
Ông Từ Tiến Phát: Chúng tôi rất kỳ vọng hiện thực hoá Nghị quyết trong thời gian sắp tới - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tại tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, về góc độ tài chính ngân hàng, cũng như phục vụ doanh nghiệp, 4 mối quan tâm của doanh nghiệp xuyên suốt nhiều năm qua, đó là: Chi phí, thủ tục, thị trường, làm sao để chuyển đổi xanh theo định hướng.
"Khi chúng tôi đọc Nghị quyết 68 thì điều đầu tiên chúng tôi thấy được truyền cảm hứng, rất hạnh phúc, nhưng có một phần đâu đó là ngạc nhiên. Tại vì một Nghị quyết của Đảng đi rất sát vào thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp như này thì rất tuyệt vời", ông Phát chia sẻ.
Về những quan tâm của doanh nghiệp, theo ông Phát, thứ nhất là chi phí, điều đầu tiên là miễn thuế. Việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu, điều này là tuyệt vời. Trong 3 năm đầu là thời gian sinh tồn của doanh nghiệp, những doanh nghiệp mới phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp start-up, họ đầu tư, có thể một phần đầu tư trong đó là mạo hiểm, thì 3 năm đầu miễn thuế là một cách nuôi dưỡng các doanh nghiệp đó.
Hiện nay doanh nghiệp của chúng ta đa số là nhỏ và siêu nhỏ, và thường là trên 50% khi doanh nghiệp thành lập ra 1 - 2 năm đầu khó tồn tại được. Vì thế, đây là một chính sách rất tốt.
Điều thứ 2 là việc tiếp cận tài sản là đất công. Để thuê được những tài sản với chi phí phù hợp, cạnh tranh, là một điều tương đối khó khăn với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian vừa qua đã dễ dàng trong việc tiếp cận, tuy nhiên họ gặp những cản trở như là tài sản thế chấp, cho vay, định giá tài sản, cũng như việc minh bạch về thuế.
"Phải nói rằng Nghị quyết 68 có các điểm rất cởi mở, tất nhiên thời gian tới cũng cần hiện thực về quy định, thể chế để làm sao chính sách này có thể đi vào cuộc sống", ông Phát phát biểu.
Việc bảo lãnh phải vào nhu cầu thực chất của doanh nghiệp vừa và nhỏ
Cũng theo ông Phát, bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thực tiễn chưa phát huy được tác dụng. Giai đoạn đầu có bảo lãnh nhưng dần dần không còn hiện thực nữa.
"Việc bảo lãnh phải vào nhu cầu thực chất của doanh nghiệp vừa và nhỏ, và có thể phải mở rộng ra một số phạm vi, chứ không phải bảo lãnh về vay vốn. Đó là điều chúng tôi cũng rất quan tâm", ông Phát nói.
Có một chủ điểm mà ông Phát cũng thấy rất hay là kinh tế chuỗi. Nay chúng ta có Nghị quyết để góp phần phát triển doanh nghiệp lớn và cùng với những chuỗi cung ứng thì đi theo sau đó là những doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đây là một chính sách rất đột phá.
"Rất nhiều giải pháp nhưng chúng tôi quy tụ lại đã giải quyết được 4 nhóm vấn đề chúng tôi đã nêu. Điều cuối cùng mà tôi muốn nói là chuyển đổi xanh. Đây là vấn đề rất mới, ít được nêu tại các nghị quyết trước, nhưng nay Nghị quyết 68 đã nói về chuyển đổi xanh.
Mục tiêu đến 2050 là phát thải ròng bằng 0 mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra, chúng ta thấy rằng cần hiện thực hóa bằng những chính sách cụ thể. Chúng ta mong rằng sau Nghị quyết này, sẽ có những hướng dẫn cụ thể, những khung tín dụng để làm sao đạt được tín dụng xanh này.
Một Nghị quyết chiều hướng như vậy chúng tôi rất kỳ vọng được hiện thực hoá trong thời gian sắp tới", ông Phát cho biết.