Tại phiên thảo luận tổ chiều 28/10, Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã làm rõ một số vấn đề về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.
Nâng tuổi phục vụ tại ngũ sẽ bảo đảm cho sĩ quan cấp Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu được hưởng lương hưu tối đa
Làm rõ thêm về việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, việc này phải bảo đảm vừa phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, vừa phải phù hợp với đặc thù của Quân đội.
“Dự thảo luật lần này tăng tuổi phục vụ tại ngũ với sĩ quan cấp úy lên 4 tuổi, Thiếu tá 4 tuổi, Trung tá 3 tuổi, Thượng tá 2 tuổi, Đại tá 1 tuổi”, Đại tướng Nguyễn Tân Cương thông tin.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%.
Vì vậy, việc nâng tuổi phục vụ tại ngũ sẽ bảo đảm cho sĩ quan cấp Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%, thể hiện chính sách ưu việt, làm cơ sở để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ Quân đội, cũng như tận dụng được thời gian, kinh nghiệm công tác của sĩ quan.
Theo luật hiện hành, sĩ quan phải nghỉ hưu khi chưa đủ 35 năm đóng bảo hiểm nên không được nhận đủ 75% lương. "Anh em về hưu cũng rất thiệt thòi nên dự luật kéo dài tuổi để bảo đảm khi về hưu, sĩ quan được hưởng đủ chế độ", Đại tướng Nguyễn Tân Cương nói.
Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết thêm, các cơ quan đã dùng máy móc, công nghệ để tính toán, phân tích dữ liệu để đề xuất tăng độ tuổi phục vụ của sĩ quan một cách phù hợp nhất, không ảnh hưởng đến cơ cấu Quân đội cũng như bảo đảm sức khỏe phục vụ, phù hợp đặc thù của Quân đội.
Lý giải nguyên nhân tại sao tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan nữ bằng với sĩ quan nam, Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, hiện nay, tỷ lệ nữ trong Quân đội rất ít, sĩ quan nữ chỉ chiếm 3% trong tổng số sĩ quan, chủ yếu làm các công việc chuyên môn như giáo viên, bác sĩ, nghiên cứu khoa học, không có đồng chí nào làm chỉ huy các đơn vị chiến đấu. Do đó, qua tham khảo ý kiến cho thấy đồng ý với chủ trương này.
Tại sao tăng từ 11 lên 17 nhóm chức vụ cơ bản của sĩ quan?
Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, Quân đội có 6.277 chức vụ, 12.310 chức danh. Trong khi đó, Luật Sĩ quan hiện hành quy định sĩ quan có 11 nhóm chức vụ cơ bản đều là cấp trưởng, không quy định chức vụ cơ bản là cấp phó.
Theo Đại tướng Nguyễn Tân Cương, dự thảo luật mới đã sửa đổi, bổ sung quy định chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan tại Điều 11 Luật Sĩ quan; bổ sung thêm 6 chức vụ cơ bản của sĩ quan là cấp phó (tổng là 17 nhóm chức vụ cơ bản).
Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết: Với 11 nhóm chức vụ của sĩ quan, khi xây dựng Danh mục chức vụ, chức danh cơ bản tương đương để xây dựng thang bảng lương theo vị trí, việc làm đã xảy ra bất cập.
Theo đó, với 11 chức vụ cơ bản của sĩ quan (đều là cấp trưởng) thì không phân biệt được lương cấp trên, cấp dưới, không bảo đảm trả lương theo vị trí, việc làm. Do đó, việc phân thành 17 nhóm chức vụ cơ bản của sĩ quan là phân thành 17 nhóm vị trí, việc làm cơ bản, bảo đảm thuận tiện trong quá trình thực hiện; khẳng định được vị trí, vai trò, chức trách của các chức vụ, phân định rõ quyền hạn cấp trên, cấp dưới.