CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Không bàn thiết kế chính sách nữa, vấn đề bây giờ là tổ chức thực hiện

05:15 - 24/07/2023

(Chinhphu.vn) – Trao đổi về chuyển hướng chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng: Không bàn về thiết kế chính sách nữa, chúng ta cũng đã tung ra rất nhiều gói, vấn đề bây giờ là tổ chức thực hiện.

Không bàn thiết kế chính sách nữa, vấn đề bây giờ là thực hiện - Ảnh 1.

Chuyển hướng chính sách tiền tệ: Chúng ta tung ra rất nhiều gói, bây giờ hãy thực thi thật tốt 

Tại Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới", chia sẻ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng có 4 nhóm giải pháp quan trọng. Một là, chúng ta đã tung ra rất nhiều gói chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ như vừa qua. Bây giờ hãy thực thi cho thật tốt. Đây là động lực tăng trưởng rất quan trọng ngoài cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thứ hai, phải hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tốt hơn đầu ra để xuất khẩu đỡ bị giảm. Bây giờ chúng ta giảm 12%, để nó giảm 5-6% thôi là đỡ đi rất nhiều.

Thứ ba là đầu tư công. Nếu chúng ta giải ngân hết 95% kế hoạch đầu tư công mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thì chúng ta sẽ có thêm 2 điểm phần trăm tăng trưởng.

Thứ tư là liên quan đến tiêu dùng. Nếu như tiêu dùng của chúng ta tăng thêm 1% thì sẽ tăng trưởng kinh tế tăng thêm 0,2 điểm phần trăm. Nghĩa là giả sử tiêu dùng của chúng ta tăng thêm 10% thì chúng ta có thêm 2 điểm phần trăm tăng trưởng bổ sung thêm.

Cuối cùng, hãy tập trung hơn nữa vào các động lực, các đầu tàu kinh tế của đất nước, nhất là Hà Nội và TPHCM. Nếu Hà Nội và TPHCM tăng trưởng tốt, thì đóng góp được 40% tăng trưởng, rõ ràng kéo theo rất nhiều.

Phải có chế tài đối với những bộ ngành, địa phương không làm đúng thời hạn, thời điểm

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ thêm 3 ý nhỏ. Thứ nhất, chính sách có cụm từ vô cùng quan trọng là "thời điểm, liều lượng, đồng điệu" chúng ta đã thực hiện rất tốt.

Thứ hai, chính sách cần đồng bộ hơn nữa. Nghĩa là ngoài chính sách tiền tệ, tài khóa đã vào cuộc thì rõ ràng những chính sách khác cũng phải vào cuộc quyết liệt như đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Thứ ba, đã đến lúc chúng ta cần có KPI cụ thể. Các bộ, ngành, địa phương và cá nhân không làm đúng thời hạn, thời điểm, đúng như tinh thần chỉ đạo thì phải có chế tài.

Như vậy sẽ tạo ra thông điệp mạnh mẽ về thực thi, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả tốt hơn nữa, để đảm bảo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu năm.

Chuyển hướng chính sách tiền tệ: Không bàn về thiết kế chính sách nữa

Nêu quan điểm của mình, ông Phan Đức Hiếu, cho rằng chúng ta không bàn về thiết kế chính sách nữa vì mọi nội dung, mục tiêu đã rõ ràng. Giờ có hai điểm chúng ta phải bàn thêm ở đây là khâu thực hiện và cách thức thực hiện.

Theo ông Hiếu: Khâu thực hiện thì chắc cũng chẳng có gì để chúng ta kiến nghị khác đi được ngoài tất cả các bên, bao gồm cả doanh nghiệp, có 2 yêu cầu quan trọng là phối hợp và hành động quyết liệt.

Ở đây chúng ta ít ai nói đến vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp nhưng họ đóng vai trò cũng rất quan trọng, nhất là trong việc hỗ trợ kỹ thuật doanh nghiệp, trong tiếp cận chính sách, hay vấn đề hồ sơ giấy tờ tiếp cận các gói chính sách và kết nối doanh nghiệp để tạo ra đầu vào.

Theo ông Hiếu, việc rất quan trọng là phối hợp với các bộ ngành, các cơ quan liên quan như NHNN, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT. Triển khai quyết liệt, chẳng còn cách nào khác là hành động quyết liệt và khẩn trương, bởi càng nhanh đi vào thì hiệu quả càng gia tăng, kết quả đạt được càng lớn.

Tăng cường giám sát và phối hợp giám sát thực thi

Về cách thực hiện, ông Hiếu cho rằng: Hiện nay vẫn theo phạm vi chức năng quản lý của từng bộ ngành thực hiện các nhiệm vụ được giao.

"Nhưng tôi nghĩ là thực hiện cơ chế thế nào đó để tăng cường giám sát thực thi. Quan trọng hơn là phối hợp giám sát thực thi bởi vì nhiều cơ quan tự phối hợp nhiều khi khó và kéo dài, kể cả chúng ta có mệnh lệnh hành chính", ông Hiếu nêu quan điểm.

Theo ông Phan Đức Hiếu: Trong Nghị quyết của Chính phủ lần nào cũng có nội dung gọi là "phối hợp trong điều hành". Có lẽ cũng phải nghĩ đến cách thức nào đó để có một đơn vị đầu mối trong việc hỗ trợ thực thi, phối hợp và thúc đẩy giám sát việc thực thi có hiệu quả. Dư địa thời gian quyết định rất nhiều việc nâng cao hiệu quả và kết quả thu được.

Năm nay phải là năm đề cao chất lượng thực thi

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: "Chính sách tiền tệ rất quan trọng nhưng chính sách thường có độ trễ. Hơn lúc nào hết, chúng tôi muốn nhìn thấy sự vào cuộc chủ động, tích cực của các bộ, ngành, các cấp".

Ông Tuấn cho rằng, trong bối cảnh này, ngành nào cũng cần thi đua xem chính sách gì hỗ trợ cho sự phát triển, tăng trưởng và doanh nghiệp. Theo hướng đó, chúng ta cần có cơ chế phát hiện chính sách nào đi ngược lại chủ trương này.

Năm nay là năm đề cao tăng cường chất lượng thực thi. Chính sách là tốt, chủ trương ban hành đúng thời điểm. Nhưng nếu thực thi chưa tốt thì hiệu ứng đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân sẽ không tốt được. Ví dụ chính sách hỗ trợ phục hồi có mục tiêu rất tốt nhưng thực hiện chậm trễ thì hiệu ứng phục hồi sẽ giảm đi.

Trong bối cảnh khó khăn, chúng ta sẽ thấy được những sức mạnh mới

Ông Tuấn cũng tán đồng với ý kiến chuyên gia về việc tạo ra quan hệ đối tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp thật chặt chẽ. Từ đó, có thể biết độ thẩm thấu của chính sách đối với doanh nghiệp và có sự điều chỉnh kịp thời.

Muốn có thông tin phản ứng nhanh từ thực tiễn thì cần có quan hệ đối tác dựa trên sự đối thoại thường xuyên, ông Tuấn nêu quan điểm và cho biết: Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đối thoại rất nhiều với doanh nghiệp, thông qua những thiết chế trung gian như hiệp hội, tham vấn chuyên gia, nhà kinh tế. Điều này rất cần thiết.

Ông Đậu Anh Tuấn tin rằng: "Sức khỏe", sự kiên cường của nền kinh tế Việt Nam rất tốt. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Trong bối cảnh khó khăn, chúng ta sẽ thấy được những sức mạnh mới, năng lượng mới từ người dân, doanh nghiệp và Chính phủ. Chúng ta sẽ đạt được mục tiêu trong thời gian tới./.