Theo lộ trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Quảng Trị, năm 2023 tỉnh tiếp tục giải quyết, khắc phục những hạn chế khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.
Rà soát, bổ sung quy hoạch tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 theo Công điện số 616/CĐ-TTg ngày 4/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp giai đoạn 2023-2025 đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định.
Năm 2024, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
Hoàn thành việc giải quyết cán bộ, công chức cấp xã dôi dư tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 – 2021. Sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
Năm 2025, tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
Triển khai công tác lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã thảo luận, trao đổi về những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, đồng thời kiến nghị, đề xuất một số nội dung liên quan.
Bí thư Huyện ủy Gio Linh Trần Văn Quảng cho rằng mấu chốt trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là cán bộ, đảng viên phải thông suốt chủ trương, người dân phải hiểu và đồng thuận. Muốn vậy phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ lợi ích của việc sáp nhập.
Thực hiện tốt việc định hướng và bố trí sắp xếp cán bộ, công chức vừa đảm bảo phù hợp với năng lực vừa hài hòa giữa các địa phương. Đồng thời, làm tốt công tác chính sách đối với cán bộ dôi dư. Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh Trần Nhật Quang cho biết việc sắp xếp các đơn vị hành chính dẫn đến dôi dư cán bộ, khó sắp xếp, bố trí công việc, giải quyết chế độ chính sách. Một số xã thuộc diện sắp xếp khác nhau về yếu tố lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán; ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Đề xuất sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cần kế thừa tên gọi của các đơn vị cũ.
Bí thư Huyện ủy Triệu Phong Trần Xuân Anh kiến nghị đối với những xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh, không thực hiện sáp nhập trong giai đoạn 2023 – 2025 mà chuyển sang giai đoạn sau. Đề nghị tỉnh Quảng Trị cần sớm ban hành các hướng dẫn về sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức để thuận lợi cho việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo lộ trình đề ra.
Bí thư Thị ủy Quảng Trị Văn Ngọc Lãm kiến nghị trong giai đoạn 2023 - 2025 giữ ổn định đơn vị hành chính thị xã vì đặc thù lịch sử, văn hóa, địa lý. Còn Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh kiến nghị tỉnh có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, xử lý trụ sở các xã sau sáp nhập.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhấn mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Vì vậy, cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm, trọng điểm, có cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả. Sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025 cần phải tính toán phù hợp đến việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2026 -2030.
Quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm phù hợp với các quy hoạch; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và quy định của pháp luật; đồng thời phải cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên để lập phương án phù hợp.
Quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính phải giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn trước; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người dân có liên quan.