Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Y tế triển khai nhiều giải pháp để xử lý vấn nạn thực phẩm bẩn và thông tin các kết quả đạt được trong thời gian qua cho cử tri được biết; giám sát chặt chẽ và đề ra các chế tài mạnh để ngăn chặn kịp thời tình trạng mua bán, vận chuyên thực phẩm bẩn đang diễn ra trên toàn quốc.
Kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi kinh doanh gian dối, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và những người có liên quan về trách nhiệm trong thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm để tạo tính răn đe và phòng ngừa vi phạm tái diễn.
Nhiều vi phạm đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời
Về kiến nghị nêu trên của cử tri, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các cấp, các ngành chức năng, triển khai nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương.
Công tác này được tiến hành xuyên suốt cả năm, đặc biệt tập trung vào các thời điểm tiêu thụ thực phẩm nhiều như Tết Nguyên đán, mùa lễ hội xuân, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, và Tết Trung thu.
Các hoạt động này nhắm vào các nhóm sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm, và giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ặn uống, đặc biệt là bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và lễ hội.
Trong quá trình hậu kiểm, nhiều vi phạm đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo đúng quy định pháp luật. Các kết quả này được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt, lựa chọn thực phẩm an toàn.
Từ ngày 01/01/2023 đến nay, Bộ Y tế đã hậu kiểm 513.061 cơ sở, phát hiện 44.739 cơ sở vi phạm về an toàn thực phấm. Trong đó, 16.429 cơ sở đã bị xử lý, phạt tiền 14.274 cơ sở với tổng số tiền phạt lên tới 66,7 tỷ đồng.
Các biện pháp xử phạt bổ sung bao gồm đình chỉ hoạt động của 136 cơ sở, tiêu hủy sản phẩm của 635 cơ sở với tổng số 253.210 loại thực phẩm không đạt tiêu chuấn, đồng thời chuyến giao cho cơ quan công an hai vụ việc liên quan đến thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm và một vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Bộ Y tế đã từng xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt cao nhất/1 vụ việc lên đến trên 11 tỷ đồng. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Đình chỉ hoạt động sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong thời hạn 11 tháng; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong thời hạn 22 tháng đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm; Buộc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc tiêu hủy thực phẩm vi phạm.
Bộ Y tế cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan công an trong xử lý vụ việc phát hiện sản phấm chứa chất cấm, hàng giả, có dấu hiệu hình sự. Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã chuyển 16 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; vụ việc có dấu hiệu nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, sử dụng giấy tờ giả... đến cơ quan Công an để xác minh, xử lý.
Tiếp tục phối hợp xử lý mạnh mẽ hơn nữa tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương để triển khai các biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn nữa tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm.
Các vi phạm như sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, sử dụng chất cấm, quảng cáo sai sự thật, lợi dụng mạng xã hội để lừa dối người tiêu dùng sẽ được xử lý nghiêm minh.
Đồng thời, Bộ sẽ đẩy mạnh truyền thông, cảnh báo về các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn và công khai danh sách các cơ sở vi phạm để người dân biết và phòng tránh.