Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được tổ chức xây dựng và có hiệu lực thi hành từ tháng 4/2017.
Sau 6 năm tổ chức áp dụng thực hiện, theo phản ánh từ các nhà trường, doanh nghiệp cho thấy Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển chương trình và quản lý, tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trong tình hình mới.
Cụ thể, nội dung quy định về chương trình đào tạo và các biểu mẫu định dạng còn quá chi tiết, cụ thể, chưa tạo điều kiện để các trường được linh hoạt, chủ động trong phát triển chương trình cho phù hợp với việc khuyến khích đa dạng hóa các hình thức tổ chức đào tạo và xu hướng phát triển chương trình đào tạo theo năng lực thực hiện và đáp ứng yêu cầu theo vị trí việc làm của ngành, nghề; chưa yêu cầu chặt chẽ và quy định rõ việc xây dựng, chỉnh sửa chương trình đào tạo phải căn cứ quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, các yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được khi tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) đối với từng trình độ đào tạo để xây dựng, phát triển chương trình.
Kết cấu của quy định còn chưa rõ ràng giữa các yêu cầu, quy định chung về chương trình, giáo trình đào tạo với các quy định về quy trình tổ chức xây dựng, quy trình thẩm định và ban hành; các yêu cầu về tiêu chuẩn thành viên Ban chủ nhiệm, Hội đồng thẩm định và quy trình tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, giáo trình cũng có một số điểm không còn phù hợp, cần điều chỉnh, bổ sung; chưa có quy định cho phép các trường được quyền chủ động lựa chọn và phê duyệt chương trình đào tạo đã có ở trong và ngoài nước để áp dụng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Điểm mới về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo nghề
Tại dự thảo Thông tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất một số nội dung thay đổi, điều chỉnh và bổ sung mới so với Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH.
Cụ thể, về yêu cầu đối với chương trình đào tạo, có điều chỉnh, bổ sung thêm một số nội dung cho phù hợp hơn như: Các nội dung chuyên môn phải xác định rõ những nội dung chính, cốt lõi của nghề nghiệp, những nội dung bổ trợ, tự chọn để người học lựa chọn phù hợp nhu cầu của bản thân; chương trình phải đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Bỏ quy định về trình tự thực hiện các môn học/ mô đun để đảm bảo tính linh hoạt của chương trình, phù hợp với việc tổ chức đào tạo theo phương thức tích lũy mô đun/ tín chỉ. Bỏ quy định yêu cầu về cơ sở vật chất và giáo viên do đã được quy định tại các văn bản khác có liên quan.
Về cấu trúc của chương trình đào tạo, dự thảo đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung gồm: Thay đối tượng tuyển sinh thành điều kiện đầu vào. Bổ sung yêu cầu giới thiệu về chương trình/ mô tả ngành, nghề đào tạo; bổ sung bảng tổng hợp các năng lực yêu cầu của ngành, nghề (căn cứ theo chuẩn đầu ra). Quy định rõ các nội dung môn học/ mô đun bắt buộc, tự chọn trong chương trình.
Quy định về thời gian khóa học và thời gian trong chương trình, dự thảo bổ sung quy định thời gian khóa học không bao gồm thời gian của các nội dung học tập được miễn trừ hoặc bảo lưu do đã học. Bên cạnh đó, Bỏ quy định mỗi môn học/ mô đun có khối lượng từ 2-6 tín chỉ do không cần thiết và không phù hợp với đặc thù trong đào tạo nghề. Bổ sung quy định việc quy đổi giờ ra tín chỉ đối với 06 môn học chung để tính khối lượng học tập toàn khóa được quy đổi theo tổng số giờ của cả 06 môn học do số lượng giờ học của từng môn nhỏ, khó thực hiện việc quy đổi ra tín chỉ, nhất là việc quy đổi giờ lý thuyết, thực hành, thảo luận… Bỏ quy định về việc mỗi tuần học không quá 40 giờ thực hành hoặc 30 giờ lý thuyết vì quy định về tổ chức thực hiện chương trình trong Thông tư này là không phù hợp mà phải quy định trong các văn bản khác…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.