CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Bộ Y tế thanh tra 35 cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe

11:35 - 22/05/2023

(Chinhphu.vn) - Thanh tra Bộ Y tế đã công bố quyết định thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng tại các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Hải Dương và Bắc Ninh.

Theo Quyết định thanh tra, đoàn sẽ tiến hành thanh tra tại 35 cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tại tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh. Trong đó tại Hải Dương có 17 cơ sở; Bắc Ninh có 18 cơ sở.

Đây là cuộc thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2023 đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2022 đến 05/05/2023 và các thời kỳ trước, sau có liên quan.

Thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Phát hiện các sơ hở, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm

Đoàn thanh tra gồm 6 thành viên do ông Hoàng Hải, Phó trưởng phòng Thanh tra Y tế dự phòng, Thanh tra Bộ Y tế làm Trưởng đoàn.

Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng tại các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Hải Dương và Bắc Ninh.

Trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra, xác minh trực tiếp tại các cơ sở có liên quan hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc quản lý và địa bàn của tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh. 

Phát hiện các sơ hở, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng tại các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe để kiến nghị, đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, phát hiện các nhân tố tích cực để phát huy.

Qua đó, kết luận cụ thể các nội dung đã tiến hành thanh tra, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật, phát hiện vi phạm (nếu có), xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, trách nhiệm của các cơ sở có hành vi vi phạm.

Đồng thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng tại các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.