Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục năm 2019 quy định nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục trừ cơ sở giáo dục quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 của Luật này (Viện Hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ).
Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên.
Luật Giáo dục chưa nêu được hoạt động đặc thù nhà giáo, chuẩn nhà giáo; chưa phân định nhà giáo thực sự với những người đang công tác trong các cơ sở giáo dục có tham gia vào việc giáo dục học sinh nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định.
Đồng thời, vị trí, vai trò của nhà giáo chưa được xác định rõ ràng, ngoài tuyên ngôn sau: "Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh".
Do đó, dự thảo Luật đưa ra khái niệm Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 của Luật Giáo dục) và đạt chuẩn nhà giáo theo quy định.
Theo đó, Nhà giáo gồm:
(1) Nhà giáo giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, dự bị đại học và các cơ sở giáo dục khác; nhà giáo giảng dạy, giáo dục trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp gọi là giáo viên;
(2) Nhà giáo giảng dạy, giáo dục trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; nhà giáo giảng dạy, giáo dục trình độ cao đẳng trở lên và nhà giáo làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gọi là giảng viên.
Đồng thời, xác định vị trí, vai trò của nhà giáo như sau:
Nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục.
Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực; là nhân tố chủ đạo trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.