Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm rõ một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ

22/08/2024 15:23

(Chinhphu.vn) - Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ về 7 lĩnh vực.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm rõ một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ

Ngày 22/8, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.

Cuối phiên chất vấn, được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ về 7 lĩnh vực.

Quyết liệt triển khai các biện pháp để gỡ "thẻ vàng" của EC

Một là về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó đã tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng; sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết trong lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản. 

Đã phê duyệt và đang tập trung chỉ đạo triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Đã tập trung đàm phán giải quyết rào cản kỹ thuật nhằm tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Theo dõi sát diễn biến, nâng cao chất lượng dự báo cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu, nhất là gạo, thịt lợn, thủy sản, rau quả để điều hành sản xuất phù hợp, cân đối cung cầu, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Nông nghiệp cơ bản phát triển ổn định, khẳng định được vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và duy trì xuất khẩu.

Phó Thủ tướng đưa ra các số liệu: xuất khẩu nông lâm, thủy sản năm 2023 của chúng ta đạt mức cao kỷ lục, trên 53 tỉ USD, xuất siêu 11 tỉ USD và 7 tháng năm 2024 đạt 34,27 tỉ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ và xuất siêu đạt 9,42 tỉ USD, tăng 60%. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. 

Đến nay đã có 13.658 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, tăng 2.602 sản phẩm so với cuối năm 2023.

Về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, xử lý vi phạm quy định về hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); đã phê duyệt và đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 và 2 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực thủy sản. 

Đến nay có hai 28/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập tổ chức kiểm ngư. 

Xác định công tác xử lý vi phạm IUU nhằm gỡ thẻ vàng của EC là vấn đề hết sức quan trọng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 32 ngày 10/4/2024. Chính phủ đã ban hành 3 Chỉ thị, 7 Công điện và 8 quyết định liên quan đến triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư. 

Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì 3 hội nghị trực tuyến để quán triệt đến các đồng chí Bí thư, Chủ tịch cấp xã ven biển. Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã chủ trì nhiều cuộc họp và trực tiếp đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại các địa phương ven biển.

Đặc biệt, Chính phủ cũng đã kiến nghị để Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 04 ngày 12/6/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Đến nay công tác quản lý, theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá đã có những tiến triển. Số lượng tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình đạt gần 100%. Cơ quan điều tra đã khởi tố 4 vụ án liên quan đến môi giới, móc nối, đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp. 

Phía EC tiếp tục đánh giá cao các cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai chống khai thác IUU.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư, đồng thời tiếp tục trao đổi, vận động các nước thành viên EC ủng hộ sớm bỏ thẻ vàng cho Việt Nam.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm rõ một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ- Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Sẽ sớm ban hành Nghị định về cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu

Hai là về lĩnh vực công thương. Phó Thủ tướng cho biết, về bảo đảm an ninh năng lượng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. 

Đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng dự án Luật Điện lực sửa đổi để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhằm đa dạng các nguồn điện xanh, sạch như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối. 

Đã ban hành Nghị định số 80 quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là khuyến khích thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh công khai, minh bạch; huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện.

Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nhằm khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch, góp phần phát thải khí nhà kính theo các cam kết tại COP26.

Để bảo đảm đủ xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, bám sát thị trường xăng dầu thế giới để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, sát thực tiễn, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. 

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, không để xảy ra thiếu hụt nguồn trong mọi tình huống; quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá phù hợp, đúng quy định.

Tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ xăng dầu. Kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu, dự trữ quốc gia. Tiếp tục hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu, ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Về phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021- 2025, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Tình hình thị trường hàng hóa trong nước tương đối ổn định. Nguồn cung và các hàng hóa thiết yếu được bảo đảm. Khai thác, phát huy hiệu quả các FTA đã ký kết và phát triển các thị trường mới. 

Cán cân thương mại tích cực, duy trì xuất siêu liên tục và tăng dần trong nhiều năm, góp phần ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ thực hiện chính sách tỷ giá ngoại hối, tạo việc làm, nâng cao năng lực sản xuất, trình độ quản lý của doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trọng tâm sau: Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, thị trường lớn; khai thác hiệu quả các FTA, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. 

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển. 

Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền về các FTA cho doanh nghiệp và người dân.

Về công tác quản lý thị trường, thực hiện Nghị quyết số 499 ngày 28/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc tổ chức thực hiện.

Theo đó, lực lượng quản lý thị trường toàn quốc đã kịp thời xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của đối tượng trong hoạt động kinh doanh.

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra trên 190.000 vụ, chuyển cơ quan điều tra 406 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, đồng thời đã có 102 cán bộ, công chức bị kỷ luật, 23 công chức bị khởi tố.

Để đấu tranh có hiệu quả, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm như sau: Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, thực hiện có hiệu quả Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Chú trọng chất lượng tăng trưởng, tính chuyên nghiệp của ngành du lịch

Ba là về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, trong lĩnh vực du lịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền hơn 20 văn bản để cụ thể hóa Nghị quyết số 08 ngày 6/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; cụ thể hóa Luật Du lịch năm 2017 và nhiệm vụ được Quốc hội giao về phục hồi và phát triển ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19. 

Đến nay, cơ bản hệ thống pháp luật về du lịch và các chính sách trong lĩnh vực này đã bảo đảm minh bạch, khả thi và đáp ứng yêu cầu phát triển, cụ thể như sau: Đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh việc phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; các chính sách về miễn, giảm thuế tín dụng, thị thực nhập cảnh, quy định về mô hình quản lý các khu du lịch ở các khu du lịch quốc gia. 

Đã ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2045. Chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch. 

Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì 3 Hội nghị toàn quốc về du lịch vào các năm 2022, 2023. Hoàn thành việc cấp vốn điều lệ 300 tỉ đồng cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số gắn với xây dựng sản phẩm mới, quản lý điểm đến và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng, làm mới, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo với 4 dòng sản phẩm du lịch: du lịch nghỉ dưỡng, biển đảo; du lịch văn hóa, di sản; du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn và du lịch đô thị. Phát huy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, khí hậu và bản sắc văn hóa của từng vùng, miền theo phương châm mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Đề án phát triển du lịch đêm và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương mình.

Trong thực tế thì nhiều địa phương như Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Cần Thơ đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo gắn với giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố, văn hóa nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố… tạo ấn tượng với khách du lịch.

Du lịch Việt Nam, phục hồi tích cực sau đại dịch và được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội của đất nước. Năm 2023, chúng ta đã đón được 12,6 triệu khách quốc tế, tăng 57,5% so với mục tiêu đề ra. Tổng thu đạt 672.000 tỉ đồng và lần thứ 5 liên tiếp nhận giải thưởng Điểm đến hàng đầu châu Á. Trong 7 tháng đầu năm 2024, đã đón gần 10 triệu khách quốc tế, tổng thu ước đạt 513,3 nghìn tỉ đồng.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ cần chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch; tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị phát triển du lịch; gắn phát triển du lịch với phát triển xanh, bền vững theo phương châm lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm. Phấn đấu đến năm 2024 chúng ta sẽ đón 18 triệu khách quốc tế.

Trong lĩnh vực văn hóa, đã ban hành và triển khai Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm phát huy trách nhiệm, tính chuẩn mực và sức ảnh hưởng của văn nghệ sĩ đối với xã hội, nhận được sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân và những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đang trình phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, dự kiến ban hành trong tháng 8/2024.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được quan tâm, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có sự đổi mới trong phương thức tổ chức và triển khai thực hiện.

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Công tác ngoại giao văn hóa gắn với quảng bá du lịch được triển khai tích cực, chủ động. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam cùng lúc đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các cơ chế hoạt động của tổ chức UNESCO.

Chế độ, chính sách đối với văn nghệ sĩ, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm. 

Đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát những vướng mắc, bất cập về các chế độ, chính sách với nhóm đối tượng này, kết hợp với việc sắp xếp chế độ tiền lương mới và đánh giá kỹ tính đặc thù để sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với chủ trương và tình hình thực tế.

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về huy động hiệu quả nguồn lực, khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế trong phát triển văn hóa.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm rõ một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Cần chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch

Tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật

Bốn là về lĩnh vực tư pháp. Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Xác định các điểm nghẽn về thể chế trên các lĩnh vực, nỗ lực tháo gỡ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, kìm hãm sự phát triển, góp phần khơi thông mọi nguồn lực, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát, xử lý trước mắt trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và sẽ báo cáo Quốc hội kết quả.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để thông qua hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét thông qua 41 luật và đang xây dựng 40 dự án luật; đã ban hành trên 390 nghị định. 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trên 90 quyết định quy phạm. Số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm so với cùng kỳ năm trước, (năm 2024 còn 19,37% so với năm 2023 là 24,13%).

Về triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản, các hoạt động đấu giá tài sản từng bước được đổi mới, chuyên môn hóa, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các hình thức đấu giá phong phú, đa dạng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa 15, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Qua đó đã tạo điều kiện cho hoạt động đấu giá được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp hơn, công khai hơn và minh bạch hơn trên thực tế.

Về triển khai thi hành Luật giám định tư pháp, đến nay, các bộ, ngành quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp đã ban hành 60 văn bản hướng dẫn thực hiện. Công tác quản lý, kiểm tra hoạt động giám định tư pháp được tăng cường. 

Đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

Đối với công tác theo dõi thi hành án hành chính và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là Quy định số 132 ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, Luật Tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Kết quả cụ thể, năm 2023 đã thi hành xong 582/1.375 bản án hành chính, tăng 153 bản án so với năm 2022. Sáu tháng đầu năm 2024 đã thi hành xong 400 việc, tăng 184 bản án so với cùng kỳ năm 2023.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và bảo đảm tiến độ, chất lượng các hồ sơ đề nghị, dự án luật trình Quốc hội; quan tâm về chế độ bồi dưỡng chính sách đối với người giám định tư pháp. 

Tập trung thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đẩy mạnh việc thu hồi tài sản, đặc biệt là các vụ việc thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm rõ một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ- Ảnh 4.

Các đại biểu tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp cán bộ và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư

Năm là về lĩnh vực nội vụ. Về kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp cán bộ và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019- 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định công tác sắp xếp đơn vị hành chính là vấn đề hết sức quan trọng, phức tạp, liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy và cán bộ, đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện.

Đến hết năm 2021 đã có 45 địa phương hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng cấp huyện, cấp xã cho nhiệm kỳ 2020- 2025. Kiện toàn tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021- 2026. Đến tháng 5/2024, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc giải quyết chế độ, chính sách đối với những cán bộ, công chức dôi dư tại các đơn vị hành chính thực hiện việc sắp xếp giai đoạn 2019-2021.

Về tổ chức thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48, Chính phủ đã khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 3 Nghị quyết về đơn vị hành chính. 

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 117, ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo điều hành để tổ chức triển khai thực hiện. Đã thẩm định 43/54 phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh, thành phố. 

Hiện nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến các Nghị quyết về phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tạo điều kiện hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2023 - 2025 trước tháng 10/2024 để phục vụ việc tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025- 2030.

Sau khi nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì sẽ tháo gỡ cho 28 đơn vị hành chính thuộc 14 tỉnh, thành phố. Đối với việc xử lý, sắp xếp trụ sở dôi dư, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở, giao cho tổ chức có chức năng quản lý kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 8/2024.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm rõ một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ- Ảnh 5.

Các nhiệm vụ trọng tâm nhằm kiềm chế sự gia tăng và kéo giảm tội phạm v trật tự xã hội

Sáu là về lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 572 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 14. 

Tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chỉ đạo hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, qua đó phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Về giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng và kéo giảm tội phạm về trật tự an toàn xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ giải pháp đấu tranh phát triển, triệt xóa tội phạm về trật tự xã hội.

Tính từ ngày 18/8/2022 đến 31/3/2024 đã điều tra, khám phá gần 73.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, triệt phá 791 băng nhóm tội phạm xâm phạm trật tự xã hội. Năm 2023, phát hiện, xử lý hơn 7.100 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó hơn 3.200 vụ lừa đảo trên không gian mạng. Riêng 8 tháng đầu năm 2024, đã phát hiện, xử lý hơn 3.000 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong thời gian tới, để kiềm chế sự gia tăng và kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 96 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. 

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, Chỉ thị 21 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án và tội phạm ma túy.

Về công tác quản lý nhà nước với hoạt động trên không gian mạng, hiện nay, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý cần thiết để quản lý những vấn đề liên quan không gian mạng. 

Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng và ban hành nhiều văn bản tổ chức thực hiện. 

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng và Nghị định số 59 về định danh và xác thực điện tử, Nghị định số 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân…

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn; tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao; làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Về công tác phòng cháy, chữa cháy, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tồn tại trên thực tế, đặc biệt là việc xử lý các công trình hiện hữu không đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy sau kiểm tra.

Để góp phần khắc phục những tồn tại, vướng mắc và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sắp tới. 

Công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam. 

Việc cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới không gắn chip điện tử từ ngày 1/7/2022 và gắn chip điện tử từ ngày 1/3/2023 đến nay cơ bản đã ổn định và bảo đảm 100% đúng quy trình, quy định, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực này.

Chủ động tháo gỡ các khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xin thị thực vào Việt Nam và thị thực vào các nước. 

Đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Cư trú năm 2020 về bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sau ngày 31/12/2022, đã hoàn thành việc cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cụ thể là thu thập, cập nhật hơn 100 triệu dữ liệu dân cư, cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử; 100% công dân đã được cấp số định danh cá nhân, thu nhận gần 75 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53 triệu tài khoản định danh điện tử, tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận được đạt gần 72% và thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác để giải quyết thủ tục hành chính.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm rõ một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ- Ảnh 6.

Các đại biểu tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm tiếp công dân định kỳ và đột xuất

Bảy là về lĩnh vực thanh tra. Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 623 ngày 7/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau: Rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo, nhất là lĩnh vực nhà ở, đất đai, qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật nhằm hạn chế phát sinh các khiếu nại, tố cáo. Chấn chỉnh và xử lý, khắc phục những vi phạm, tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước. 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết cho thấy, qua rà soát việc thực hiện Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo chưa phát hiện khó khăn, vướng mắc, bất cập, tồn tại, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung.

Đối với một số lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo như đất đai, nhà ở. Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy định bất cập. 

Qua thanh tra, kiểm tra công vụ, Chính phủ đã chỉ đạo xử lý vi phạm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước và trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Việc tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng kéo dài đã góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính quyền và tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể như việc tiếp công dân của người đứng đầu ở một số nơi chưa bảo đảm theo quy định, tỷ lệ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền thấp hơn mục tiêu đề ra, chưa kịp thời tổng kết, rà soát việc giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài; công tác bồi dưỡng cán bộ tuyên truyền pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm tiếp công dân định kỳ và đột xuất; tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc thuộc thẩm quyền. 

Tập trung giải quyết những vụ việc liên quan đến đất đai có nguồn gốc đất là nông, lâm trường quốc doanh; xử lý tình trạng khiếu kiện đông người tại các cơ quan Trung ương. 

Rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài và tổng kết việc giải quyết loại vụ việc này để có các giải pháp xử lý phù hợp. 

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra trách nhiệm về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tiếp công dân; nghiên cứu và đề xuất bổ sung, hoàn thiện chính sách và pháp luật.

Chính phủ mong muốn có sự ủng hộ và giám sát của Quốc hội để phấn đấu hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ

Phó Thủ tướng nêu rõ, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. 

Nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và một số nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài đang được triển khai quyết liệt. 

"Tuy nhiên, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, cần tiếp tục chỉ đạo để hoàn thành như các đại biểu Quốc hội đã nêu trong một ngày rưỡi vừa qua", Phó Thủ tướng nói.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Chính phủ đề nghị và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đồng hành, ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước để nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 2024, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội./.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được quy định tại Quyết định 3220 /QĐ-BYT ngày 1/11/2024 của Bộ Y tế.

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên chức danh GS, PGS năm 2024 (Xét tại Phiên họp lần thứ II của HĐGSNN nhiệm kỳ 2024-2029, ngày 2-3/11/2024).

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi