CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Đại biểu Lê Thanh Vân: Đánh giá KTXH cần cái nhìn khách quan, tổng thể, không nên quá tiêu cực

07:55 - 31/05/2023

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng đánh giá tình hình của năm 2023 cần có cái nhìn khách quan, không nên quá tiêu cực cho rằng nguyên nhân chỉ là do hạn chế trong quản lý điều hành mà cần cái nhìn tổng quan từ bên trong lẫn bên ngoài.

Đánh giá KTXH: Cần có cái nhìn khách quan, không nên quá tiêu cực! - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Đánh giá tình hình của năm 2023 cần có cái nhìn khách quan, không nên quá tiêu cực cho rằng nguyên nhân chỉ là do hạn chế trong quản lý điều hành mà cần cái nhìn tổng quan từ bên trong lẫn bên ngoài.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Theo Báo cáo, trong bối cảnh rất khó khăn, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch.

Nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội, như: GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%); CPI bình quân tăng 3,15% (đã báo cáo là khoảng 4%); thu ngân sách Nhà nước tăng 12,5%, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn được chỉ ra, trong đó có hai chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp. Những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Chính phủ đã nhận diện đúng thực trạng tình hình KTXH

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đồng tình với đánh giá của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cho rằng các báo cáo cơ bản đã nhận diện đúng thực trạng tình hình.

Đại biểu Lê Thanh Vân ghi nhận những kết quả nổi bật của năm 2022, cho rằng đây là kết quả của sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng đạt thấp. Nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, tác động của bên ngoài làm bức tranh 6 tháng đầu năm của nước ta "ảm đạm", số doanh nghiệp thành lập mới giảm, số công nhân thất nghiệp tăng,…

Đại biểu dẫn chứng, chỉ tính trong ngày 23/5, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tiếp nhận đến 22.000 hồ sơ thất nghiệp. Trong khi đó, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước với doanh nghiệp chưa thực sự chia sẻ kịp thời và hiệu quả.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, đánh giá tình hình của năm 2023 cần có cái nhìn khách quan, không nên quá tiêu cực cho rằng nguyên nhân chỉ là do hạn chế trong quản lý điều hành mà cần cái nhìn tổng quan từ bên trong lẫn bên ngoài.

Đại biểu Lê Thanh Vân phân tích, năm 2023 bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn đã có tác động tiêu cực nhất định, cả trực tiếp, gián tiếp đến tình hình kinh tế nước ta.

Bên cạnh đó, các hạn chế, yếu kém của nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ nét hơn. Đây cũng là những vấn đề đã được lường đến khi bàn về kịch bản phát triển của năm.

Đại biểu chỉ rõ, tình hình thế giới bất ổn do xung đột địa chính trị, chiến tranh, cạnh tranh của các nước lớn, một số thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh do lạm phát, suy giảm kinh tế.

Trong khi quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, có độ mở lớn nên chịu nhiều tác động từ diễn biến tình hình thế giới. Ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 cần thời gian để phục hồi.

Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu. Một bộ phận cán bộ, công chức ở trung ương và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc.

Nếu có giải pháp thích hợp, đồng bộ, chúng ta vẫn có thể bứt phá

Trước những tác động bên trong, bên ngoài như vậy, cần phải có những giải pháp tích cực. Trước hết phải xem xét nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân được đại biểu nêu là tiến độ giải ngân đầu tư công thấp, trong khi động lực tăng trưởng kinh tế ở 3 khu vực: Đầu tư công, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài.

Đầu tư nước ngoài hiện nay đang là vấn đề lớn khi chúng ta đang đối mặt luật chơi mới của Tổ chức OECD, đó là thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu chúng ta không thích ứng thì hàng loạt doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ bỏ đi. Vì vậy, cần bắt tay ngay sửa đổi các đạo luật liên quan đến đầu tư, trước mắt là ban hành Luật thuế tối thiểu toàn cầu Việt Nam.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, nếu có giải pháp thích hợp, đồng bộ thì quý II, III, IV chúng ta có thể bứt phá. Theo đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề xuất 7 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, Chính phủ phải có chương trình ngắn hạn, tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ. Kịch bản đối phó ngắn hạn cần linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ và một trong giải pháp chính là giảm VAT.

Thứ hai, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân nhà đầu tư và thu hút thêm.

Thứ ba, giải phóng năng lực trong nước, là các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, doanh nghiệp startup cần nuôi dưỡng.

Thứ tư, không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.

Thứ năm, cải cách thể chế, phải thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế mới đủ tầm để xác định đâu là đột phá. Có 3 đột phá mà cải cách thể chế phải hướng tới là phải đột phá vào thể chế tổ chức nhân sự, thể chế kinh tế trong đó chế độ sở hữu là quan trọng, thể chế văn hóa.

Thứ sáu, chỉnh đốn nội vụ cán bộ, nên có chuyên đề giám sát tối cao về việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong hệ thống hành chính Nhà nước.

Thứ bảy, tăng lương, cơ cấu lại tiền lương bằng tinh giảm biên chế./.