Các trường hợp không được đăng ký tuyển dụng nhà giáo
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo quy định việc tuyển dụng nhà giáo phải căn cứ vào đề án vị trí việc làm; chuẩn nhà giáo; chương trình giáo dục, đào tạo; quỹ tiền lương nhằm bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu nhà giáo giảng dạy, giáo dục.
Đồng thời, đảm bảo các nguyên tắc chung, thống nhất với công tác tuyển dụng đối với viên chức các ngành khác và đảm bảo các nguyên tắc đặc thù phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo nhằm lựa chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, chuẩn nhà giáo, chức danh nhà giáo.
Việc tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo.
Để đảm bảo tính tôn nghiêm của nghề dạy học và lựa chọn được người có phẩm chất, đạo đức để trở thành nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo còn quy định các trường hợp không được đăng ký dự tuyển gồm có: người đã có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Hợp đồng không xác định thời gian được áp dụng đối với nhà giáo đã được cấp chứng chỉ hành nghề
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định hợp đồng nhà giáo gồm có: Hợp đồng làm việc xác định thời hạn, Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, Hợp đồng lao động xác định thời hạn, Hợp đồng lao động không xác định.
Trong đó, hợp đồng làm việc được sử dụng đối với nhà giáo giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục công lập và hợp đồng lao động được sử dụng đối với nhà giáo giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Đồng thời, loại hợp đồng không xác định thời gian được áp dụng đối với nhà giáo đã được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo để đảm bảo tính ổn định, lâu dài trong công tác sử dụng nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác.
Các quy định khác liên quan đến hợp đồng nhà giáo (nội dung, hình thức, việc thay đổi nội dung, ký kết tiếp, tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng nhà giáo, đơn phương chấm dứt hợp đồng nhà giáo, giải quyết tranh chấp về hợp đồng nhà giáo) thực hiện thống nhất với các quy định chung đối với viên chức và người lao động.