Tại chương XV quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, ngoài nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi một số nội dung nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 19-NQ/TW, khắc phục khâu yếu trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết hiệu quả những tồn tại hạn chế hiện nay như:
Đề xuất sửa đổi quy định về theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai và trách nhiệm quản lý hệ thống theo dõi và đánh giá tại Điều 223 dự thảo Luật.
Đề xuất bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 225 dự thảo Luật về kiểm tra chuyên ngành đất đai là hoạt động được thực hiện thường xuyên, liên tục của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý đất đai theo quy định của Chính phủ.
Cụ thể, kiểm tra chuyên ngành đất đai là hoạt động được thực hiện thường xuyên, liên tục của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý đất đai nhằm đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai; nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai trong phạm vi cả nước.
Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai tại địa phương.
Đề xuất bổ sung tại khoản 6 Điều 226 nội dung quy định hòa giải tranh chấp đất đai đối với địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Đồng thời, đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng, tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu tại Điều 227.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc sửa đổi, bổ sung các nội dung như đã nêu ở trên nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn