CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Cần cấp bách nâng cao trình độ cho người lao động, cải cách tiền lương, đổi mới mô hình tăng trưởng

11:35 - 30/05/2023

(Chinhphu.vn) - PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng, Việt Nam cần phải có các giải pháp cấp bách nâng cao trình độ, tiền lương cho người lao động, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chủ động nắm bắt cơ hội để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đất nước.

Chúng ta truyền thông kết quả kinh tế vĩ mô chưa tốt, để mảng đen nhiều hơn - Ảnh 1.

Chiều 28/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" để thảo luận về các biện pháp tiếp tục ổn định và giúp thị trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đồng thuận nhận định rằng, trong bối cảnh bề bộn khó khăn của kinh tế toàn cầu, việc Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, bảo đảm thu – chi,… là những kết quả rất đáng trân trọng.

Bên cạnh kiềm chế lạm phát, cần tập trung cho tăng trưởng

Trao đổi về vấn đề kiềm chế lạm phát, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: Thời gian qua, chúng ta đã kiềm chế lạm phát tốt. Nhưng có một vấn đề cần quan tâm vì kiểm soát lạm phát phải đi đôi với hạn chế nguồn lực bơm ra thị trường, ví dụ như tiền tệ. 

Theo ông, nếu chúng ta quá lo ngại lạm phát, tiếp tục thắt chặt đồng tiền, hạn chế cung vốn cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp không có nguồn lực để sản xuất kinh doanh. 

Trên thế giới, áp lực lạm phát đã giảm nhưng xu hướng các ngân hàng trung ương lớn đang chậm dần việc tăng lãi suất điều hành. Rõ ràng, áp lực lạm phát thế giới vào Việt Nam ít nhưng áp lực suy thoái thì cao hơn, đáng lo ngại hơn. 

Nếu chúng ta không hành động sớm, chờ lúc suy thoái rồi mới bơm tiền vào cứu trợ thì khó phục hồi. "Cơ thể" mà quá yếu thì thêm thuốc bổ cũng không phục hồi được.

Hiện nay, thành công kiểm soát lạm phát là tốt nhưng thực tế thị trường thế giới thu hẹp sau 2 năm đại dịch, hàng hóa khó tiêu thụ, không có đơn hàng nên doanh nghiệp khó khăn. Tôi mới đọc thông tin trên báo về khảo sát 10.000 doanh nghiệp, tỉ lệ doanh nghiệp khó khăn và phải cắt giảm lao động là trên 80%, khoảng hơn 20% phải cắt giảm 1 nửa, hơn 50% rất cần hỗ trợ về vốn. Rõ ràng, thị trường đang khó, nguồn vốn ứ đọng nếu không bán được hàng.

Cấp bách nâng cao trình độ, tiền lương, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế  - Ảnh 2.

GS.TS Hoàng Văn Cường: Mục tiêu của chúng ta không phải là tăng trưởng để lấy thành tích, mà là để tạo của cải, công ăn việc làm, người dân có thu nhập, cải thiện đời sống. Ảnh VGP/Quang Thương

Trong tương lai, thế giới có thể có hai xu thế: Một là suy thoái, khủng hoảng; hai là bắt đầu có tín hiệu phục hồi. Nếu chờ phục hồi rồi mới sản xuất là "chậm chân". Nên phải tính trước các "bài" để ứng phó. 

Vì vậy, đây là thời kỳ phải tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp. Nguồn vốn cho doanh nghiệp hiện nay dựa vào hai nguồn: Thị trường trái phiếu và thị trường khá truyền thống là hệ thống cấp vốn từ các ngân hàng tín dụng.

Chúng ta tính đến chuyện cân bằng các chính sách kiểm soát lạm phát (nới lỏng tiền tệ), chuyển hướng hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, để tạo tăng trưởng, công ăn việc làm. Mục tiêu của chúng ta không phải là tăng trưởng để lấy thành tích, mà là để tạo của cải, công ăn việc làm, người dân có thu nhập, cải thiện đời sống. 

Doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại sẽ giúp duy trì cân bằng kinh tế vĩ mô. GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng chuyển hướng của Chính phủ trong giai đoạn này là phải tập trung cho tăng trưởng, không phải như năm trước là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Cần thêm khảo sát khoa học hơn về "sức khỏe" doanh nghiệp

Về vấn đề này, PGS.TS. Vũ Minh Khương chia sẻ: "Tôi có một thử nghiệm thú vị, đi xe taxi từ nhà ra sân bay Nội Bài, rồi từ sân bay trở về. Giá rất ổn định, không lên dù giá xăng dầu lên, lái xe vẫn lịch thiệp, không có phàn nàn gì về giá. 

Đó một thử nghiệm cảm nhận cuộc sống. Tất nhiên, có mặt hàng đâu đó tăng nhưng cơ bản giá taxi cũng như các mặt hàng tiêu dùng đều không có biến động quá cao".

Về số liệu khảo sát mà GS.TS Hoàng Văn Cường vừa dẫn chứng, PGS.TS Vũ Minh Khương nêu quan điểm: Cần lưu ý là những doanh nghiệp biến động nhiều tỉ lệ có ý kiến cao hơn, doanh nghiệp ít biến động không có thời gian nêu ý kiến nhiều. 

Hiện các doanh nghiệp có thể "đau đầu" nghiêm trọng,  nhưng có thể vấn đề không nghiêm trọng đến mức đó. Chúng ta cần thêm khảo sát khoa học hơn. 

Ví dụ chọn khảo sát 10.000 doanh nghiệp là rất tốt, nhưng vấn đề là mẫu chọn thế nào. Thường doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều sẽ tham gia đông đảo hơn, nên có thể tạo ra bức tranh tương đối "xám". Do vậy, vẫn cần các khảo sát bổ sung.

Nắm bắt xu thế thời đại để Việt Nam trở thành "điểm sáng chói" về chuyển đổi xanh 

Về vấn đề tăng trưởng, PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng: Cần nắm bắt xu thế thời đại, ví dụ xe điện, điện xanh… Cần làm sao có thể gấp đôi sản lượng, công suất điện trong thời gian tới, nếu khai thác năng lượng gió, năng lượng mặt trời vô tận. Huy động vốn này không mất công sức quá, vì lãi suất cho chuyển đổi xanh chỉ 3%, hay thấp hơn mức thông thường. 

Theo ông, cơ bản Quy hoạch điện VIII được ban hành rất kịp thời, hay. Vấn đề là "làm sao để Việt Nam thành điểm sáng chói về năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 càng sớm càng tốt. Cả hệ thống cần vào cuộc. Việt Nam phải cải thiện, tháo gỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt lên trong thời gian tới".

Kinh nghiệm Hàn Quốc, Ireland, Singapore cho thấy các nước này rất chú trọng hỗ trợ chiến lược phát triển doanh nghiệp. Không nên nghĩ doanh nghiệp cứ có thị trường là giỏi. Nếu không có tư vấn, chưa chắc doanh nghiệp đã đúng hướng. 

Ví dụ xuất khẩu tôm, doanh nghiệp Việt Nam luôn muốn mở rộng xuất nhiều hơn, không nghĩ đến tăng giá trị gia tăng cao hơn, giảm xuất nhưng hàm lượng giá trị cao hơn. Với các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, cần tính toán kỹ hơn, nhất là thời gian tới phải đương đầu với sự cạnh tranh đến từ các nước như Ấn Độ, Bangladesh…

Cấp bách nâng cao trình độ, tiền lương cho người lao động

Thứ hai là vấn đề lao động. Lao động Việt Nam phải có trình độ cao hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới. 

Vấn đề nữa cần phải giải quyết là "tiền lương của lao động đã đủ chưa? Bao giờ nâng lương cho người lao động từ 10 triệu lên 15 triệu/tháng?" Đây là vấn đề cấp bách, nếu không tập trung giải quyết, chúng ta không thể đi được xa.

Thứ ba là vấn đề đổi mới sáng tạo công nghệ. 

Theo PGS.TS Vũ Minh Khương: Đây là các bài toán cần sự sát cánh của các bộ ngành, địa phương, Chính phủ...

Mỗi chính sách được ban hành phải để người dân cảm thấy phấn chấn

PGS.TS Vũ Minh Khương chia sẻ thêm: Ta chưa chú trọng tham vấn chuyên gia, tham vấn người thụ hưởng chính sách. 

"Tôi mong Chính phủ, Quốc hội làm sao mỗi chính sách thời gian tới đưa ra, người dân cảm thấy phấn chấn, phấn khởi hơn là ức chế, khó chịu, sốc...", PGS.TS Vũ Minh Khương bày tỏ.

Bên cạnh đó, các kết quả vĩ mô chúng ta thực hiện khá tốt nhưng đưa ra thông tin tuyên truyền chưa thật tốt. Truyền thông kết quả vĩ mô chưa tốt, để mảng đen nhiều hơn. Cái này cũng dễ hiểu về người ta quan tâm những quan ngại hằng ngày. Chúng ta cần nhận dạng và trình bày rõ hơn, để xã hội nhận thấy rõ hơn.

Đây là bài toàn chung của cả xã hội, không chỉ Quốc hội, Chính phủ; bài toán tổng hợp, bài toán đổi mới mô hình tăng trưởng toàn diện, không chỉ đơn thuần đổi mới, bỏ tập tính cũ, chuẩn bị tập tính mới... Ta đã có 40 năm đổi mới rồi, cần những đột phá trong thời gian tới./.