Đẩy mạnh phân quyền cho Chính phủ
Chiều 6/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 03 dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, các nội dung về thẩm quyền của Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội đang bám sát với quy định tại Điều 70 của Hiến pháp.
Đối với nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hiện đang được quy định khá cụ thể trong các luật, nghị quyết điều chỉnh về từng lĩnh vực nên cơ bản không có sự giao thoa, chồng lấn.
Hiện chỉ còn vấn đề chưa thực sự rành mạch là phân định giữa phạm vi thẩm quyền lập pháp của Quốc hội với lập quy của Chính phủ và các cơ quan khác.
Do đó, Ban soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng xác định cụ thể hơn những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội.
Đồng thời, quy định có tính nguyên tắc, định hướng về mức độ chi tiết cần được quy định trong luật. Theo đó, luật chỉ quy định các vấn đề mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, các vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.
Đối với các nội dung quản lý nhà nước, các vấn đề, lĩnh vực có tính kiến tạo, phát triển, luật chỉ quy định các nội dung chính sách có tính nguyên tắc, định hướng, chiến lược, để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; đẩy mạnh phân quyền cho Chính phủ, các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong việc tiếp tục cụ thể hóa các quy định của luật và tạo điều kiện cho việc thực hiện phân cấp phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của từng cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp;...
Sau khi sắp xếp, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban
Đối với các dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về số lượng, cơ cấu tổ chức và cách thức quy định các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, đa số ý kiến tán thành với việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 07 Ủy ban.
Về việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, các cơ quan đều tán thành với nguyên tắc và nội dung phân định thẩm quyền của Hội đồng, Ủy ban như dự thảo Nghị quyết.
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu rõ một số nội dung cụ thể liên quan tới thẩm tra điều ước quốc tế; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết (có chứa quy phạm pháp luật) với hệ thống pháp luật, bảo đảm kỹ thuật lập pháp đối với các dự án, dự thảo trước khi trình Quốc hội, UBTVQH thông qua; vấn đề giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND;...
Thảo luận tại Phiên họp, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung đã nêu trong Báo cáo tóm tắt Một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các nội dung liên quan đến: Đơn vị tham mưu, giúp việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và mối quan hệ với Văn phòng Quốc hội; về việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội;...
Trong đó, đối với việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết (có chứa quy phạm pháp luật) với hệ thống pháp luật, bảo đảm kỹ thuật lập pháp đối với các dự án, dự thảo trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục giao Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thực hiện nhiệm vụ nêu trên.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, đối với việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước cần thống nhất phạm vi, quyền hạn của các cơ quan này trong công tác xây dựng pháp luật và phải được phân định rõ; chỉ quy định vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc.
Các nội dung cụ thể được quy định trong pháp luật chuyên ngành để phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc điểm riêng, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực.
Về số lượng, cơ cấu tổ chức và cách thức quy định các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh quan điểm cơ bản vẫn giữ nguyên trạng; các vụ chuyên môn chuyển về Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, nhưng công tác hậu cần, nhân sự cần có sự song trùng phối hợp với Văn phòng Quốc hội.
Về việc bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giao Ủy ban Pháp luật và Tư pháp. Tuy nhiên, các cơ quan khác của Quốc hội cần chủ động rà soát, nâng cao trách nhiệm đối với hoạt động này,…
Đủ điều kiện trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 03 dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Hồ sơ 03 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các tài liệu kèm theo đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét và đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Về vấn đề phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung cơ bản.
Đồng thời, đề nghị cần rà soát từ ngữ theo nguyên tắc đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang được sửa đổi và việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan phải đảm bảo nguyên tắc chung trong Luật và các vấn đề cụ thể quy định lại các luật chuyên ngành;..
Về cách thức quy định số lượng, cơ cấu tổ chức cơ quan của Quốc hội đề nghị, không sử dụng cụm từ "cơ quan chuyên môn" mà sử dụng như quy định tại Luật hiện hành là "cơ quan của Quốc hội".
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan tới nội dung về phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; về giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND; mối quan hệ giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với Văn phòng Quốc hội;...