Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (Luật Sĩ quan) vừa được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Luật Sĩ quan được ban hành năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2008 và 2014. Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng luôn quán triệt, học tập, tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, qua đó góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan có trình độ chính trị, khoa học quân sự, có kiến thức về văn hóa, kinh tế, xã hội, pháp luật và các lĩnh vực khác, có năng lực hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao...
Tuy nhiên, thời gian qua, thực tế áp dụng Luật Sĩ quan tại đơn vị đã nảy sinh những vấn đề khó khăn, bất cập, nhất là trong bối cảnh nhiệm vụ quốc phòng-an ninh có bước phát triển mới, hàng loạt các bộ luật khác liên quan được ban hành, tình hình kinh tế, đời sống xã hội không ngừng thay đổi.
Phát biểu tại hội nghị, các ý kiến đề xuất cần bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành Luật Sĩ quan mới với những nội dung cần luật hóa, đó là: Tăng độ tuổi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan để bảo đảm tốt quyền lợi bảo hiểm khi nghỉ hưu và phù hợp với chính sách thu hút, sử dụng nguồn cán bộ có kinh nghiệm công tác cho quân đội.
Hiện nay, hầu hết sĩ quan cấp thiếu tá và trung tá khi nghỉ hưu đều không được nhận 75% lương hưu do chưa đủ thời gian công tác theo quy định của ngành bảo hiểm.
Nội dung về hỗ trợ chính sách phụ cấp nhà ở cho từng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp nên quy định số tiền cụ thể vào lương hằng tháng để thực hiện một cách đồng bộ, công khai rõ ràng và công bằng đối với từng đối tượng theo Thông tư số 177/2011/TT-BQP ngày 19/9/2011
Trong chương trình đào tạo bậc đại học quân sự, các học viện nên lồng ghép chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị, cao cấp lý luận chính trị để khi ra trường học viên tốt nghiệp được cấp bằng, không phải đào tạo lại, đồng thời đáp ứng yêu cầu trình độ lý luận chính trị theo Quy định 57-QĐ/TW ngày 8/2/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị.