In bài viết

Đề xuất cơ chế đặc thù để tăng thu nhập cho CBCC

10:41 - 09/12/2022

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, cùng với lộ trình đã được Trung ương phê duyệt là nâng mức lương cơ sở từ 01/7/2023 từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, UBND TP Hà Nội đang đề xuất với Trung ương chấp thuận cơ chế đặc thù để TP được quyết định tăng thu nhập cho cán bộ, công chức của TP Hà Nội.

Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm.

Hà Nội chọn kịch bản tăng trưởng GRDP 7%

Tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội khóa XVI ngày 8/12, các đại biểu đã thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Thủ đô. 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, năm 2023, căn cứ bối cảnh dự báo tình hình quốc tế còn diễn biến phức tạp và mục tiêu tăng trưởng của cả nước đặt ra là 6,5%, TP Hà Nội chọn kịch bản tăng trưởng GRDP 7% là phù hợp bối cảnh và có tính phấn đấu.

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. 

Theo đó, mục tiêu tổng quát năm 2023 là giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục; kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. 

HĐND TP Hà Nội thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó GRDP tăng khoảng 7,0%; GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; Vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; Kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%...

HĐND TP cũng thông qua 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tập trung thực hiện trong năm 2023. Trong đó, giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô, phát triển các mô hình kinh tế mới.

Tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Giải trình rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, về vấn đề phát triển kinh tế, khối doanh nghiệp đang khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. 

TP sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó nghiên cứu các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh; bám sát tình hình quốc tế và trong nước để có giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm, nhất là lao động nông thôn, lao động tại các khu công nghiệp...

Về chỉ tiêu tăng trưởng 7,0% năm 2023, căn cứ bối cảnh dự báo tình hình quốc tế còn diễn biến phức tạp và mục tiêu tăng trưởng của cả nước đặt ra là 6,5%, TP Hà Nội xây dựng 3 kịch bản và chọn kịch bản tăng trưởng 7% (gấp 1,08 lần cả nước)  là phù hợp bối cảnh và có tính phấn đấu.

Đối với ý kiến nguồn thu từ đất năm năm 2023, dự kiến còn tiếp tục khó khăn. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP chỉ đạo các quận, huyện, thị xã có giải pháp cụ thể đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn để tạo nguồn thu, đảm bảo nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. 

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị: cần phải thực hiện nghiêm, khi có nguồn thu mới tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện dự án để tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đáng chú ý, về việc công chức, viên chức ngành y tế, giáo dục đang rất khó khăn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: TP sẽ quan tâm rà soát các chính sách hỗ trợ để khắc phục khó khăn; tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục tuyển giáo viên. 

Để khắc phục tình trạng cán bộ nghỉ việc, chuyển công tác, cùng với công tác tư tưởng, tại kỳ họp tháng 9 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã trình HĐND TP thông qua nghị quyết quy định về mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP (với mức hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng).

“Hiện nay, cùng với lộ trình đã được Trung ương phê duyệt là nâng mức lương cơ sở từ 01/7/2023 từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng; UBND TP Hà Nội đang đề xuất với Trung ương chấp thuận cơ chế đặc thù để TP được quyết định tăng thu nhập cho cán bộ công chức của TP Hà Nội”, Phó Chủ tịch UBND TP nói.

Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức - Ảnh 2.

Sở GTVT đề nghị TP ưu tiên vốn đầu tư công cho các dự án giao thông.

Ùn tắc giao thông cuối năm sẽ phức tạp

Cũng trong ngày 8/12, liên quan đến vấn đề ùn tắc giao thông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, TP Hà Nội có khoảng 10 triệu dân với 7 triệu phương tiện, trong đó có 1 triệu ôtô. Số ôtô trong 10 năm qua tăng gấp 30 lần. 

Trung bình mỗi năm phương tiện tăng 4-5% trong khi quỹ đất dành cho giao thông đô thị tăng 0,28%. Theo ông Thường, cầu Thanh Trì hiện có lưu lượng gấp 8 lần thiết kế, đường Vành đai 3 gấp 6 lần.

Do đó, dịp cuối năm ùn tắc sẽ phức tạp hơn do lưu lượng người, phương tiện tham gia lớn, nhiều công trình thi công làm ảnh hưởng đi lại. 

Ông Thường lấy ví dụ, chỉ một điểm quây tôn thi công hố ga thuộc dự án nhà máy nước thải Yên Xá trên đường Nguyễn Xiển đã gây ùn tắc, trong khi sẽ rào chắn 19 ga trên đường này. 

Với điểm ùn tắc này, Sở GTVT sẽ phối hợp các đơn vị xén dải phân cách giữa để phương tiện tránh điểm rào chắn, đồng thời giải tỏa những điểm bán cây cảnh, hoa lấn chiếm hè đường.

Ông Thường dự báo, khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao, Ngã Tư Sở sẽ ùn tắc do phương tiện đi trên cao dồn xuống nhiều hơn, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy hiện chưa có đường trên cao. Còn khi xong cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thì lưu lượng lại dồn xuống nút giao Cổ Linh, Long Biên... 

"Sở đã thành lập tổ công tác hàng ngày xuống hiện trường, tuần nào Giám đốc Sở cũng ngồi nghe báo cáo rồi cùng anh em bàn giải pháp tổ chức lại giao thông để giảm ùn tắc", ông Thường nói và đề nghị HĐND thành phố Hà Nội ưu tiên vốn đầu tư công cho các dự án giao thông.