Những nội dung lớn của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

07/05/2025 10:56

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 07 chương, 54 điều; sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, tập trung vào 04 nhóm vấn đề.

Những nội dung lớn của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)- Ảnh 1.

 Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 7/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Phân định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp

Trình bày Tờ trình tóm tắt của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, quan điểm sửa đổi luật là thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 02 cấp (cấp tỉnh và cấp xã).

Đồng thời phân định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp; tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính từ trung ương đến cấp xã; xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với chính quyền địa phương cấp xã theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, nhằm khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển.

Bốn nhóm vấn đề lớn của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo Luật gồm 07 chương, 54 điều, cơ bản kế thừa nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc phân định thẩm quyền của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, tập trung vào 04 nhóm vấn đề: 

(1) Sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định ĐVHC và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; 

(2) Sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã; 

(3) Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức chính quyền địa phương; 

(4) Về hiệu lực thi hành và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 03 cấp sang 02 cấp.

Theo đó, sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định ĐVHC và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp: 

(1) Cấp tỉnh gồm: tỉnh, thành phố; 

(2) Cấp xã gồm: xã, phường và đặc khu (ở hải đảo); 

(3) Đối với ĐVHC kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập. 

Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã.

Những nội dung lớn của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, dự thảo Luật sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã: 

(1) Chính quyền địa phương cấp tỉnh: ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh theo quy định hiện hành thì dự thảo Luật bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư,… của địa phương; 

(2) Chính quyền địa phương cấp xã: thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã (mới)…

Liên quan đến sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ bản giữ như quy định hiện hành, chỉ tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh phù hợp với việc sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh.

Đối với chính quyền địa phương cấp xã, quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp xã (xã, phường, đặc khu): 

(1) HĐND cấp xã có 02 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội; 

(2) UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn phù hợp với quy mô của ĐVHC cấp xã (mới) theo quy định của Chính phủ.

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025.

Những nội dung lớn của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)- Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Phân định hợp lý nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã

Nêu quan điểm thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành với các lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời tán thành việc xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hồ sơ dự án Luật bảo đảm đầy đủ, đúng quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các nội dung đang được dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013, cụ thể hóa các yêu cầu, định hướng về thực hiện mô hình địa phương 02 cấp; sáp nhập một số ĐVHC cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sắp xếp ĐVHC cấp xã tại Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bên cạnh đó, do dự thảo Luật có các điều, khoản liên quan trực tiếp đến quy định của Hiến pháp năm 2013 và một số luật đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và trình xem xét, thông qua đồng thời trong Kỳ họp thứ 9 này, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bám sát nội dung sửa đổi trong Hiến pháp và các luật nói trên, bảo đảm nội dung cần sửa đổi trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với quy định của Hiến pháp và thống nhất với các luật có liên quan.

Trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về các trường hợp UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã để tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã (khoản 4 Điều 11); có cơ chế phân công, ủy quyền linh hoạt hơn để UBND cấp xã có thể giao cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, thậm chí là cả công chức thuộc UBND cấp mình thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của địa phương, nhất là đối với các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp có diện tích tự nhiên và quy mô dân số lớn để bảo đảm kịp thời giải quyết các hồ sơ, công việc của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn (Điều 13).

Đồng thời tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp tại Chương IV của dự thảo Luật để thể hiện rõ nét hơn chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm phân định một cách hợp lý nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.

Tiếp tục cân nhắc, chỉnh lý một số quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương như: số lượng và lĩnh vực phụ trách của các Ban của HĐND cấp xã (điểm a khoản 3 Điều 29); số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã (Điều 30); nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND được quyết định chế độ chi ngân sách để thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trên địa bàn hoặc thực hiện nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền (điểm c khoản 13 Điều 31).

Ngoài ra, tiếp tục rà soát quy định chuyển tiếp (Điều 54) của dự thảo Luật và các quy định khác có liên quan để bao quát hết các trường hợp cần chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, công việc của chính quyền cấp huyện khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp (không tổ chức cấp huyện), tránh bỏ sót, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của chính quyền địa phương cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
TOÀN CẢNH LỄ DIỄU BINH, DIỄU HÀNH KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: HÀO HÙNG ĐI GIỮA LÒNG NHÂN DÂN

TOÀN CẢNH LỄ DIỄU BINH, DIỄU HÀNH KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: HÀO HÙNG ĐI GIỮA LÒNG NHÂN DÂN

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính thức diễn ra vào 6h30 ngày 30/4/2025.

LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Theo quy định của Bộ GDĐT, thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 từ 21/4 đến 17 giờ ngày 28/4. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức vào các ngày 25, 26, 27, 28/6.

TOÀN VĂN: Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

TOÀN VĂN: Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

LỊCH NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 2025

LỊCH NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nghỉ Lễ Quốc khánh 2025 kéo dài 4 ngày.

TOÀN VĂN: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

TOÀN VĂN: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế hàng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử từ 1 triệu đồng trở xuống.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi