Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 57/QĐ-TTg ngày 16/1/2024 thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Y tế, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ.
Ngoài ra, thành viên Hội đồng còn có đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố có nhiều cơ sở giáo dục đại học (Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng).
Thành viên Hội đồng cũng có đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội: Hội khuyến học Việt Nam, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Ủy viên phản biện là các chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch, giáo dục đại học do Chủ tịch Hội đồng quyết định trên cơ sở đề xuất của Cơ quan thường trực của Hội đồng.
Cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cơ quan thường trực của Hội đồng có trách nhiệm và quyền hạn quy định tại Điều 34 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và khoản 16 Điều 1 Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12/8/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ.
Hội đồng có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 58/QĐ-TTg ngày 16/1/2024 thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các ủy viên Hội đồng gồm đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ.
Ủy viên Hội đồng còn có đại diện các cơ quan, tổ chức: Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam, Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam.
Các ủy viên phản biện là các chuyên gia theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ và khoản 17 Điều 1 Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12/8/2023 của Chính phủ, do Chủ tịch Hội đồng quyết định trên cơ sở đề xuất của Cơ quan thường trực của Hội đồng.
Cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan thường trực Hội đồng thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ và khoản 16 Điều 1 Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12/8/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
Hội đồng có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.