Đề xuất thu lũy kế tiền sử dụng đất; xây dựng chính sách thuế điều tiết thị trường bất động sản

23/08/2022 15:26

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Hà Nội kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xây dựng chính sách thuế phù hợp nhằm điều tiết thị trường bất động sản; thu lũy kế tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, người sử dụng đất nông nghiệp nhưng bỏ hoang, không đưa đất vào sử dụng nhằm hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai.

Đề xuất xây dựng chính sách thuế điều tiết thị trường bất động sản, thu lũy kế tiền sử dụng đất - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và các chuyên gia, lãnh đạo địa phương trao đổi bên lề hội nghị.

Công tác thu hồi, giao đất, cho thuê đất đóng góp 15-18% tổng nguồn thu ngân sách

Ngày 23/8, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố và lấy ý kiến góp ý Luật Đất đai (sửa đổi).

Trình bày báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Tấn cho biết, công tác quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo đúng chỉ tiêu sử dụng đất được phê duyệt; quá trình tổ chức thực hiện đồng bộ từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai.

Công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách từ đất hằng năm khoảng 20.000-28.000 tỷ đồng, chiếm 15-18% tổng nguồn thu ngân sách thành phố. Giai đoạn 2016-2020, trên toàn thành phố đã thu hồi đất và giải phóng mặt bằng 2.873 dự án, với diện tích 16.106ha.  

Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 2.403 tỷ đồng và 18.551.000m2 đất, kiến nghị xử lý 512 tập thể, 698 cá nhân; xử phạt vi phạm 465,2 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 39 vụ việc.

Đề xuất xây dựng chính sách thuế điều tiết thị trường bất động sản, thu lũy kế tiền sử dụng đất - Ảnh 2.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn báo cáo tại hội nghị.

Kiến nghị rà soát, sửa đổi bất cập về quỹ đất phát triển NƠXH, cơ chế thu hồi đất của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp

Trên cơ sở những bất cập về quản lý, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị rà soát bất cập về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị (gồm cả các dự án đấu giá quyền sử dụng đất).

Thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế thu hồi đất của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong quá trình rà soát, sắp xếp tài sản công theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; có chế tài đủ mạnh để thu hồi đất tại các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, vi phạm pháp luật về đất đai ngay trong quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế cụ thể để nhà đầu tư tham gia ứng vốn vào công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thỏa thuận với người có đất thu hồi đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; 

Xem xét xây dựng chính sách thuế phù hợp nhằm điều tiết thị trường bất động sản; thu lũy kế tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, người sử dụng đất nông nghiệp nhưng bỏ hoang, không đưa đất vào sử dụng nhằm hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai.

Đề xuất xây dựng chính sách thuế điều tiết thị trường bất động sản, thu lũy kế tiền sử dụng đất - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam phát biểu.

Quan tâm tháo gỡ khó khăn, bất cập tại cơ sở

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương, nhà khoa học cũng đã trao đổi về một số bất cập trong quản lý đất đai.

Liên quan đến việc cưỡng chế, thu hồi đất và công trình tài sản trên đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho biết, hiện nay việc triển khai cưỡng chế, thu hồi đất liên quan đến tài sản gắn với công trình xây dựng theo Luật Xây dựng, do đó dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần kết nối với các luật có liên quan về nội dung này để bảo đảm làm rõ và khả thi trong thực hiện. 

Ngoài ra, khung giá bồi thường di chuyển mồ mả ra khỏi dự án còn thấp nên nhiều trường hợp cố tình không di chuyển khiến một số dự án bị kéo dài. 

“Trong khi đó theo Luật Dân sự, nếu thực hiện không cẩn thận, một số nội dung sẽ liên quan đến hành vi xâm hại mồ mả”, ông Nguyễn Quốc Nam nói.

Đề xuất xây dựng chính sách thuế điều tiết thị trường bất động sản, thu lũy kế tiền sử dụng đất - Ảnh 4.

Quang cảnh hội nghị.

Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Thọ nêu thực tế, việc quy định chung đất vườn ao trong làng, xóm vào nhóm đất nông nghiệp như luật hiện hành phát sinh nhiều bất cập khi đây là đất không được Nhà nước giao nhưng người dân được thừa kế, sinh sống lâu đời. Trong khi đó, giá đất nông nghiệp hiện chỉ bằng 30-70% so với giá đất ở và không quy định khoản hỗ trợ. 

Từ đó, ông Nguyễn Đức Thọ đề nghị trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ khái niệm đất vườn ao trong đất ở, đất nông nghiệp và quy định cụ thể đất vườn ao không có thửa đất nằm trong vùng đất có nhà ở.

Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông (huyện Mê Linh) Nguyễn Ngọc Hiếu đề xuất tách biệt công tác đăng ký đất đai với cấp quyền sử dụng đất, quy định giao cấp quyền sử dụng đất lần đầu cho Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, còn Phòng Đăng ký đất đai thực hiện sau khi cấp giấy chứng nhận lần đầu nhằm tạo thuận lợi cho người dân…

Đề xuất xây dựng chính sách thuế điều tiết thị trường bất động sản, thu lũy kế tiền sử dụng đất - Ảnh 5.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam khẳng định, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xây dựng công phu, nghiêm túc, thể chế hóa được tinh thần, quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, từ đó giải quyết được các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều quan điểm đổi mới.

Về cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, giá đất, các cử tri cũng khẳng định, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong dự thảo Luật, cần quy định cụ thể để hạn chế khiếu nại, tố cáo và tham nhũng, tiêu cực.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến đề nghị, bên cạnh việc bỏ khung giá đất, cần quy định cơ chế, phương pháp xác định giá đất ngay trong dự thảo Luật. Đồng thời, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xác định rõ cơ quan định giá đất cấp tỉnh; bổ sung thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội vào hội đồng thẩm định giá đất để bảo đảm tính khách quan, độc lập của hội đồng.

Đề xuất xây dựng chính sách thuế điều tiết thị trường bất động sản, thu lũy kế tiền sử dụng đất - Ảnh 6.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết, 11 ý kiến phát biểu đều khẳng định tính chất đặc biệt quan trọng của Luật Đất đai trong cuộc sống. 

Qua hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tổng hợp được nhiều ý kiến xác đáng, sâu sắc và mong muốn chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục có những ý kiến đóng góp, từ đó Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến (lần 1) tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV vào tháng 10-2022. Bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 16 chương (tăng 2 chương so với luật hiện hành), gồm 237 điều.\

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được quy định tại Quyết định 3220 /QĐ-BYT ngày 1/11/2024 của Bộ Y tế.

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên chức danh GS, PGS năm 2024 (Xét tại Phiên họp lần thứ II của HĐGSNN nhiệm kỳ 2024-2029, ngày 2-3/11/2024).

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi