Thông tin xe mô tô, xe gắn máy và ô tô cá nhân bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình là hoàn toàn không chính xác
Trao đổi về những băn khoăn của người dân liên quan đến quy định lắp camera hành trình đối với các loại xe cơ giới, bao gồm xe ô tô và xe máy chuyên dụng trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trên báo CAND, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, thông tin xe mô tô, xe gắn máy và ô tô cá nhân bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình là hoàn toàn không chính xác.
Cụ thể, tại Điều 33 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có ghi rõ: "Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập hình ảnh, dữ liệu người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định".
“Xe máy chuyên dụng được nêu trong dự thảo luật là máy thi công như xe cẩu, xe nâng và các loại máy thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt…
Các loại xe máy này khi lưu thông ngoài đường cần có camera hành trình, hoàn toàn không liên quan đến xe mô tô hay xe gắn máy cá nhân của người dân”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh khẳng định.
Đồng thời, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh cho biết thêm, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và nhân dân, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan chức năng đánh giá tác động của chính sách để phù hợp với điều kiện thực tế của người dân Việt Nam để quy định sao cho đảm bảo quản lý xã hội, phục vụ lợi ích của người dân.
Sẽ có khảo sát, tọa đàm, đánh giá nhiều chiều để đi đến chân lý
Cũng liên quan tới quy định lắp camera hành trình đối với các loại xe cơ giới, bao gồm xe ô tô và xe máy chuyên dụng trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tại họp báo thông báo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Trung tướng Nguyễn Minh Đức Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: Đây là quan điểm của Cơ quan soạn thảo nên Cơ quan thẩm tra tôn trọng các nội dung trong tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật, đồng thời tham mưu cho Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội xin ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.
Trách nhiệm của Cơ quan thẩm tra là phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan chức năng đánh giá tác động của chính sách sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của người dân Việt Nam để quy định sao cho đảm bảo quản lý xã hội, phục vụ lợi ích của người dân.
“Đây là dự thảo ban đầu, các đại biểu Quốc hội đang cho ý kiến, đồng thời sẽ có khảo sát, tọa đàm đánh giá nhiều chiều để đi đến chân lý”, Trung tướng Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.