tham gia vào lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. 

Cụ thể hóa kết luận trên, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 132/2020/QH14, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/2021/NĐ-CP, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 58/2021/TT-BQP. 

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Quân đội áp dụng trong thực tiễn, góp phần khai thông và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất quốc phòng để vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng vừa kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cơ chế, chính sách thí điểm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế được thực hiện công khai, minh bạch và đang được triển khai rộng khắp trên cả nước, đã tạo được niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội; tạo ra cơ chế phòng ngừa, không để vi phạm, góp phần kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các sai phạm, tiêu cực, thất thoát, lãng phí...

Việc triển khai các chính sách thí điểm cũng đã giúp Bộ Quốc phòng từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, làm cơ sở để triển khai thực hiện tốt công tác sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đáp ứng với yêu cầu trong công tác tổ chức lực lượng của Quân đội theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. 

Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đặc thù trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, bảo đảm trực tiếp, thường xuyên cho nhiệm vụ SSCĐ, dự trữ lâu dài nguồn đất đai phục vụ quốc phòng khi có tình huống xảy ra; mang lại hiệu quả kinh tế, chống lãng phí nguồn lực của đất nước, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm, góp phần giải quyết chính sách hậu phương Quân đội.

Quán triệt kết luận, nghị quyết, quy định của trên về tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng tham gia vào lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với Thường vụ Quân ủy Trung ương báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về định hướng chủ trương, chính sách đối với đất quốc phòng nói chung và đất quốc phòng sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế nói riêng bảo đảm chặt chẽ, khoa học. Quá trình triển khai thực hiện thí điểm tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực.

Tại hội nghị, các ý kiến đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách thí điểm; nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thẩm định, phê duyệt các phương án sử dụng đất, dự án…

Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang biểu dương Cục Kinh tế và các cơ quan đã tích cực, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị cho buổi làm việc; đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng và đề xuất, kiến nghị với Bộ Quốc phòng về chủ trương và các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để thực hiện tốt chính sách thí điểm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Để thực hiện tốt chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 59-KL/TW và các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương về đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng chủ trương của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thường vụ Quân ủy Trung ương, quy định của trên; xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong việc triển khai thực hiện nội dung trên.

Đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thuộc quyền tiếp tục rà soát các phương án sử dụng đất, trong đó xác định rõ các loại hình thực hiện, khẩn trương xây dựng các phương án sử dụng đất, phương án xử lý dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện theo đúng quy định của chính sách thí điểm trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. 

Đồng thời chủ động phối hợp và có ý kiến với UBND các tỉnh, thành phố có liên quan để sớm có ý kiến đối với các phương án tiếp tục thực hiện dự án, hợp đồng liên doanh,  liên kết. 

Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục chỉ đạo Cục Kinh tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bám nắm các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội để hoàn thiện, bổ sung các nội dung của chính sách thí điểm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được quy định tại Quyết định 3220 /QĐ-BYT ngày 1/11/2024 của Bộ Y tế.

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

(Chinhphu.vn) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên chức danh GS, PGS năm 2024 (Xét tại Phiên họp lần thứ II của HĐGSNN nhiệm kỳ 2024-2029, ngày 2-3/11/2024).

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi