PGS.TS Trần Đình Thiên: "Không thể đòi hỏi giá điện thấp mà lại mong có nhiều điện, lại còn là điện sạch, đủ và hiện đại để phục vụ cho một nền kinh tế tăng trưởng cao"
Bảo đảm đầy đủ và ổn định các nguồn lực phát triển, đặc biệt là năng lượng trở thành điều kiện tiên quyết
Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào chu kỳ chuyển đổi sâu rộng về công nghệ và cấu trúc phát triển. Trước tình hình đó, Việt Nam xác định rõ yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến một nền kinh tế dựa trên tri thức, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh.
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã xác lập mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh vai trò then chốt của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cùng với đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức từ 8% trở lên – một con số tham vọng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, việc bảo đảm đầy đủ và ổn định các nguồn lực phát triển, đặc biệt là năng lượng trở thành điều kiện tiên quyết. Không có điện, không thể công nghiệp hóa và cũng không thể xây dựng nền kinh tế số hay triển khai các chính sách phát triển hạ tầng quy mô lớn.

Cần huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho ngành điện
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, khi nền kinh tế hướng đến trình độ công nghệ cao, phát triển dựa trên nền tảng công nghiệp số và đổi mới sáng tạo thì nhu cầu điện không chỉ tăng mà còn tăng với tốc độ đột biến.
Ông dẫn chứng, việc cấp tốc triển khai các đường dây 500kV mạch 2, mạch 3 hay sửa đổi Quy hoạch Điện VIII ngay sau khi ban hành đều là minh chứng rõ nét cho sức ép về cung ứng điện trong giai đoạn hiện nay và mai sau.
Trong bối cảnh đó, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh yêu cầu huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho ngành điện. Bên cạnh vai trò dẫn dắt của khu vực nhà nước, việc mở rộng dư địa cho kinh tế tư nhân như định hướng trong Nghị quyết 68 là một trục chiến lược.
Tuy nhiên, để khu vực tư nhân mạnh dạn đầu tư vào năng lượng, nhất là các lĩnh vực như điện mặt trời, điện gió, hay hệ thống truyền tải công nghệ cao, điều kiện tiên quyết là phải có một môi trường đầu tư đủ hấp dẫn, từ thể chế đến cơ chế giá.
Hiện tại, giá điện của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp so với mặt bằng khu vực và thế giới. Điều này từng tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư giai đoạn trước nhưng nay lại trở thành điểm nghẽn nếu xét trong yêu cầu phát triển bền vững và hiện đại.
Đường dây 500kV mạch 3 đoạn vượt sông Lam
Không thể đòi hỏi giá điện thấp mà lại mong có nhiều điện, đủ điện...
PGS.TS Trần Đình Thiên cảnh báo: "Không thể đòi hỏi giá điện thấp mà lại mong có nhiều điện, lại còn là điện sạch, đủ và hiện đại để phục vụ cho một nền kinh tế tăng trưởng cao".
Từ thực tiễn, ông chỉ ra những dấu hiệu đáng lo ngại như đầu tư vào điện gió và điện mặt trời bị gián đoạn, một phần do cơ chế giá chưa hợp lý khiến nhà đầu tư nản lòng.
Đồng thời, điện sạch đang đặt ra bài toán chi phí mới. Năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn lực lớn ban đầu, hệ thống tích trữ và dự phòng tương thích.
Trong khi đó, điện nền - vốn đóng vai trò ổn định cũng cần được phát triển song song. Cả hai hướng này đều cần một mặt bằng giá đủ sức hấp dẫn cho đầu tư dài hạn.

Điều chỉnh giá điện vừa là yêu cầu mang tính chiến lược vừa là nhiệm vụ cấp bách, nếu không kịp thời chúng ta sẽ 'vỡ trận'
Một góc nhìn đáng chú ý khác, theo ông Trần Đình Thiên, đó là vấn đề hiệu quả sử dụng năng lượng. Với mức giá điện thấp, không ít doanh nghiệp có xu hướng tiêu dùng điện lãng phí, không đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng. Điều này vô hình trung đi ngược lại mục tiêu chuyển đổi xanh và nâng cao năng suất tổng thể của nền kinh tế.
Ông Thiên cho rằng, mặt bằng giá điện hợp lý hơn sẽ tạo động lực để doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược công nghệ, lựa chọn hướng đi hiệu quả và bền vững hơn.
Vì vậy, việc điều chỉnh giá điện là một yêu cầu mang tính chiến lược nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển dài hạn của đất nước. Đồng thời, đây cũng là một nhiệm vụ cấp bách trong ngắn hạn để không xảy ra tình trạng thiếu điện, làm gián đoạn tăng trưởng và cản trở tiến trình hiện đại hóa.
"Nếu không có bước đi kịp thời, chúng ta sẽ vỡ trận. Nhưng nếu có lộ trình phù hợp, chuẩn bị kỹ càng về truyền thông và cơ chế hỗ trợ thì việc điều chỉnh là hoàn toàn khả thi và cần thiết", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh và cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều kỳ vọng và mục tiêu mang tính đột phá, việc bảo đảm nguồn điện ổn định, sạch và đủ cho nền kinh tế không chỉ là bài toán kỹ thuật mà là một trong những lựa chọn chiến lược của quốc gia hiện nay. Trước mắt và cấp bách, đó là cần tính đúng, tính đủ cho giá điện đã là tốt lắm rồi để duy trì sự ổn định và bền vững của hệ thống, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Anh Thơ