Khởi tố 3 đăng kiểm viên, Chi cục đăng kiểm số 10 thuộc Cục đăng kiểm Việt Nam
Công an thành phố Hải Phòng cho biết: Thông qua công tác nắm tình hình, theo dõi quản lý địa bàn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong quá trình giám sát, kiểm định cho các phương tiện thuỷ xảy ra tại Chi cục đăng kiểm số 10 thuộc Cục đăng kiểm Việt Nam.
Ngày 28/2/2023, căn cứ tài liệu thu thập được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã khởi tố vụ án hình sự Tội nhận hối lộ, môi giới hối lộ, đưa hối lộ, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Chi cục đăng kiểm số 10 thuộc Cục đăng kiểm Việt Nam để điều tra theo quy định.
Ngày 6/3/2023 Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hải Phòng đã khởi tố bị can đối với: Vũ Thái Phòng, đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 10 thuộc Cục đăng kiểm Việt Nam về Tội nhận hối lộ.
Ngày 14/11/2023, mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố đã khởi tố bị can đối với: Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Văn Cường cùng về Tội nhận hối lộ (đều là đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 10); Đoàn Văn Minh về Tội đưa hối lộ; Doãn Văn Bảo về Tội môi giới hối lộ, Phạm Thanh Huyền về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Hiện vụ án đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố tiếp tục điều tra, giải quyết theo quy định.
Khởi tố, bắt tạm giam Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cổng TTĐT Bộ Công an cho biết: Kết quả điều tra mở rộng về các sai phạm, tiêu cực liên quan hoạt động đăng kiểm thủy nội địa xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Chi cục Đăng kiểm, ngày 12/01/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố 06 bị can là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nguyên là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo và cán bộ Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với Nguyễn Vũ Hải (sinh năm 1978; nơi ở hiện nay: phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội; chức vụ: Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam); Bùi Quốc Hưng (Trưởng Phòng Tàu sông); Đậu Ngọc Bình (Phó Trưởng Phòng Tàu sông); Phan Huy Liêm (đăng kiểm viên Phòng Tàu sông); Vũ Văn Sơn (đăng kiểm viên Phòng Tàu sông).
Các bị can nêu trên bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh quyết định khởi tố bị can đối với Trần Kỳ Hình (nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trước đó, ngày 16/01/2023, Trần Kỳ Hình đã bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ" trong vụ án liên quan đến các sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm đường bộ.
Các Quyết định và Lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Các bị can trên bị khởi tố về hành vi sai phạm liên quan hoạt động đánh giá, cấp đánh giá năng lực cho các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa.
Chùm án đăng kiểm: Công an TPHCM đã khởi tố 9 vụ án với 251 bị can
Liên quan nội dung sai phạm này, trước đó ngày 22/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành Phố Hồ Chí Minh đã khởi tố đối với 09 bị can.
Trong đó có 06 bị can bị khởi tố về các sai phạm liên quan hoạt động đánh giá, cấp xác nhận đánh giá năng lực xưởng gồm Đỗ Trung Học (nguyên Trưởng Phòng Tàu sông), Lê Ngọc Tú (đăng kiểm viên Phòng Tàu sông) về tội "Nhận hối lộ"; Nguyễn Xuân Hào (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm Long An), Vũ Tiến Thuật (Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tàu thủy sông Hồng) về tội "Đưa hối lộ"; Phạm Hoài Hà (Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An) về tội "Môi giới hối lộ" và Nguyễn Thành Lê (Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và thiết kế công nghiệp tàu thủy Vietship) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Như vậy, liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm thủy nội địa, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố tổng cộng 35 bị can về các tội "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền trong khi thi hành công vụ".
Đối với đại án về sai phạm, tiêu cực liên quan hoạt động đăng kiểm đường bộ, đường thủy nội địa và mở rộng lĩnh vực đào tạo sát hạch lái xe, đến nay các đơn vị thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố, điều tra tổng cộng 09 vụ án với 251 bị can về các tội danh "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm để lại hậu quả vô cùng lớn
Liên quan đến đại án này, ngày 10/5, Ban Nội chính Trung ương đã thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại buổi thông báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc phân hóa đối tượng trong xử lý sai phạm xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, sai phạm trong lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến Cục Đăng kiểm Việt Nam là sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau, giá trị tiêu cực tính bằng tiền không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội vô cùng lớn.
“Một năm tai nạn giao thông làm mất đi từ 8 đến 10 nghìn người, trong đó có lỗi của đăng kiểm. Một mạng người chết đã là đặc biệt nghiêm trọng rồi, trong khi có nhiều người chết.
Vấn đề là xử lý thế nào để không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường trong lưu thông phát triển kinh tế xã hội, không ảnh hưởng đến người dân.
Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo đã giao các cơ quan chức năng ngồi bàn bạc với nhau để có giải pháp xử lý phù hợp nhất”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Yên nêu rõ: Ban Chỉ đạo đã thống nhất phân hóa, phân loại đối tượng để xử lý. Trong đó, nguyên tắc là có tội phải xử lý, sai tới đâu xử lý tới đó. Người cần xử lý hình sự sẽ xử lý hình sự, người không cần thiết xử lý hình sự thì phân hoá xử lý bằng cách khác./.